Thảm cảnh của Tencent có thể xem là bức tranh thu nhỏ của thị trường chứng khoán Trung Quốc nói riêng và cả nền kinh tế nước này nói chung.
Thị trường tài sản sụt giảm
Chỉ số MSCI China Index đã giảm 24% so với tháng 1. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông - một trong những sàn chứng khoán lớn nhất thế giới, đã giảm đến 25% so với đầu năm nay. Chỉ số Shanghai của sàn Thượng Hải cũng đã giảm gần 30% trong cùng thời điểm và chính thức bước vào thị trường con gấu từ tháng 6 vừa qua.
Với triển vọng không mấy sáng sủa, JPMorgan Chase đã hạ khuyến nghị đối với cổ phiếu Trung Quốc từ tăng tỷ trọng xuống mức trung lập. Trước JPMorgan, Morgan Stanley, Nomura và Jefferies Group hồi đầu năm cũng có nhận định tương tự, khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài đã tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc suốt từ đầu năm đến nay.
Điều này đã khiến đồng nội tệ của Trung Quốc đối mặt với áp lực giảm giá trầm trọng. Tính từ tháng 3 đến nay, đồng nhân dân tệ đã mất 11% giá trị so với đồng USD và nằm trong danh sách những đồng tiền suy yếu nhất thế giới. Tuy nhiên, điều này dường như không khiến các nhà cầm quyền tại Bắc Kinh bận tâm, khi tuần trước Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) tiếp tục phá giá gần 1% tỷ giá USD/CNY niêm yết, vượt mốc tâm lý 6,9 và đang hướng tới mốc 7,0.
Tuy nhiên, đó chưa phải là điều tệ hại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, vì không chỉ thị trường tài sản sụt giảm mạnh, mà nền kinh tế Trung Quốc ngày càng tiến gần đến nguy cơ "hạ cánh cứng" sau nhiều năm tăng trưởng nóng.
Các dữ liệu kinh tế bi quan
Giữa lúc nền kinh tế trong nước đang đối mặt với hàng loạt rủi ro từ hệ thống ngân hàng ngầm không thể kiểm soát, nợ xấu nguy cơ gia tăng và bong bóng bất động sản tại nhiều địa phương, trong khi Trung Quốc đang phải nỗ lực khắc chế nợ công và ô nhiễm môi trường, thì việc vướng vào cuộc chiến thương mại với Mỹ như giọt nước tràn ly càng tạo sức ép khiến nền kinh tế tiếp tục có thêm các dấu hiệu giảm tốc.
Các dữ liệu thống kê gần đây cho thấy, đầu tư của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất từ năm 1996, với mức đầu tư tài sản cố định giảm còn 5,3% trong tháng 9, thấp hơn mức dự báo là 5,5% và là tháng thứ 6 đi xuống liên tiếp. Chỉ số này từng có lúc lên mức 33,6% vào tháng 7/2009, do đó với sự sụt giảm mạnh liên tục vừa qua đã phản ánh cầu nội địa suy yếu và niềm tin kinh doanh ngày càng sụt giảm.
Nhiều tập đoàn đang dần dịch chuyển các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh hàng rào thuế quan mà Mỹ đã áp đặt lên hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc, khiến nhiều công nhân mất việc làm, giảm thu nhập, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) khu vực sản xuất tiếp tục giảm, chỉ còn 50,8 điểm, thấp hơn mức dự báo 51,2 và là tháng thứ 4 liên tiếp đi xuống. Ngược lại, lạm phát đang có dấu hiệu tăng tốc khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 vừa qua tăng 2,3% so cùng kỳ 2017, cao hơn mức dự báo 2,1% và là tháng thứ 3 tăng tốc liên tiếp. Dù vậy, PboC vừa qua lại có lần thứ 4 liên tiếp phải giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung, càng khiến cung tiền tăng mạnh.
Và dấu hiệu "hạ cánh cứng" nền kinh tế
Mọi thứ dường như đang chống lại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Với rủi ro từ cuộc chiến thương mại hiện tại, dòng vốn đầu tư gián tiếp không những bị rút ròng, mà dòng vốn đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc này liên tiếp bị ảnh hưởng. Thậm chí, nhiều tập đoàn đang dần dịch chuyển các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh các hàng rào thuế quan mà Mỹ đã áp đặt lên hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc, khiến nhiều công nhân mất việc làm, giảm thu nhập, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Không chỉ nhà đầu tư ngoại quốc tháo chạy, dòng vốn của các công ty, giới nhà giàu Trung Quốc cũng lẳng lặng tìm đến những quốc gia khác để tìm cách bảo vệ giá trị tài sản. Những cơn sốt chứng khoán, bất động sản tại một số quốc gia như Úc, Canada hay những nước láng giềng thời gian qua có sự góp sức từ dòng tiền của các chủ đầu tư người Hoa.
Trong khi đó, ở bên kia chiến tuyến, Mỹ đang ra sức đẩy nhanh các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại chính và tìm mọi cách để cô lập Trung Quốc.
Trước tình hình trên, nhiều nhà phân tích cho rằng kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro "hạ cánh cứng" gần hơn bao giờ hết. Vừa qua, Ngân hàng JPMorgan phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2019 từ 6,2% xuống 6,1%, trong khi báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng có cái nhìn không mấy lạc quan về kinh tế Trung Quốc, khi tiếp tục giảm dự báo tăng trưởng của nước này.
Trong dự báo gần đây, nhà kinh tế đoạt giải Nobel và cũng là người dự đoán chính xác cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 - Nouriel Roubini cũng cho rằng việc Trung Quốc đang theo đuổi các chính sách tài khóa và tín dụng lỏng lẻo là mối nguy hiểm thật sự. Theo đó, nếu Bắc Kinh không chủ động làm chậm tăng trưởng nền kinh tế để đối phó với hàng hóa dư thừa thì một điểm "hạ cánh cứng" cũng sẽ được kích hoạt.