Chuyện làm ăn

Đưa thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế

Vy Minh Quân 10/09/2024 09:15

Đã đến lúc, doanh nghiệp Việt Nam phải mạnh mẽ hơn nữa để đưa nhiều thương hiệu Việt có uy tín, tên tuổi ra chợ thế giới.

Ngày 6/9, công ty định giá thương hiệu toàn cầu Brand Finance công bố báo cáo lần đầu tiên 6 thương hiệu thuộc hệ sinh thái Vingroup được vinh danh trong Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2024.

Đây có thể xem là cú hích cho các thương hiệu mạnh Việt Nam tăng sức mạnh thương hiệu, chiến lược phát triển bền vững và vị thế dẫn dắt thị trường để tăng tính cạnh tranh của thương hiệu Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Tại Diễn đàn Kinh doanh toàn cầu 2024 do Khoa Kinh doanh của trường RMIT tổ chức mới đây, các chuyên gia, TS- GS. Đại học RMIT cũng đều chung nhận định: “Dù Việt Nam được mệnh danh là thủ phủ sản xuất mới khi các doanh nghiệp đa quốc gia triển khai chiến lược “Trung Quốc+1”, rất ít thương hiệu nội địa của Việt Nam được người tiêu dùng ngoại biết đến”.

TS. Đặng Thảo Quyên - Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh quốc tế cho biết, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nằm ở phân khúc có giá trị gia tăng thấp. Ví dụ, trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới, hầu hết trong số này được xuất khẩu dưới dạng hạt thô.

56564.jpg

Tương tự, ngành dệt may Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, nhưng nhiều công ty chỉ tập trung vào gia công. “Kết quả là, chỉ còn doanh thu khiêm tốn ở lại Việt Nam”, bà nói.

Trong khi đó, Thụy Sĩ là một ví dụ hoàn toàn ngược lại. “Mặc dù nước này không thể trồng hạt ca cao thô do khí hậu, nhưng Thụy Sĩ nổi tiếng thế giới với nhiều thương hiệu sô - cô - la cao cấp như Lindt và Toblerone”, TS. Quyên cho biết.

Để nâng tầm nền kinh tế Việt Nam và cải thiện GDP bình quân đầu người, doanh nghiệp trong nước nên tập trung vào việc xây dựng năng lực dài hạn ngay từ những bước đầu tiên, nâng cao lợi thế cạnh tranh và mở rộng ra thị trường toàn cầu.

Nhiều người giữ quan điểm truyền thống rằng doanh nghiệp nên có vị thế vững chắc trên sân nhà trước khi “đem chuông đi đánh xứ người”.

Tuy nhiên, TS. Quyên lại đưa ra một cách nhìn khác là nên làm cả hai cùng lúc hoặc xem xét mở rộng ra nước ngoài ngay sau khi có chỗ đứng trên thị trường nội địa”.

Bà nhấn mạnh: “Các thương hiệu Việt muốn có mặt trên thị trường toàn cầu có thể không quá xa vời nếu chúng ta thay đổi tư duy và hành động phù hợp”.

Bà Natalie Thuận Ngô đến từ Amazon Global Selling Vietnam cũng đồng quan điểm với chia sẻ trên: “Những thương hiệu này không nhất thiết phải đến từ các ông lớn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể tạo nên những sản phẩm cây nhà lá vườn hấp dẫn người tiêu dùng toàn cầu”.

Thương hiệu thời trang của nhà thiết kế Lê Thanh Hòa là một ví dụ diển hình. Tuy chỉ mới lấn sân sang thị trường quốc tế chưa lâu, các thiết kế của Lê Thanh Hòa đã được rất nhiều ngôi sao quốc tế “trưng diện” tại những sự kiện tầm cỡ như lễ trao giải Oscar và Grammy hay liên hoan phim Cannes.

“Bằng cách tập trung vào sự kết hợp giữa các giá trị, câu chuyện văn hóa truyền thống độc đáo của Việt Nam với sự sáng tạo hiện đại, khả năng linh hoạt trong quá trình làm sản phẩm, giá cả cạnh tranh, tay nghề thủ công cao, Lê Thanh Hòa cũng như các thương hiệu thời trang Việt có nhiều cơ hội ở thị trường thời trang quốc tế”, bà Quyên nhận định.

Chỉ ra thêm một ít thách thức nữa cần giải quyết, TS. Vũ Thị Kim Oanh cho rằng, việc thiếu hụt cả lao động có tay nghề và lao động phổ thông có thể cản trở nỗ lực nâng tầm các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi xanh, nhu cầu sản xuất năng lượng quy mô lớn do sự phát triển kinh tế nhanh chóng, hay những điểm nghẽn trong cơ sở hạ tầng cũng là những thách thức không nhỏ.

Bà cho biết: “Trong trường hợp thiếu nguồn lực, doanh nghiệp cần phải nuôi dưỡng những thế hệ mới trên nhiều phương diện, bao gồm năng lực số, phát triển sản phẩm hoặc quan hệ đối tác”.

Ngoài ra, khả năng truy xuất nguồn gốc hoặc sản xuất hữu cơ, cũng như các thủ tục chứng nhận nhằm tuân thủ các giao thức thị trường, có thể gặp phải nhiều rào cản và chi phí hành chính.

“Thế hệ chủ doanh nghiệp tiếp theo không nên tự giới hạn trong lãnh thổ Việt Nam mà nên dám nghĩ lớn và có sự chuẩn bị phù hợp”, các chuyên gia đúc kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đưa thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO