Khác biệt là tự đứng trên đôi chân của chính mình

04/11/2014 06:45

Sự khác biệt là tự đứng trên đôi chân của chính mình, khai thác được hết khả năng của mình và tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng.

Khác biệt là tự đứng trên đôi chân của chính mình

Thời điểm Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành đang đến gần. Ông Huỳnh Thành Chung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sikico (Hải Vương) – người có 18 năm kinh nghiệm về đầu tư tài chính, chia sẻ về cơ hội và thách thức mà AEC mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

* Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông có cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng cho AEC chưa?

- Theo tôi, các doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự sẵn sàng cao. Thách thức chủ yếu đối với các doanh nghiệp của chúng ta hiện nay vẫn là vấn đề vốn và công nghệ. Công tác chuẩn bị, đối phó với hai vấn đề này đòi hỏi cả một quá trình và ngay từ bây giờ các doanh nghiệp phải hết sức nỗ lực.

* Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, sự dịch chuyển nguồn nhân lực giữa các quốc gia là tất yếu. Theo ông điều này có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?

- Phải phụ thuộc vào việc chúng ta đang nhìn ở góc độ nào. Nếu nguồn nhân lực chất lượng cao dịch chuyển về Việt Nam thì chúng ta phải nhìn ở góc độ là mình học hỏi được gì từ các nguồn nhân lực đó. Ví dụ như khi họ đến Việt Nam làm việc và tạo ra những hệ thống tốt, thì chúng ta phải nhanh chóng tiếp cận những kỹ năng làm việc đó để giúp chúng ta thay đổi tốt hơn.

Ngược lại, nếu tiếp nhận ở góc độ bi quan, xem đó là lực cản thì chúng ta sẽ không bao giờ có sự phấn đấu, tiếp cận và không rút ra được những bài học thực tiễn. Như vậy, chúng ta chỉ sẽ càng bị tụt hậu và bị lấn sân.

* Cá nhân ông nghĩ thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là gì?

- Thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam giờ đây đó là vấn đề nguồn lực. Đối với thị trường Việt Nam, chúng ta cần nguồn lực tài chính và nguồn lực con người.

Hiện ở Việt Nam nguồn lực tài chính vẫn còn rất hạn hẹp, các vấn đề về vốn hóa diễn ra chậm chạp. Thói quen sử dụng nguồn vốn từ dân cư và các nguồn vốn từ thị trường tài chính vẫn chưa thực sự phổ biến. Và không phải tất cả các doanh nghiệp đều tiếp cận được nguồn vốn theo phương thức trên, chỉ những doanh nghiệp có kinh nghiệm, khả năng thì mới tiếp cận được.

* Từ thực tiễn doanh nghiệp của mình, ông có những gợi ý nào để doanh nghiệp Việt Nam có những chuẩn bị xa hơn khi gia nhập AEC?

- Hiện nay cả thế giới cũng như Việt Nam đều phải đối mặt với vấn đề an ninh lương thực và an ninh năng lượng. Theo tôi, Việt Nam cần chú trọng đến tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu. Về tài nguyên, phải quan tâm đến quỹ đất để hình thành các chuỗi cung ứng. Phải dùng quỹ đất để phục vụ những dự án trọng điểm thì mới tạo được sức mạnh tổng lực.

* Ông đánh giá cơ hội cho các doanh start up ra sao khi AEC hình thành?

- Trước hết, các công ty start up cần xác định lại thị trường, xác định lại sản phẩm, cách tiếp cận và phương pháp sử dụng nguồn vốn. Việc sử dụng nguồn lực đối với bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều quan trọng.

Khi tham gia vào AEC, vấn đề đầu tư, marketing, thị trường, thương hiệu… đều đòi hỏi chi phí rất cao. Nhưng quan trọng nhất vẫn là làm sao định hướng được chính xác sản phẩm lẫn thị trường để tránh lãng phí.

Bất kể là doanh nghiệp nào cũng không nên đầu tư tràn lan mà nên tập trung vào năng lực cốt lõi của mình. Đó mới là cơ hội. Nếu không xác định được các vấn đề ấy, rủi ro ấy thì thật sự rất khó tồn tại.

* Vậy có thuận lợi nào cho các doanh nghiệp Việt, hoặc những khác biệt, nếu có, so với các doanh nghiệp ASEAN khác?

- Thật sự mà nói, trước khi thấy được sự khác biệt, nếu có, thì trước hết chúng ta phải xác định được việc các doanh nghiệp biết cách phát huy thế mạnh của mình hay chưa.

Thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường trong nước là: chúng ta am hiểu văn hóa, thói quen, các tập tính… của người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp Việt thiếu phương pháp, thiếu tính khoa học trong công tác nghiên cứu sản phẩm, nghiên cứu thị trường. Vì vậy, muốn khác biệt, chúng ta nên đi từ việc nỗ lực nghiên cứu sản phẩm, nguồn vốn, thị trường, công nghệ… và đưa vào ứng dụng tại các doanh nghiệp. Quản lý được những điều đó thì mới tạo ra được sự khác biệt.

Hiện chúng ta có thị trường nội địa với 90 triệu dân. Chúng ta phải làm sao khai thác được thị trường này, để chính người dân Việt Nam tin vào chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam. Tóm lại, sự khác biệt, theo tôi, là tự đứng trên đôi chân của chính mình, khai thác được hết khả năng của mình và tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khác biệt là tự đứng trên đôi chân của chính mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO