![]() |
Robot giải trí không xa lạ tại các cường quốc về khoa học kỹ thuật. Tại triển lãm Teack show Robocon Việt Nam 2012, các mẫu robot này bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam.
![]() |
Một robot chơi đàn của nước ngoài. Ảnh minh họa |
Từ ý tưởng đó, hai sinh viên Đại học Đà Nẵng đã sáng tạo ra một robot có khả năng chơi piano và lên ý tưởng về một công ty sản xuất đồ chơi thông minh dựa trên những nghiên cứu, sáng chế từ robot này.
Lê Đăng Quang và Nguyễn Cảnh Thịnh, hai sinh viên của Đại học Đà Nẵng chính là tác giả thực hiện robot đánh đàn trên. Từng tiếp xúc với các trẻ khuyết tật, cả hai nhận thấy nhu cầu học nhạc của nhóm đối tượng này là có thật. Nhưng khiếm khuyết cơ thể khiến họ rất khó khăn trong việc tiếp nhận.
Từ quan sát trên, ý tưởng về một chú robot có thể đánh đàn đã hình thành.
“Ngoài việc sử dụng động cơ bước từ máy photocopy, tay trượt mua lại từ chợ trời, tụi mình còn sử dụng các Valve Solenoil, Ben khí nén được thải ra từ các máy công nghiệp.
Vì là đồ cũ nên độ chính xác, tính đồng bộ, thời gian đáp ứng khác nhau rất nhiều. Do đó, để đạt được tối đa hiệu quả sử dụng, tụi mình phải xác định thời gian đáp ứng cho từng dụng cụ, từ đó tính toán ra các khoảng dịch, thời gian nghỉ của van để đồng bộ hóa với bài nhạc”. Cảnh Thịnh chia sẻ.
Khi vận hành, một tay robot dùng đánh hợp âm và tay kia chạy nốt nhạc. Dù Robot mới chỉ thực hiện được các bản nhạc có giai điệu, tiết tấu đơn giản nhưng ý tưởng này được các chuyên gia đánh giá rất cao về tính thực tiễn. Bởi việc khắc phục và nâng cao tính năng của robot là hoàn toàn có thể thực hiện được.
Điều đặc biệt, để giải quyết bài toán kinh phí chế tạo robot eo hẹp hai chàng sinh viên này đã sử dụng những vật tư thải ra từ máy móc công nghiệp. Tuy thành công bước đầu với robot giải trí, nhưng theo Cảnh Thịnh, đây mới chỉ là bước sơ khai trong dự án nghiên cứu robot của nhóm.
Nhóm của Thịnh sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu chuyên sâu. Hiện tại Thịnh đang ấp ủ xây dựng một công ty chuyên sản xuất robot phục vụ công tác giáo dục và đồ chơi tiện ích. “Những robot giáo dục sản xuất ở Việt Nam sẽ có giá thành rẻ hơn, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được tiếp cận tốt hơn công nghệ chế tạo robot, từ đó thúc đẩy công nghiệp tự động hóa ở Việt Nam phát triển trong tương lai gần”.
Riêng với robot đánh đàn, nhóm Thịnh hiện nay đang nghiên cứu tiếp để có thể đánh được bài hát phong phú hơn: “robot sẽ được thay thế các thiết bị mới với thời gian đáp ứng nhanh, tính đồng bộ giữa các thiết bị cũng sẽ cao hơn. Ngoài ra, tụi mình còn bổ sung thêm hệ tịnh tiến dọc giúp robot gõ được nhiều phím đàn hơn.
Hướng nghiên cứu tới đây là các ngón tay robot sẽ được tối ưu hóa, bộ tịnh tiến của robot sẽ được bố trí lại để có thể phù hợp cho việc dạy học theo phương pháp lối mòn. Tức là tay của các em khiếm thị sẽ được đeo vào các ngón tay robot.
Khi robot gõ các phím đàn thì sẽ có một loa báo cho các em biết đó là nốt gì, thời gian gõ. Robot sẽ thay thế được cho giáo viên trong khoảng thời gian đầu các em làm quen với cây đàn piano”