![]() |
Nhiều “hai lúa” miền Tây tính toán, bình quân một trái mít khi thu hoạch nặng từ 10-15kg, vào mùa cao điểm mang về xấp xỉ 1 triệu đồng/trái. |
Ông Trần Văn Sáu, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long nói thật lòng: "Tôi đang có 5 công (5.000m2) mít Thái trồng từ năm 2016, giờ đang phá bỏ 4 công vườn trồng cam sành để trồng tiếp mít. Biết là mạo hiểm bởi giá bán loại đặc sản này 'sáng lên, chiều xuống' bất thường nhưng so với các loại cây trồng khác thì lãi vẫn nhiều hơn. Nhà nước khuyến cáo không trồng nhiều nữa nhưng biết trồng cây gì bây giờ".
Đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Long có gần 600ha diện tích trồng mít, nhiều nhất là huyện Bình Tân hơn 100ha, các huyện còn lại từ 30-50ha. Chỉ riêng ở huyện Bình Tân, nông dân đã trồng mới hơn 60ha, huyện Trà Ôn trên 40ha, thị xã Bình Minh hơn 35ha...
Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, nếu như năm 2015, ĐBSCL chỉ có khoảng 5.000ha đất trồng mít Thái, đến cuối năm 2019, con số này đã là 55.000ha, tăng gấp 11 lần, nhiều nhất là các tỉnh Hậu Giang, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long.
Nhiều nông dân trồng mít Thái cho biết, có lúc giá bán lên đến 70.000đ/kg (giá bán nguyên trái), có lúc chỉ còn 10.000đ/kg. Tuy nhiên, theo tính toán của người trồng, với giá thấp nhất (10.000đ/kg) họ vẫn hòa vốn, chỉ cần trúng một vụ với giá trên 20.000đ/kg là họ đã bù đắp đủ chi phí đầu tư ban đầu, các năm tiếp theo là phần lãi thu về. Đây chính là hấp lực khiến nông dân ồ ạt xuống giống mít Thái trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, chỉ sau 14 tháng xuống giống, mít Thái đã cho trái “chiếng”. Đây cũng là lợi thế của loại trái cây này, và đó là chưa kể đến tiềm năng tiêu thụ to lớn từ thị trường Trung Quốc. Nhiều “hai lúa” miền Tây tính toán, bình quân một trái mít khi thu hoạch nặng từ 10-15kg, vào mùa cao điểm mang về xấp xỉ 1 triệu đồng/trái. Từ đó, mỗi công giúp nông dân có lãi từ 450-500 triệu đồng/ha, một con số cực kỳ hấp dẫn và chưa có loại trái cây nào có thể vượt qua mức lãi này từ 4 năm qua.
Cũng có lúc thị trường Trung Quốc ngừng mua, giá mít Thái rơi thảm hại khiến nông dân lo lắng nhưng sau đó lại nhích dần lên và hiện nay chưa ai có thể dự đoán giá bán sẽ về đâu trong khi nông dân ĐBSCL vẫn ào ạt trồng mới và mong đợi giá bán sẽ tăng cao.
Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, trồng ồ ạt không kiểm soát sẽ dễ phát sinh dịch bệnh, khả năng cung vượt cầu... Dẫu vậy, phần lớn nông dân vẫn sản xuất tự phát, chưa có quy trình sản xuất cụ thể cho các loại hình trồng xen, trồng thuần và chuyển đổi từ đất lúa.
![]() |
Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, trồng ồ ạt không kiểm soát sẽ dễ phát sinh dịch bệnh, khả năng cung vượt cầu. |
Đặc biệt, gần đây mít đang mắc phải bệnh xơ đen trong trái rất phổ biến, làm ảnh hưởng năng suất, đầu ra khó khăn và đặc biệt không đảm bảo chất lượng trái xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần biết rằng Trung Quốc đã có 180.000ha mít Thái, trong tương lai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu nhập khẩu mít Thái của Việt Nam.
Nhìn từ góc độ quản lý và quy hoạch, một số địa phương đã chuyển trạng thái từ khuyến cáo không trồng mới sang giải pháp “sống chung với mít Thái”.
Cụ thể, ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, nơi đang có trên 5.000ha mít Thái, sẽ đăng ký hết diện tích trồng đều có mã số; xác định mít Thái là một trong các cây có múi chủ lực cần đầu tư của huyện; khuyến cáo nông dân trồng theo tiêu chuẩn VietGap và quy hoạch vùng trồng mít chất lượng cao để đảm bảo thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tại thị xã Bình Minh cũng đang hướng đến sự hợp tác với các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy, xưởng chế biến các loại nông sản theo hướng sấy khô, đóng gói rồi xuất khẩu. Đây là giải pháp tốt nhất giúp người nông dân tiêu thụ hiệu quả nhất.
Trên bình diện chung, việc nông dân miền Tây ồ ạt trồng mít Thái theo kiểu tự phát như hiện nay rất đáng lo ngại, mà nói như người Nam bộ thì đang trong tình trạng “hên xui” bởi họ vẫn loay hoay chưa tìm được loại cây trái nào khác mang lại hiệu quả kinh tế nhanh hơn, cao hơn mít Thái dù biết rủi ro về giá cả kề cận bất cứ lúc nào.