TP.HCM tạo môi trường bình đẳng, minh bạch cho DN FDI

LÊ LOAN - THÙY ANH| 04/03/2015 07:28

Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải khẳng định, TP.HCM sẽ nỗ lực hết mình để cải thiện môi trường đầu tư cho các DN FDI

TP.HCM tạo môi trường bình đẳng, minh bạch cho DN FDI

Trong chương trình gặp gỡ đầu năm 2015 giữa lãnh đạo thành phố và các doanh nghiệp (DN) nước ngoài (FDI) do Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM tổ chức sáng 4/3, nhiều DN bày tỏ kỳ vọng thành phố đơn giản hóa thủ tục hành chính hơn nữa.

Phản ánh tại hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp FDI cho hay, hoạt động của các DN còn gặp nhiều khó khăn do thủ tục đầu tư rườm rà, thời gian giải quyết theo luật định còn dài. Lĩnh vực pháp luật lao động, xuất nhập cảnh còn nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện để các doanh nhân được xuất / nhập cảnh và cư trú thuận lợi.

Ngoài ra, DN còn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và sử dụng lao động phù hợp. Thủ tục thuế và hải quan vẫn còn chiếm nhiều thời gian của DN. Vì vậy, các DN kiến nghị TP.HCM cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục, khắc phục những khiếm khuyết đang tồn tại.

Cụ thể, theo ông Võ Quang Huệ - đại diện Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), TP.HCM cần nhanh chóng cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông công cộng, đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững về điện, Internet và hệ thống pháp lý.

Giám đốc điều hành của Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư khi sửa đổi một số luật định liên quan tới hoạt động đầu tư kinh doanh.

Giám đốc điều hành Amcham đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư. Ảnh: Quý Hòa

Song đối với Luật Di trú của Việt Nam, sửa đổi từ tháng 6/2014, có nhiều điểm đáng quan ngại. Đó là quy định người nước ngoài đến Việt Nam du lịch hay làm ăn chỉ được cấp Visa 1 lần, với thời gian 3 tháng. Như vậy theo nguyên tắc “có đi có lại”, phía Mỹ cũng có thể sẽ chỉ cấp Visa lưu trú 3 tháng cho người Việt Nam đến Mỹ, thay vì 1 năm như hiện nay.

Theo đó, đại diện Amcham cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần nghiên cứu lại vấn đề này để tạo thuận lợi cho hoạt động thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Hiện tại, Mỹ và Trung Quốc đã cấp phép lưu trú cho công dân hai nước với thời gian lên tới 10 năm nhằm tạo điều kiện thuận lợi về đi lại trong kinh doanh.

Đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM (JBAH), Hiệp hội DN Đức đã “gặp nhau” tại ý kiến về tính minh bạch của hệ thống pháp lý. Họ cho rằng Việt Nam là một thị trường tiềm năng mà các DN, nhất là những DN vừa và nhỏ của Nhật, Đức đều rất muốn đầu tư trong năm 2015, vì vậy yếu tố này rất cần thiết để thu hút đầu tư.

Theo các DN FDI, việc quy định, chính sách không rõ ràng trong thời gian qua đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của DN. Đại diện các DN Nhật Bản, ông Yasuzumi Hirotaka - Giám đốc điều hành Jetro cho biết, theo khảo sát của Jetro, DN vẫn nhận xét là hệ thống pháp lý ở Việt Nam chưa minh bạch. Đây là trở ngại lớn cho hoạt động của nhà đầu tư.

Theo Tổng giám đốc Công ty Intel Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cần nghiên cứu hình thành các cụm công nghiệp hỗ trợ để đẩy mạnh cung ứng nguyên vật liệu tại nội địa cho các doanh nghiệp FDI. Từ đó, có thể duy trì hoạt động đầu tư của nhà đầu tư cũ và thu hút thêm nhà đầu tư mới.

Theo nhận định của ông Yutaka Watanabe - Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Towa, các DN Việt Nam còn yếu về công nghệ, nên sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu của các nhà sản xuất. Vì vậy, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ cho DN để đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Để giải quyết vấn đề nguồn cung ứng tại chỗ cho doanh nghiệp FDI, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết, trong thời gian tới thành phố sẽ tổ chức các hoạt động kết nối cho DN trong nước và DN FDI, để các DN có điều kiện cập nhật thông tin, nắm cơ hội hợp tác với nhau. Ông hy vọng ngành công nghiệp hỗ trợ sớm phát triển để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm của các ngành.

Cộng đồng DN FDI phản ảnh còn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và sử dụng lao động phù hợp. Ảnh: Quý Hòa

Đồng thời, thành phố cũng chỉ đạo trực tiếp đến các KCN-KCX nhằm rút ngắn thời gian cấp phép còn 1/2 so với trước đây; tập trung chú trọng đến việc chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực, tạo nguồn lao động có sẵn cho nhà đầu tư khi tiến hành đầu tư, sản xuất tại TP.HCM.

Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải ghi nhận những đóng góp xây dựng thiện chí của DN FDI và xác định, vẫn còn nhiều việc thành phố phải làm trong thời gian tới để đáp ứng những kỳ vọng chính đáng của DN FDI trên địa bàn.

“TP.HCM sẽ làm hết sức mình để cải thiện môi trường đầu tư, để thành phố thực sự là nơi lựa chọn đầu tư tin cậy, thuận lợi, thành công của các nhà đầu tư nước ngoài. Xem khó khăn DN là khó khăn của chính mình, các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý, lãnh đạo thành phố sẽ đồng hành cùng các DN để đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhân lực… vì môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch của các nhà đầu tư và DN”, ông Lê Thanh Hải phát biểu.

Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư Tp.HCM, tính đến 31/12/2014, TP.HCM có 5.310 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư là 36,28 tỷ USD.

Riêng trong năm 2014, vốn FDI đầu tư vào thành phố tăng 2,7 lần so với năm 2013, đạt 2,88 tỷ USD, với 457 dự án cấp mới. Ngoài ra, có 138 dự án điều chỉnh vốn với số vốn đăng ký tăng thêm là 383,41 triệu USD.

Tổng nguồn vốn FDI thực hiện khoảng 2,5 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm 2013. Tập trung đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, bất động sản, bán lẻ, sửa chữa xe ô tô… tạo việc làm cho khoảng 550.000 lao động. Năm 2014, khu vực có vốn đầu tư FDI chiếm 38,4% kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM với trị giá 11,2 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM tạo môi trường bình đẳng, minh bạch cho DN FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO