Quản trị

Từ tư duy di sản đến thương hiệu di sản

Tâm Huyền Niệm (*) 14/09/2024 09:30

Trong kỷ nguyên của công nghệ, kỷ nguyên của truyền thông và trải nghiệm khách hàng, nếu doanh chủ và đội ngũ thiếu “tư duy di sản” làm nền móng xây dựng “thương hiệu di sản” thì khó mà phát triển bền vững...

ve-dep-do-thi-co-hoi-an.jpg

Tại sao cần tư duy di sản?

Tư duy di sản là một khái niệm khá mới và chưa phổ biến nếu tìm kiếm trong các tác phẩm in ấn hay trên mạng xã hội. Tuy nhiên, có thể hiểu một cách đơn giản “tư duy” là quá trình nhận thức và suy nghĩ của con người, còn “di sản” liên quan đến những giá trị văn hóa, lịch sử, hoặc tài sản hữu hình, vô hình được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do đó, tư duy di sản có thể hiểu là cách suy nghĩ và nhận thức về giá trị của di sản, bao gồm việc kiến tạo, bảo tồn, phát huy và truyền thừa ngay khi doanh chủ khởi sinh ý tưởng kinh doanh và ứng dụng trong quá trình thực thi kế hoạch.

Có thể xem giá trị của tư duy di sản đã được chú trọng phát huy trong các lĩnh vực như văn hóa, lịch sử và giáo dục… như thế nào.

Ở dòng họ, người ta chú trọng gìn giữ truyền thống gia đình, gìn giữ gia phong, như việc dựng phả, tôn tạo từ đường, xây nhà thờ họ, duy trì các lễ hội truyền thống như Tết Nguyên đán, ngày giỗ tổ: “Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”.

Ở trường học, ngoài những tiết học lý thuyết trên lớp, học sinh còn được tham gia các buổi học ngoại khóa tại các bảo tàng hoặc di tích lịch sử. Những hoạt động như vậy sẽ giúp nâng tầm hiểu biết, tăng khả năng cảm thụ và nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc.

Ở Hội An, việc bảo tồn kiến trúc có giá trị lịch sử là những ngôi nhà cổ và phố cổ là một ví dụ điển hình. Người dân và chính quyền địa phương tình nguyện cùng nhau duy trì và bảo vệ để thế hệ sau hiểu và trân quý di sản.

Chủ doanh nghiệp cần sở hữu tư duy di sản

Một vài ví dụ trên có thể thấy tầm quan trọng của tư duy di sản, dù khải niệm chưa được nhắc tới nhưng gốc rễ đã được bén và ăn sâu từ bao đời. Do đó, tư duy di sản có thể coi như một mã gene, là DNA mà doanh chủ và đội ngũ cần có, cần “cấy” và cần lan rộng.

Văn hóa doanh nghiệp cũng từ tư duy di sản mà khởi sinh, mà gắn kết, mà trường tồn. Tư duy di sản chính một sợi dây vô hình gắn kết doanh chủ hay đội ngũ lãnh đạo và lực lượng nhân sự trong tổ chức, từ vị trí cao nhất đến thấp nhất, từ nội bộ doanh nghiệp ra đến đối tác khách hàng, bởi tầm nhìn được gửi gắm trong sứ mệnh, trong chiến lược kinh doanh. Bên cạnh đó, tư duy di sản còn giúp doanh chủ và doanh nghiệp bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử doanh nghiệp, tạo ra sự khác biệt và độc đáo cho thương hiệu; xây dựng lòng tin và uy tín với đối tác, khách hàng khi doanh nghiệp chú trọng đến chiến lược kinh doanh bền vững, không chỉ tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn; thu hút và giữ chân nhân tài khi doanh nghiệp tạo ra môi trường làm việc tích cực, nơi nhân viên cảm thấy tự hào và gắn bó; tăng cường khả năng cạnh tranh từ sự ủng hộ của cộng đồng khi doanh nghiệp cam kết và kiên định phát huy các giá trị di sản.

trang_an_gonatour.jpg

“Cấy ghép” tư duy di sản cho đội ngũ kế thừa

“Một cánh én không làm nên mùa xuân” nên doanh chủ và những người phụ trách phát triển nguồn nhân lực cần nhận thức rõ trách nhiệm này. Khi đội ngũ kế thừa được trang bị tư duy di sản, doanh nghiệp sẽ không bị phụ thuộc quá nhiều vào một cá nhân. Điều này đồng nghĩa với việc đội ngũ kế thừa hiểu rõ tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, từ đó giúp duy trì sự ổn định và tính liên tục trong kinh doanh.

Một khi đội ngũ kế thừa được truyền cảm hứng bởi tư duy di sản, họ sẽ không chỉ tình nguyện tiếp nhận những giá trị hiện có mà còn chủ động tạo ra sự đối mới, với góc nhìn mới sáng tạo và đột phá. Và khi “sóng gió” đến với doanh nghiệp, họ sẽ sẵn lòng chung tay chèo lái và chống đỡ vì niềm tự hào, tự tôn và tự trọng đã được xây dựng trước đó.

Áp dụng tư duy di sản vào hoạt động doanh nghiệp

Doanh chủ không thể thuyết giảng suông về tư duy di sản mà phải gắn vào hoạt động thực tiễn. Một số hoạt động mà các doanh nghiệp thành công trên thế giới đã lựa chọn là:

- Sử dụng các yếu tố văn hóa, lịch sử của địa phương hoặc ngành nghề tạo nên thương hiệu, nhãn hàng độc đáo.

- Hợp tác với các tổ chức bảo tồn di sản, các bảo tàng địa phương tổ chức xuất bản ấn phẩm truyền thông, tổ chức sự kiện truyền thông văn hóa để cùng nhau bảo vệ, phát huy giá trị di sản vừa giúp tạo ra giá trị xã hội và quảng bá hình ảnh doanh nghiệp

- Áp dụng công nghệ hiện đại để bảo tồn và phát huy di sản như công nghệ thực tế ảo (VR) để tái hiện di tích lịch sử hoặc tạo ra các ứng dụng di động giới thiệu về di sản văn hóa, về sản phẩm dịch vụ của thương hiệu một cách sinh động, ấn tượng.

- Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đưa giá trị di sản vào chương trình đào tạo giúp nhân sự hiểu hơn về tầm quan trọng của tư duy di sản và cách áp dụng vào công việc hằng ngày.

- Xây dựng chiến dịch marketing thông minh và sáng tạo, đưa khách hàng trở về “miền di sản”, từ đó in đậm dấu ấn với thương hiệu và tình nguyện trở thành “fan cuồng” hay khách hàng trung thành.

(*) Sáng lập Học viện Thương hiệu Kim cương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ tư duy di sản đến thương hiệu di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO