Trong những năm qua, chính quyền TP đã có nhiều chính sách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển và hội nhập quốc tế, hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp (DN), phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.
Đội ngũ doanh nhân TP.HCM đã không ngừng lớn mạnh, chất lượng ngày càng nâng lên, đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, duy trì an sinh xã hội. Phần lớn doanh nhân có tuổi đời trẻ, có điều kiện tiếp cận công nghệ mới, năng động, có trình độ học vấn, quản lý và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt có tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu, vị thế kinh tế của thành phố với cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Nhiều doanh nhân đã tích cực hoạt động vì cộng đồng, góp sức cùng chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội chăm lo đời sống công nhân, người lao động, nhất là các gia đình chính sách. Đánh giá cao sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân TP.HCM, bà Thắng nhận định: "Năm 2021, TP.HCM hết sức khó khăn vì đại dịch Covid-19, tác động nghiêm trọng đến đời sống người dân và sản xuất kinh doanh của DN. Song cũng là năm khẳng định bản lĩnh và khả năng chống chịu, sức sáng tạo của DN, doanh nhân thành phố trong việc chủ động, linh hoạt thích ứng, từng bước phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh…., góp phần duy trì và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh bình thường mới".
Cũng theo bà Phó chủ tịch, để thực hiện tốt "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch bệnh vừa thúc đẩy, phát triển kinh tế, lãnh đạo thành phố đã có nhiều giải pháp giúp DN có thể tiếp tục sản xuất an toàn, duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu và sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân.
Tuy có những DN phải ngừng hoạt động, còn những DN duy trì hoạt động lại áp lực do tăng chi phí, việc quản trị khó khăn nhưng bằng nhiều hình thức khác nhau, cộng đồng doanh nhân thành phố đã kịp thời chia sẻ trách nhiệm của mình cùng thành phố như đóng góp vào Quỹ Vaccine, tiếp sức cho lực lượng lực tuyến đầu, tặng các túi an sinh và túi thuốc phòng và chữa bệnh cho người lao động.
Mặt khác, bà Thắng thừa nhận chất lượng đội ngũ doanh nhân thành phố chưa đồng đều, khả năng hội nhập, cạnh tranh quốc tế còn yếu, nhất là về kiến thức, am hiểu pháp luật. Bên cạnh đó, một số DN thiếu sự liên kết chặt chẽ, nguồn lực tài chính, kinh nghiệm và năng lực quản lý còn hạn chế, chưa kể một bộ phận doanh nhân còn lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, thiếu văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội.
Bà cũng nhận xét nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò của doanh nhân trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội chưa thống nhất. Hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân còn hạn chế, cải cách hành chính chưa đáp ứng tốt như đòi hỏi của DN. Chưa kể, hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM và một số hội doanh nghiệp, hội ngành nghề chưa hiệu quả, chưa thật sự là đại diện cho cộng đồng DN…
"Cần đánh giá và nhìn nhận thẳng thắn những mặt hạn chế, những nguyên nhân khách quan và chủ quan để có những giải pháp, dự án thực hiện hiệu quả. Trong số những nguyên nhân đã chỉ ra cách đây 10 năm, những nguyên nhân nào chưa giải quyết dứt điểm và giải pháp trong thời gian tới như thế nào? Những nguyên nhân phát sinh mới làm hạn chế quá trình phát triển doanh nhân, doanh nghiệp cũng cần nhận diện thấu đáo để khắc phục", bà Thắng kết luận.