DN Lê Chí Hiếu: Vừa giỏi kinh doanh, vừa mê ca hát

NGUYÊN BẢO thực hiện| 17/05/2016 03:52

Với ông, âm nhạc cần cho cuộc sống như nhịp đập cần cho trái tim, giúp con người lấy lại thăng bằng và nhìn cuộc sống với thái độ an nhiên.

DN Lê Chí Hiếu: Vừa giỏi kinh doanh, vừa mê ca hát

Sở hữu hơn 50 sáng tác âm nhạc được nhiều ca sĩ nổi tiếng thể hiện và có giọng ca trầm ấm, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House), là một trong số ít doanh nhân vừa giỏi kinh doanh, vừa mê ca hát. 

Đọc E-paper

Với ông, âm nhạc cần cho cuộc sống như nhịp đập cần cho trái tim, giúp con người lấy lại thăng bằng và nhìn cuộc sống với thái độ an nhiên. Tại Thuduc House, ông và đội ngũ lãnh đạo luôn chú trọng đến đời sống tinh thần của nhân viên, khích lệ họ sáng tác từ văn chương, thơ ca đến âm nhạc... Ông quan niệm: Thành công của một nhà lãnh đạo doanh nghiệp (DN) không đơn thuần là các chỉ số tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận mà còn ở việc nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân viên...  

Cách đây gần 6 năm, trong một cuộc trò chuyện trực tuyến với độc giả về chủ đề âm nhạc và kinh doanh, khi được hỏi sở thích ca hát có làm ảnh hưởng đến công việc làm ăn của một doanh nhân không, ông Lê Chí Hiếu ví von, nếu con người sống chỉ biết làm và ăn thì sống không trọn vẹn, hay nói đúng hơn là bạn đã làm nghèo cuộc sống của chính mình, dù có rất nhiều tiền.

Nghệ thuật là một phần của cuộc sống, chuyện ai đó mê âm nhạc cũng tương tự như người thích đánh golf, người hăng say với tennis... Những niềm đam mê ngoài công việc này đôi khi lại trở thành chất xúc tác để con người xích lại gần nhau, thậm chí là khởi đầu cho một mối quan hệ hợp tác lâu dài trong kinh doanh; hoặc chỉ đơn thuần là lời tâm sự, tự động viên để doanh nhân vượt qua những lúc khó khăn, như ca từ trong bài hát Trò chuyện do ông Hiếu sáng tác cách đây vài chục năm.

* Từ năm 2008 - 2013, thị trường bất động sản (BĐS) rơi vào trầm lắng, hàng loạt dự án bị đình trệ, nhiều DN phải thu hẹp hoạt động, thậm chí phá sản. Khi ấy, đội ngũ lãnh đạo của Thuduc House đã làm gì để vượt khó?

- Giai đoạn đó, nền kinh tế nói chung đối diện với nhiều khó khăn. Riêng lĩnh vực BĐS rơi vào khủng hoảng sâu rộng, hay nói đúng hơn là lâm vào cảnh "đóng băng". Đến giờ phút này, thị trường cũng chưa thực sự qua cơn bạo bệnh vì vẫn còn nhiều dự án "bất động" do kẹt vốn, không đền bù giải tỏa được, vướng mắc về pháp lý...

Như vậy, tảng băng chìm của thị trường BĐS còn khá lớn, mặc dù hơn một năm nay đã xuất hiện những biểu hiện sôi động cả cung lẫn cầu ở hầu hết các phân khúc, từ cao cấp đến trung bình khá. Để vượt qua một giai đoạn khó khăn dài như thế, thời gian qua, Thuduc House đã thực hiện chiến lược chống khủng hoảng.

Theo đó, chúng tôi rà soát lại toàn bộ tài sản, xem xét, thu gọn lại danh mục đầu tư và thoái vốn khỏi một số công ty nhằm củng cố lại tiềm lực tài chính. Vì khi thị trường đóng băng, doanh thu từ BĐS teo tóp, thanh khoản kém, giá giảm dẫn đến lợi nhuận eo hẹp nên phải có chính sách quyết liệt, kể cả bán những dự án có tiềm năng trong tương lai nhằm tạo nguồn tiền mặt trang trải cho hoạt động của Công ty.

Bài toán thứ hai chúng tôi phải giải quyết ở thời điểm thị trường khủng hoảng là củng cố lại lực lượng. Trước hết là "thắt lưng buộc bụng", giảm lương suốt 5 năm, Ban lãnh đạo Công ty cũng không ngoại lệ, cấp càng cao, mức giảm càng nhiều, nhân viên có tỷ lệ giảm thấp nhất để đảm bảo đời sống. Khi tình hình tương đối ổn định, việc cắt giảm bớt dần.

Đây là một trong những giải pháp để tiết giảm chi phí vận hành của DN. Ngoài ra, trong thời gian Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tín dụng, lãi suất cho vay có lúc lên đến 28%/năm, buộc DN phải lựa chọn kỹ lưỡng các khoản vay, tránh vay tràn lan vì dễ dẫn đến tình trạng lãi suất ăn mòn lợi nhuận, mất khả năng chi trả...

Song song đó là tìm những nguồn vốn rẻ hơn để thay thế vốn vay ngân hàng. Chẳng hạn, Thuduc House đã phát hành trái phiếu chuyển đổi, dù không thành công như ý muốn (do ngay thời điểm khủng hoảng kinh tế) nhưng vẫn thu về khoảng 200 tỷ đồng cho Công ty với lãi suất cố định.

Thêm nữa, Thuduc House cũng tìm kiếm sự hợp tác với công ty bạn có sẵn quỹ đất sạch để tiết giảm thời gian triển khai dự án và chi phí đền bù, đảm bảo tính hiệu quả cho nguồn vốn bỏ ra. Với những chính sách đồng bộ này, chúng tôi đã đưa Công ty qua khỏi giai đoạn khó khăn và năm nào cũng có lợi nhuận, dù mức độ có giảm sút.

Ngoài ra, mới đây, Công ty cũng vừa phát hành thành công cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và các đối tác chiến lược, thu về 200 tỷ đồng, cộng với nguồn thu từ việc thoái vốn khỏi một số dự án, Thuduc House hiện đã cơ bản đảm bảo về tiềm lực tài chính cho chiến lược phát triển tiếp theo.

* Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cả tài lực lẫn nhân lực, Thuduc House sẽ làm gì để tạo tăng trưởng đột phá về doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn "hậu khủng hoảng"?

- Chúng tôi đang chuyển sang giai đoạn phát triển bùng nổ. Công ty sẽ tập trung vào chiến lược mới, trước hết là cơ cấu lại danh mục đầu tư theo hướng thoái vốn khỏi các dự án nhỏ lẻ ở vùng ven, chưa phát huy hiệu quả, tiến sâu vào nội thành các quận 1, 2, 3 để tìm những dự án tốt, dù giá trị đầu tư cao nhưng lợi ích mang về cho cổ đông cũng rất lớn.

Một chiến lược khác Ban lãnh đạo Thuduc House nhắm đến là đẩy mạnh hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A), hoán đổi cổ phiếu với một số công ty có tiềm lực tài chính, sản xuất, kinh doanh ổn định. Qua hoạt động M&A, doanh thu, lợi nhuận và tài sản của Thuduc House sẽ "nở nồi".

Điển hình như vừa rồi, Thuduc House đầu tư vào Công ty CP Dệt may Liên Phương, họ có doanh thu ổn định từ xuất khẩu sản phẩm dệt may, trong khi quỹ đất sẽ giao cho Thuduc House chủ trì phát triển, lợi nhuận từ hai mảng kinh doanh này sẽ được chia cho cả hai.

Bên cạnh đó, với những công ty thành viên hoạt động tốt, mang về nguồn thu ổn định như kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại đang cho thuê sẽ tiếp tục được tập trung đầu tư theo chiều sâu, nâng chất lượng để giữ chân khách hàng. Các khoản thu từ đây sẽ giúp Thuduc House thực hiện những chiến lược dài hơi cho ngành nghề kinh doanh chính là BĐS, vốn phải mất nhiều thời gian mới có thể thu hồi vốn.

* Tuy đã "mạnh tay" cơ cấu trong suốt thời gian qua nhưng kết quả hoạt động năm 2015 của Thuduc House cho thấy các khoản chi phí, đặc biệt là chi phí bán hàng, vẫn còn chiếm tỷ trọng cao trong doanh thu, làm giảm biên lợi nhuận của DN, khiến giá cổ phiếu TDH giảm so với cổ phiếu của những DN niêm yết cùng ngành, cùng quy mô. Công ty có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

- Đây cũng là mối quan tâm của Ban lãnh đạo Công ty. Về chi phí, Công ty đã tìm cách tiết giảm, cụ thể là chi phí hoạt động, chi phí tài chính liên tục giảm trong vài năm gần đây. Nhưng doanh thu của Thuduc House hiện còn thấp so với tiềm năng nên khi phân bổ ra, chi phí vẫn chiếm tỷ trọng cao.

Do đó, việc tạo ra nhiều dự án tốt sẽ giúp doanh thu tăng trưởng mạnh và tỷ trọng chi phí sẽ ngày càng giảm. Còn vấn đề vì sao giá cổ phiếu TDH thời gian qua thấp so với giá trị thực (giá trị sổ sách là 36.000 đồng/cổ phiếu, nhưng giá thị trường chưa đến 20.000 đồng) một phần do cơ cấu cổ đông quá rộng, mỗi cổ đông chiếm tỷ trọng thấp trên tổng số cổ phần lưu hành nên dù một ai đó có muốn thao túng, "làm giá” cũng khó thực hiện được.

Song, điều lạc quan ở đây là nhiều cổ đông nước ngoài có tên tuổi đã nhìn thấy được tiềm năng của Công ty nên room khối ngoại tại Thuduc House luôn kín và hiện một số nhà đầu tư mới còn thể hiện ý định "bắt tay" với Thuduc House. Tôi cho rằng, với sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư uy tín và danh mục dự án tiềm năng được công bố, giá cổ phiếu TDH sẽ trở về đúng giá trị thực của nó.

* Thị trường hồi phục, nhiều DN quảng bá rầm rộ để đẩy mạnh thương hiệu và hoạt động kinh doanh, vì sao Thuduc House vẫn "im hơi lặng tiếng", thưa ông?

- Đối với vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu, thực chất chúng tôi đã làm liên tục hơn 20 năm nay, điển hình như việc tài trợ cho giải bóng ném ASEAN năm 2015 (cả đội nam và nữ của Việt Nam đều đạt chức vô địch), hay các chương trình hỗ trợ cộng đồng khác.

Còn về việc đẩy mạnh hoạt động quảng bá phục vụ công tác bán hàng thì không riêng gì Thuduc House, hàng chục dự án của các DN BĐS tại TP.HCM bị vướng pháp lý nên chúng tôi có muốn đẩy mạnh quảng bá cũng khó. Công ty tôn trọng sự minh bạch, rõ ràng, chúng tôi không thể nói trước những điều mình chưa làm được, hoặc chọn cách lấp liếm khiến khách hàng hiểu lầm. Điều này nếu bị phát hiện sẽ làm mất hình ảnh và uy tín của DN.

* Trong quản trị DN, ông quan tâm đến yếu tố nào nhất?

- Quản trị có nhiều cách, quan trọng là đội ngũ lãnh đạo tạo được "ngọn cờ" để thu hút nhân lực và tài lực. Muốn vậy, người lãnh đạo phải có tâm, tầm, sức hút, khả năng thuyết phục và nhìn thấy được tiềm năng, cơ hội thị trường tạo ra. Chính vì thế, trước đây, tuy quy mô còn nhỏ, Thuduc House vẫn làm được những dự án lớn, trong đó có việc trúng thầu khu đất 6,4ha tại P. Bình An, Q.2 (năm 2003) và tiên phong trong việc thành lập liên doanh với nước ngoài, cụ thể là Tập đoàn Daewon (Hàn Quốc) để triển khai khu chung cư Cantavil khá thành công ở Q.2.

Ngoài ra, đối với quản trị nội bộ thì phải khéo léo, vì tổ chức nào cũng có những đặc thù riêng. Với Thuduc House, xuất phát từ đơn vị hành chính sự nghiệp có thu nên khi chuyển qua công ty đại chúng, bắt buộc các thành viên phải có sự thay đổi về tư duy. Đến thời điểm này, quy mô Công ty đã lớn mạnh, gần như Thuduc House đã "thay da đổi thịt" đến 99% nên chúng tôi chuộng mô hình quản trị hiện đại, minh bạch, công khai, có kiểm toán quốc tế...

Do đó, việc giữ được tinh thần trong sạch trong đội ngũ là điều vô cùng quan trọng. Bởi thực tế có không ít công ty thất bại do đội ngũ lãnh đạo chỉ lo cho "túi riêng", khiến nhân viên không phục, tạo ra nhiều mâu thuẫn... Đội ngũ của Thuduc House có thể còn nhiều khiếm khuyết nhưng chúng tôi tự hào vì vẫn giữ được tinh thần đoàn kết và sự tử tế trong giao tiếp nội bộ lẫn với khách hàng. Ngoài ra, việc Công ty xây dựng các quy chế thưởng, phạt... rõ ràng cũng sẽ ngăn ngừa được hành vi sai phạm, lạm quyền của một số cá nhân.

* Hiện nay, một số DN nhỏ với sự hỗ trợ tài chính, kinh nghiệm từ các nhà đầu tư ngoại đã có những bước tiến rất nhanh; trong khi những DN "kỳ cựu" như Thuduc House lại có dấu hiệu chững lại, ông nghĩ sao về khái niệm "nhanh và chậm" ở đây?

- Việt Nam ngày càng có nhiều DN trẻ, tiềm năng là điều đáng mừng, việc họ đi nhanh cũng là điều tất yếu. Ngay như Thuduc House, trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, tốc độ tăng trưởng đạt cả nghìn lần, từ số vốn 15 tỷ đồng năm 2001 (thời điểm Thuduc House chuyển đổi lên mô hình công ty cổ phần), đến nay, vốn điều lệ của chúng tôi đã đạt hơn 1.600 tỷ đồng.

Nhưng, một khi DN đã đạt được độ lớn nhất định thì chúng ta phải đi chậm lại để kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm tránh sự đổ vỡ. Nếu gấp gáp, các cấu trúc tài chính lỏng lẻo sẽ có cơ hội để quật lại DN; hai là DN phải cẩn trọng trong các quyết định đầu tư, không nên quá mạo hiểm đầu tư dàn trải khi năng lực có hạn, vì nếu không kiểm soát được sẽ dễ dẫn đến tình trạng "sai một ly, đi nghìn dặm".

* Nếu không kinh doanh nữa, ông sẽ tập trung toàn bộ cho đam mê sáng tác?

- Tôi không quan niệm đến tuổi là bắt buộc phải nghỉ hưu, tận hưởng cuộc sống an nhàn. Ngay như ông Chủ tịch Tập đoàn Daewon, đối tác của Thuduc House, nay đã gần 90 tuổi nhưng vẫn miệt mài với công việc.

Theo tôi, không có khái niệm nghỉ hưu với người làm kinh doanh vì đó là tâm huyết, đam mê cả đời của họ. Với doanh nhân, công việc không đơn thuần để kiếm tiền mà đôi khi còn là niềm vui, và nếu công việc tạo ra niềm vui thì sao ta phải từ bỏ? Hơn nữa, công việc cũng tạo môi trường để doanh nhân không ngừng học hỏi, tự làm mới mình.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

>TGĐ công ty bao bì Nam Thái Sơn: Chăm chỉ, kiên nhẫn làm nên kỳ tích

>Câu chuyện khởi nghiệp của ông chủ hệ thống siêu thị Kids Plaza

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
DN Lê Chí Hiếu: Vừa giỏi kinh doanh, vừa mê ca hát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO