![]() |
Cứ vài năm một lần lại diễn ra chuyện rất lạ trong cuộc đua tranh tượng vàng Oscar Phim xuất sắc nhất. Năm nay, phim sự kiện gây kinh ngạc chính là Slumdog millionaire (Triệu phú khu ổ chuột) của đạo diễn người Anh Danny Boyle.
Tuy không là phim có doanh thu cao ở thị trường toàn cầu như Batman, The Dark Knight (Người Dơi, Hiệp sĩ bóng tối) nhưng Triệu phú khu ổ chuột (mới chỉ thu được khoảng 28 triệu USD tại Anh, khởi chiếu tháng 12/2008 tại Mỹ và cuối tháng 1/2009 tại Ấn Độ) đã trở thành đối thủ nặng ký đáng gờm nhất của Người Dơi trong cuộc đua tranh các giải thưởng đầu năm 2009 của các nền công nghiệp điện ảnh phương Tây. Có nhiều nhà phê bình dự báo phim này có thể qua mặt The Dark Knight giành tượng vàng Oscar 2009 Phim xuất sắc nhất trong đêm trao giải 22/2/2009 tới đây.
![]() |
Cảnh trong phim “Triệu phú khu ổ chuột” |
Vì chỉ trong một thời gian ngắn, Triệu phú khu ổ chuột đã “hốt” được khoảng 20 giải điện ảnh quan trọng, chẳng hạn như 5 giải Chọn lựa của các nhà phê bình (gồm phim, đạo diễn, kịch bản, nam diễn viên và nhạc phim) của Hội các nhà phê bình phim công chiếu (BFCA, Mỹ); 3 giải phim, nam diễn viên và kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất của Ủy ban quốc gia phê bình phim (NBR, Mỹ); giải Chọn lựa của khán giả tại Liên hoan phim quốc tế Toronto 2008; 3 giải phim bi, đạo diễn, nhạc phim của Satellite; 3 giải đạo diễn, kịch bản chuyển thể và nam diễn viên nhiều triển vọng của Hội các nhà phê bình phim ở Chicago.
Phim này đã chiếm giải phim hay nhất năm 2008 theo bình chọn của 3 hiệp hội các nhà phê bình phim ở bang Oklahoma, thành phố Boston và các bang miền Đông Nam nước Mỹ. Ngoài ra, nó còn được Hội các nhà sản xuất phim Mỹ (PGA) đề cử tranh giải phim xuất sắc nhất với The Dark Knight; Milk (về dân biểu Mỹ đầu tiên bênh vực những người đồng tính); Frost/Nixon (về cuộc phỏng vấn nổi tiếng của nhà báo truyền hình Frost với cựu tổng thống Richard Nixon) và The curious case of Benjamin Button (về một chàng trai trưởng thành theo quy trình ngược, từ già yếu trở lại trẻ trung).
Và đạo diễn Danny Boyle thì được Hội các đạo diễn Mỹ (DGA) đề cử tranh giải Đạo diễn xuất sắc nhất với David Fincher (phim The curious case of Benjamin Button); Christopher Nolan (The Dark Knight); Gus Van Sant (Milk) và Ron Howard (Frost/Nixon). Không kém phần đặc sắc là bài Paper planes được trình bày bởi nữ ca sĩ Mỹ gốc Sri Lanka M.I.A cũng giành được một đề cử giải Grammy 2009 Ghi âm của năm.
Ở hành trình đến với giải Oscar 2009, Triệu phú khu ổ chuột còn đoạt đủ 4 giải Quả cầu vàng của Hội các nhà báo nước ngoài tại Hollywood như đã được đề cử, gồm phim bi, đạo diễn, kịch bản chuyển thể và nhạc phim.
![]() |
Nếu bạn đã thích Trainspotting của Danny Boyle mô tả giới trẻ thành thị Anh say nghiện ma túy, được trình chiếu cách nay hơn một thập niên thì chắc chắn không thể bỏ qua Triệu phú khu ổ chuột. Nếu bạn đã mê phim ca vũ nhạc Mamma Mia với diễn xuất của ngôi sao đàn chị tài hoa Meryl Streep thì sẽ thích xem tác phẩm mới của Danny Boyle.
Tuy phim được thu hình tại Mumbai (trước đây gọi là Bombay) với dàn diễn viên vô danh (ngoại trừ ngôi sao điện ảnh Ấn Độ Anil Kapoor) cùng dàn diễn viên quần chúng thực sự là những người qua đường và với khoản kinh phí rất khiêm tốn (chỉ 15 triệu USD), nhưng đạo diễn Boyle đã có thể gửi gắm được nhiều bản tin đáng chú ý.
Thế nào là cuộc sống của tầng lớp bần cùng nhất trong xã hội Ấn Độ, đặc biệt trong Dharavi, khu nhà ổ chuột rộng lớn nhất châu Á, nơi hàng triệu con người sống chui rúc? Thế nào và đến đâu là đẳng cấp của thần tượng điện ảnh Bollywood? Thế nào là “bần cùng sinh đạo tặc”, bóc lột, tham ô, trộm cướp, ma túy, bạo hành, kinh doanh thể xác trẻ thơ? Thế nào là cuộc sống trong các trung tâm gọi ở các thành phố lớn đã và đang giúp nền kinh tế của Ấn Độ bộc phát trong thời toàn cầu hóa?
Và thế nào là sự sống ở đất nước đông dân nghèo, thiếu nước sạch khiến trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 trẻ em chết vì bệnh tiêu chảy, nhưng cũng có nhiều tỷ phú giàu nhất thế giới? Thế nào là ước vọng thoát nghèo của hàng triệu thanh thiếu niên khi tìm mọi cách để được tham dự hoặc chỉ để được theo dõi chương trình đố vui có thưởng cực kỳ cuốn hút Kaun banega crorepati (tức “Ai là triệu phú?” theo kiểu màn ảnh nhỏ ở Ấn Độ)?
Trong một cuộc xô xát giữa phe nhóm thuộc hai đẳng cấp và tôn giáo khác nhau trong xã hội Ấn, có hai anh em nghèo hèn, mù chữ nọ vốn đã mồ côi cha bỗng chốc lại phải mồ côi mẹ. Chúng cố bám víu vào cuộc sống dù đó là cuộc sống trong không gian chật chội, thiếu thốn mọi điều kiện về vệ sinh, an toàn và môi trường hôi hám cùng cực (cảnh những đứa trẻ kinh doanh bên cánh cửa buồng vệ sinh công cộng lộ thiên sẽ khiến khán giả rùng mình, bịt mũi, muốn lộn mửa và cảm thấy cũng bị vấy bẩn lây).
Như nhiều phim tình cảm xã hội của Kinh đô điện ảnh Ấn Bollywood, Triệu phú khu ổ chuột không chỉ có hơn 1/3 lời thoại bằng tiếng Hindi mà còn có cái kết có hậu (nếu không tính chi tiết thằng anh hành nghề gangster phải trả giá đắt). Và cũng không thể thiếu màn ca vũ nhạc rất hấp dẫn ở đoạn kết.
Nhưng bộ phim thực sự là một tác phẩm của một nhà làm phim người Anh với cặp mắt sắc sảo đã giỏi chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Q&A của nhà văn Ấn Vikas Swarp (phát hành năm 2005) với sự hợp tác của kịch tác gia Simon Beaufroy và đồng đạo diễn là một phụ nữ Ấn tên Loveleen Tandan.
Danny Boyle, vốn đã nổi danh với Trainspotting (năm 1995), phim hình sự đen Shallow grave (năm 1996) và phim kinh dị khoa học giả tưởng 28 days later (năm 2008), nay là ngôi sao tỏa sáng trong làng điện ảnh thế giới. Trước khi bấm máy thu hình Triệu phú khu ổ chuột, anh chưa lần nào đặt chân đến Ấn Độ.