Sách và tôi

“Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”: “Kinh thánh” về chiến tranh

Phan Thế Hải 23/08/2023 11:00

Tôi với Nhà văn Nguyễn Một là chỗ bạn bè, là đồng nghiệp làm báo, từng đọc của nhau và hiểu nhau. Nguyễn Một là nhà văn nhưng sống bằng nghề báo, còn tôi thì chỉ làm báo và có chút kinh nghiệm thưởng thức văn chương. Nguyễn Một là Kitô hữu, tôi thì không, nhưng tôi có nhiều người bạn là tín đồ của Kitô giáo.

sach.jpg

Nghe tin Nguyễn Một ra mắt tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, tôi nghĩ chắc là Nguyễn Một làm truyền thông cho Thaco - một đế chế sản xuất xe hơi số một Việt Nam với hàng chục nghìn công nhân. Tiểu thuyết này chắc nói về chuyện công nhân làm ca kíp với tám giờ vàng ngọc.

Nhưng rồi tôi lại nghi ngờ chính mình, rằng Nguyễn Một trước hết là nhà văn, đó là danh xưng quan trọng nhất. Những chức sắc mà Nguyễn Một đảm nhiệm chỉ là nhất thời, là nơi trú ẩn để ấp ủ những dự án lớn, nhưng kiểu gì thì Nguyễn Một cũng không thoát khỏi danh phận ấy.

Rồi bỗng nhớ ra, Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín thấy quen quen, hình như phần “Tin mừng” của Thánh Matthias trong Kinh thánh Tân ước khi nói về cái chết của Chúa Jesus.

Lục trên giá sách, tìm lại cuốn Kinh thánh đọc kỹ thì đúng vậy. “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt”. Không nỗi đau nào bằng khi bị Chúa Cha lìa bỏ, nhưng Chúa Jesus bằng lòng gánh chịu chỉ vì yêu con người và vâng phục chương trình của Đức Chúa Trời.

Chiến tranh Việt Nam là một trong những cuộc chiến kéo dài nhất, thảm khốc nhất lịch sử và mang lại nhiều đau thương nhất cho con người. Theo một nghiên cứu của người Mỹ: chiến tranh Việt Nam giữ kỷ lục là cuộc chiến có số lượng bom được thả nhiều nhất trong lịch sử với 7.662.000 tấn chất nổ đã được Không quân Hoa Kỳ sử dụng, nhiều gấp 3,7 lần so với con số 2.150.000 tấn mà tất cả các nước sử dụng trong Thế chiến 2.

Một dân tộc nhỏ bé khiêm nhường lại chịu nỗi đau khổng lồ như vậy quả là có một không hai trên thế giới. Đã có nhiều nhà văn thuộc nhiều quốc tịch khác nhau viết về cuộc chiến vĩ đại ấy với hàng trăm tác phẩm nổi tiếng.

Nắng đồng bằng của Chu Lai - nhà văn bước ra từ chiến trường lửa khói, với giọng văn với mùi khói đạn đặc trưng trong từng trang viết. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh - một cây bút tài hoa đã tái hiện chiến tranh sinh động với những góc khuất mà tưởng như người ta đã quên, những đau thương không chỉ diễn ra trong chiến tranh mà còn kéo dài, kéo dài mãi để dằn vặt chính những con người bước ra từ khói lửa chiến trận.

Cùng với đó là nhiều cuốn sách khác của “phía bên kia” như Nguyễn Tiến Hưng với Khi đồng minh tháo chạy; Khi đồng minh nhảy vào; Bùi Kiến Thành với Người mở khóa lãng du... đều là những cuốn sách hay viết về cuộc chiến có một không hai này.

Thật khó mà kể hết những cuốn sách hay viết về chiến tranh Việt Nam, nhưng dẫu có đọc nhiều đến mấy vẫn thấy giữa văn chương và hiện thực vẫn có điều gì đó bất cập, chưa tương đồng. Đặc biệt là giải mã cuộc chiến dưới cái nhìn nhân văn, bỏ qua mọi thù hận để hàn gắn vết thương đau đớn của lịch sử.

tieu-thuyet(1).png
Nhà văn Nguyễn Một chia sẻ tại lễ ra mắt tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín

Đọc Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, tôi gặp một cách tiếp cận khác biệt về cuộc chiến. Những nỗi đau của cuộc chiến tranh Đông Dương đã được Nguyễn Một liên tưởng đến khổ nạn của Chúa Jesus trước trút linh hồn trên cây thánh giá. Chúa Jesus bị đóng đinh vào thập tự giá và bị treo giữa trời đất trong 6 tiếng đồng hồ trước khi Chúa chết. Cùng với sự đau đớn tột cùng về thể xác do đinh là nỗi đau của linh hồn, đây mới thật sự là nỗi đau không thể gì so sánh được của Chúa Jesus.

Nguyễn Một được sinh ra trong chiến tranh. “Theo lời cậu nó kể lại thì cha nó mất khi mẹ mới mang thai nó ba tháng, còn mẹ nó mất khi nó được ba tuổi. Cậu nuôi nó từ nhỏ, vợ ông cũng đã chết và để lại hai đứa con. Ông ở vậy nuôi cháu, nuôi con và mẹ già…”. Khi anh lớn lên thì chiến tranh đã kết thúc nhưng những vết thương mà cuộc chiến để lại thì vẫn còn mưng mủ chưa kịp lành.

Với Nguyễn Một, chiến tranh là một phần của lịch sử, một phần của đời sống. Chiến tranh đến với anh qua từng trang viết, qua từng câu chuyện truyền khẩu mỗi ngày. Anh viết về chiến tranh như các môn đệ chép lại lời dạy của Chúa Jesus để rồi sau đó tập hợp lại thành cuốn Kinh thánh Tân ước.

Kinh thánh Kito giáo, dẫu là tác phẩm của người châu Á nhưng đã ăn rễ vững chắc vào văn hóa phương Tây đến nỗi “bất cứ ai, dù có niềm tin hay không, nếu không quen thuộc với các giá trị và giáo huấn của Kinh thánh sẽ trở nên dốt nát về văn hóa”.

George Washington - vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ đã nói: “Không thể cai quản thế giới một cách đúng đắn nếu không có Thượng đế và Kinh thánh”.

Là nhà văn đã từng thành công trong một số cuốn tiểu thuyết về đề tài này, nay Nguyễn Một cho ra mắt tác phẩm mới mang tên Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín. Công bằng mà nói, cũng như tên gọi, Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín đề cập đến chiến tranh với một không gian rộng lớn hơn, một quy mô đồ sộ hơn với thủ pháp điêu luyện hơn. Đó là những cảm giác ban đầu khi đọc tác phẩm này.

Cũng do tiểu thuyết mới được in lần đầu nên vẫn còn không ít những hạt sạn, đó là điều khó tránh khỏi. Nhưng nhìn chung thì đây vẫn là cuốn tiểu thuyết hay, ở một tầm cao hơn những cuốn trước đó. Hy vọng rằng, với sự đón nhận của đông đảo bạn đọc, với những ý kiến đa chiều, việc tổ chức một cuộc hội thảo về hiện tượng Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín là điều nên làm.

Với sự vào cuộc của những nhà phê bình có nghề, việc tiếp thu ý kiến có chất lượng học thuật của bạn đọc để Nguyễn Một có thể chỉnh sửa, hoàn thiện cuốn tiểu thuyết, nâng nó lên một tầm cao hơn. Rất có thể, Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín sẽ trở thành một cuốn “Kinh thánh” về chiến tranh Việt Nam! Tại sao không?

Nhà văn Nguyễn Một sinh năm 1964, còn có bút danh là Dạ Thảo Linh khi viết những cuốn sách dành cho thiếu nhi như Hoa dủ dẻ, Năm đứa trẻ xóm đồi, Long lanh giọt nắng, Mùa trái chín

Nguyễn Một là tác giả của gần 20 đầu sách đa dạng thể tài: truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, tản văn, tiểu thuyết. Truyện ngắn Trước mặt là dòng sông từng được đạo diễn Khải Hưng chuyển thể thành phim truyền hình. Tiểu thuyết Đất trời vần vũ được giải C cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn 2010, cũng được dịch và đưa vào thư viện Quốc hội Mỹ dưới nhan đề Heaven and Earth in Tumult.

Hiện Nguyễn Một đang sống tại tỉnh Đồng Nai, là Ủy viên Hội đồng Văn xuôi, Hội Nhà văn Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”: “Kinh thánh” về chiến tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO