Khi không còn khác biệt bằng công nghệ, doanh nghiệp phải chạm vào điều gì?
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên “một chạm”: chạm để quản lý, để kết nối, để vận hành thế giới. Nhưng càng dễ chạm vào mọi thứ, con người lại càng khó chạm đến nhau - đến cảm xúc, sự hiện diện và chính bản thân mình. Khi công nghệ không còn là khác biệt, năng lực chạm thật mới là lợi thế bền vững nhất của doanh nghiệp (DN).
Khi cái chạm mở ra cả thế giới và cũng đóng lại với trái tim con người
Đã lâu rồi, chỉ cần một cái chạm, chúng ta có thể điều hành cả một DN. Họp với đối tác ở ba múi giờ khác nhau, ký kết hợp đồng, quản lý vận hành, xử lý khủng hoảng… tất cả gọn gàng trong lòng bàn tay. Công nghệ đã giúp doanh nhân trở thành những người siêu năng lực, không giới hạn không gian, thời gian hay tốc độ. Thế nhưng, chính trong hành trình tối ưu ấy, không ít người dừng lại và nhận ra mình đang dần trở nên... vô hình. Những cuộc họp nhiều nhưng cảm xúc ít. Những tin nhắn nhanh nhưng vô cảm. Những mối quan hệ công việc ngày càng hiệu quả nhưng lại thiếu sự kết nối sâu sắc.
Chúng ta có thể chạm đến cả thế giới qua một màn hình, nhưng lại không thể hiện diện trọn vẹn trong bữa ăn với gia đình. Chúng ta có thể đo lường hành vi khách hàng đến từng pixel, nhưng không đo nổi cảm xúc của đội ngũ khi nhìn thấy mình bước vào phòng. Đây không chỉ là một khoảng cách cảm xúc, đó là lỗ hổng chiến lược. Bởi khi công nghệ không còn là khác biệt thì thứ tạo ra dấu ấn bền vững nhất chính là khả năng chạm đến con người.

Chúng ta đang vận hành nhưng không còn hiện diện
Tôi từng nghe một người anh lớn là doanh nhân với bề dày kinh nghiệm trên thương trường, chia sẻ rằng: “Anh từng nghĩ một lãnh đạo giỏi là người luôn ra quyết định nhanh, luôn bận rộn, luôn “có mặt” trong mọi chuỗi hội thoại công việc. Cho đến một lần, khi ngồi một mình ở quán quen, anh nhận ra mình không biết nên gọi món gì, bởi đã quá lâu rồi anh không thật sự cảm nhận đâu là món ăn mang lại niềm vui và sự nuôi dưỡng cho mình. Vì hầu hết mọi lần ăn với đối tác hay đồng nghiệp, anh ưu tiên gọi món gì cho tiện”.
Chúng ta đã quen sống trong nhịp vận hành, trong email, lịch họp, các dashboard KPI. Từ lúc nào đó, ta bắt đầu đo chất lượng của một ngày bằng số việc hoàn thành, chứ không phải bằng mức độ hiện diện với chính mình và những người xung quanh.
Thế giới kinh doanh đang vận hành trong hai tầng song song: một tầng ngoài nơi mọi thứ đều có thể “chạm”, và một tầng trong nơi con người ngày càng xa cách. Chúng ta có thể chạm đến khách hàng ở mọi điểm tiếp xúc, nhưng lại không biết người cộng sự bên cạnh mình đang âm thầm rơi vào trầm cảm. Chúng ta có thể xử lý hàng loạt quyết định trong một buổi sáng, nhưng không biết cơ thể mình đang phát tín hiệu gì vì đã làm việc quá sức.
Tâm lý học hiện đại gọi đó là trạng thái “disembodiment”: mất kết nối với chính mình. Và DN cũng như một cơ thể sống đang mang trong mình triệu chứng đó: chạy rất nhanh, nhưng không rõ đang đi về đâu.
Hành trình khôi phục tính người trong DN
Muốn chạm được đến con người, trước tiên phải nhìn lại cách mình đang hiện diện. Không ít DN nói về khách hàng như những “đối tượng mục tiêu”, “tệp hành vi”, “người dùng cuối”. Nhưng phía sau những con số đó là ai? Một người mẹ đang tìm kiếm sự yên tâm. Một người trẻ đang cần được công nhận. Một người trưởng thành đang cần một sự đồng hành nhẹ nhàng mà không áp lực. Khách hàng không trung thành với sản phẩm, mà trung thành với cảm xúc họ có khi tương tác với thương hiệu. Một thương hiệu “chạm” là thương hiệu khiến người ta thấy mình được hiểu, đôi khi chỉ qua một lời nhắn chăm sóc sau mua, hay một email hỏi thăm không nằm trong chiến dịch nào cả.
Nhưng việc chạm không dừng lại ở khách hàng. Nó bắt đầu từ chính nội bộ, nơi đội ngũ của chúng ta đang mong được lắng nghe một cách thật sự. Một nhân viên có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, nhưng nếu họ không còn thấy mình thuộc về tổ chức, thì sự đóng góp ấy sẽ nhanh chóng cạn kiệt.
Người lãnh đạo trong thời đại “chạm” không còn là người chỉ biết tối ưu vận hành, mà là người dẫn dắt trạng thái tinh thần tập thể. Khi chúng ta hiện diện đủ sâu, chúng ta sẽ thấy rõ hơn sự chuyển động tâm lý của tổ chức, từ đó quyết định bằng trực giác rõ ràng, chứ không phải chỉ bằng phân tích.
Một DN bền vững không vận hành như cỗ máy, mà như một sinh thể: có nhịp thở, có cảm xúc, có giá trị cốt lõi làm linh hồn. Góc nhìn về rung động 5D cho thấy: DN cũng phát ra tần số, và tần số ấy ảnh hưởng đến cách khách hàng cảm nhận, cách nhân sự trung thành, và cách thị trường lan truyền giá trị. Tần số ấy đến từ người lãnh đạo DN thông qua cách nghĩ, cách dẫn dắt, cách “có mặt” trong từng điểm chạm. Khi một thương hiệu sống thật, khách hàng sẽ cảm được trước cả khi DN quảng bá điều gì.
DN có linh hồn liệu có thể là lợi thế cạnh tranh?
Hãy hình dung một tổ chức nơi mọi người cảm thấy được là chính mình. Nơi mỗi tương tác, dù là một cuộc họp ngắn, một email gửi nội bộ, hay một dòng giới thiệu sản phẩm đều mang theo sự hiện diện chân thành. Một nơi mà lãnh đạo không chỉ nói chuyện bằng dữ liệu, mà còn biết chạm vào điều chưa được nói ra: nỗi lo, khát khao, hoặc một tia hy vọng đang chờ được khơi dậy.
Khi một DN học lại cách chạm thật, đội ngũ sẽ trở nên bền bỉ hơn, khách hàng gắn bó hơn, và thương hiệu trở thành một phần trong cuộc sống. Còn nếu chúng ta tiếp tục vận hành như cũ, chạy theo công nghệ, tối ưu hóa, dữ liệu hóa… mà quên đi linh hồn tổ chức thì cũng đến lúc DN ta giống như một cơ thể lao động quá sức: nhanh, mạnh, hiệu quả nhưng cạn kiệt từ bên trong.
Trong thế giới nơi mọi thứ đều có thể thay thế, sự hiện diện thật chính là điều không thể thay thế. Và trong một thị trường ngày càng cạnh tranh, thứ khiến DN nổi bật không phải là ý tưởng, mà là tấm lòng; không phải là tốc độ, mà là sự tử tế đủ sâu để người khác muốn gắn bó.
Chúng ta đã đi rất xa trên hành trình phát triển. Nhưng đã đến lúc hỏi lại: đi xa để làm gì, nếu đánh mất khả năng thật sự chạm vào người khác, và vào chính mình? Kinh doanh thời kỳ “chạm” không đòi hỏi doanh nhân phải thay đổi tất cả. Chỉ cần mỗi ngày, mỗi điểm chạm, mỗi lựa chọn… hãy hiện diện thật hơn một chút. Vì sau cùng, khách hàng không nhớ vì chúng ta giỏi đến đâu, mà vì chúng ta đã khiến họ cảm thấy thế nào.
(*) Chuyên gia Sức khỏe Thân - Tâm - Trí (Holistic Wellness Coach)
