Trái phiếu doanh nghiệp: Lãi suất cao, đầu tư dễ

anh khoa| 20/06/2019 02:20

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bùng nổ trong năm 2018 và những tháng đầu năm nay, mang đến cơ hội cho nhà đầu tư cá nhân cũng như tiện ích huy động vốn từ phía doanh nghiệp (DN); và sắp tới sẽ là sản phẩm mới cho thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP).

Trái phiếu doanh nghiệp: Lãi suất cao, đầu tư dễ

Bùng nổ đầu tư trái phiếu

Công ty CP Chứng khoán SSI chào bán trái phiếu DXG do Tập đoàn Đất Xanh phát hành cho các nhà đầu tư cá nhân với 200 tỷ đồng, lãi suất cố định 11%/năm, tài sản đảm bảo là cổ phiếu Công ty CP Đất xanh Miền Trung. Tổ chức phát hành cũng cam kết mua lại 30% trái phiếu khi tròn 12 tháng kể từ ngày phát hành với giá mua bằng mệnh giá.

Ngoài DXG, SSI đang chào bán tối đa 100 tỷ đồng trái phiếu của Công ty CP Đầu tư Con Cưng, kỳ hạn 18 tháng, lãi suất cố định 11%/năm; 280 tỷ đồng trái phiếu Công ty TNHH Đông Mekong. Trước đó, 300 tỷ đồng trái phiếu Công ty CP Điện Gia Lai kỳ hạn hai năm cũng đã được chào bán thành công với lãi suất 11,5%/năm.

Thị trường cũng xôn xao với thương vụ phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu của Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt với lãi suất cao nhất hiện nay, lên đến 14,5%/năm. 

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm, các công ty chứng khoán thời gian qua đã tích cực tư vấn, bảo lãnh phát hành và phân phối TPDN cho các công ty có nhu cầu nhằm cải thiện doanh thu bù đắp cho thu nguồn thu phí từ hoạt động môi giới, thu nhập tự doanh suy giảm. Ở chiều ngược lại, thị trường khó khăn khiến việc phát hành cổ phiếu tăng vốn gặp khó khăn nên các DN cũng tích cực huy động vốn qua kênh trái phiếu.

Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), dư nợ thị trường TPDN vào cuối năm 2018 là 474.500 tỷ đồng, bằng 8,6% GDP năm 2018 và tăng 53% so với cuối năm 2017. Và chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, hơn 60.000 tỷ đồng TPDN tiếp tục được phát hành, trong đó nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản chiếm tỷ trọng 82%.

Hướng đến nhà đầu tư cá nhân

Nếu như trước đây các thương vụ phát hành trái phiếu chỉ nhắm đến nhà đầu tư tổ chức, các tổ chức tín dụng thì giờ đây đang tích cực hướng đến phân khúc nhà đầu tư cá nhân, thể hiện qua việc các công ty chứng khoán làm trung gian phân phối và chào bán cho khách hàng nhỏ lẻ. 

Lãi suất khi đầu tư vào TPDN hiện nay cũng khá hấp dẫn, phổ biến trên mức 10%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dài tại các ngân hàng. Lãi suất trái phiếu của một số DN cũng có thể được thả nổi theo mặt bằng lãi suất huy động ngân hàng, do đó giúp ngân hàng tránh được phần nào rủi ro lãi suất trong tình huống lạm phát có thể tăng.

Một lợi ích khác nữa là nếu như gửi tiết kiệm, khi cần rút trước hạn sẽ bị áp lãi suất không kỳ hạn, thì đối với trái phiếu, nhà đầu tư có thể bán lại khi cần tiền hoặc yêu cầu tổ chức phát hành mua lại trước thời hạn nếu như có điều khoản cam kết.

Dù vậy, việc đầu tư vào chứng khoán có thu nhập cố định này cũng có thể gặp phải rủi ro thanh toán, lãi suất, thanh khoản, lạm phát và rủi ro tỷ giá nếu trái phiếu được phát hành bằng ngoại tệ. Vì vậy, để hạn chế bớt rủi ro thì các nhà đầu tư cần lựa chọn trái phiếu của những DN lớn, hoạt động ổn định, tránh mua trái phiếu của những DN yếu kém, báo cáo tài chính không rõ ràng.

Cơ hội từ “cuộc chơi” mới

Đứng ở góc độ DN, nếu như vay vốn ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản đảm bảo đáp ứng theo những tiêu chuẩn khắt khe của nhà băng, thì việc phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo “dễ thở” hơn, hoặc trong một số trường hợp thậm chí không cần có tài sản đảm bảo.

Về mặt chi phí, phát hành trái phiếu có thể giúp DN tiếp cận vốn với lãi suất cao và kỳ hạn thanh toán linh hoạt hơn so với vay vốn tín dụng. Theo đó, những DN làm ăn tốt có thể phát hành trái phiếu với lãi suất thấp hơn so với lãi suất ngân hàng tại kỳ hạn tương ứng. 

Hiện nay, lãi suất phát hành trái phiếu thường chia ra làm hai loại. Thứ nhất, có thể cố định theo suốt vòng đời trái phiếu, thứ hai, thường chỉ cố định trong năm đầu tiên và sau đó sẽ thả nổi, thường lấy bằng lãi suất kỳ hạn tiền gửi 12-13 tháng của nhóm bốn ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước cộng thêm một biên độ nhất định từ 2 - 4%. Đáng lưu ý là lãi suất tiền gửi của nhóm ngân hàng “Big 4” thường thấp hơn so với mặt bằng chung của thị trường, do đó cũng giúp DN tiết kiệm được chi phí tài chính.

Với những tiện ích như trên, việc thị trường TPDN bùng nổ cũng là điều dễ hiểu. Trong lộ trình phát triển thị trường TPDN Việt Nam đến năm 2020, mục tiêu dư nợ đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường này, năm 2018, TPDN đã vượt mục tiêu của năm 2020. 

Và không chỉ ở TPDN, TPCP nếu như trước đây chỉ là “sân chơi” của các nhà đầu tư tổ chức gồm ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán hay quản lý quỹ, thì thời gian qua, các nhà đầu tư cá nhân cũng đã tiếp cận với kênh đầu tư này, khi có một số ngân hàng có dịch vụ phân phối lại TPCP đã mua.

Và sắp tới, theo thơng tin mới nhất từ Ủy ban Chứng khốn Nhà nước, ngày 4/7/2019, hợp đồng tương lai TPCP sẽ chính thức giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khốn Hà Nội. Như vậy, các nhà đầu tư cá nhân sẽ có thêm một sản phẩm đầu tư mới nếu muốn tham gia vào thị trường trái phiếu. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trái phiếu doanh nghiệp: Lãi suất cao, đầu tư dễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO