TP.HCM lên phương án tổ chức người lao động đi lại với 4 tỉnh lân cận

P.V| 05/10/2021 08:51

Trước bối cảnh các KCN, KCX tại TP.HCM đang thiếu nhiều công nhân, TP.HCM đã lên phương án tổ chức người lao động (NLĐ) đi lại giữa 5 địa phương cho UBND tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh xem xét, thống nhất.

TP.HCM lên phương án tổ chức người lao động đi lại với 4 tỉnh lân cận

Theo phương án này, người lái ôtô, xe máy cá nhân được đi giữa TP.HCM và 4 tỉnh nói trên khi đủ một trong điều kiện: khỏi Covid-19 dưới 6 tháng hoặc đã tiêm vaccine Covid-19 (ít nhất một mũi với loại vaccine 2 mũi và sau 14 ngày tiêm); xác nhận xét nghiệm âm tính nCoV còn hiệu lực trong 7 ngày.

Khi đi trên đường, những người này phải sử dụng mã QR khai báo qua ứng dụng VNEID và mã QR thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM, hoặc Sổ sức khỏe điện tử (khi ứng dụng PC-Covid chưa hoạt động). Nếu không có mã QR, cần xuất trình một trong các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện.

Trường hợp DN đưa đón công nhân, chuyên gia qua lại giữa TP.HCM và 4 tỉnh, NLĐ phải đáp ứng điều kiện đã tiêm vaccine mũi một sau 14 ngày hoặc khỏi Covid-19 dưới 6 tháng; xét nghiệm âm tính nCoV còn hiệu lực. Trong đó, đơn vị có trụ sở ở TP.HCM lập phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia, thông qua đơn vị đầu mối (Hepza, SHTP, UBND TP. Thủ Đức và các quận huyện) để đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian, tổng hợp gửi Sở GTVT để được cấp giấy cho đi lại.

Trường hợp trụ sở đóng trên địa bàn các tỉnh, các DN xây dựng phương án vận chuyển người lao động và đăng ký xe, lộ trình, thời gian gửi đến Sở GTVT địa phương để cấp giấy di chuyển. Các hoạt động vận tải phải đáp ứng theo tiêu chí phòng chống dịch.

Trong buổi họp báo về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM chiều qua, ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM chia sẻ thông tin, hiện các KCN, KCX tại TP.HCM đang thiếu nhiều công nhân do lao động ở các đơn vị này giảm khoảng một nửa so với giai đoạn trước ngày 1/10.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh TP bước sang ngày thứ 4 thực hiện Chỉ thị 18 về biện pháp phòng Covid-19, từng bước phục hồi phát triển kinh tế, xã hội.

Theo ông Hải, giai đoạn trước ngày 1/10, tại các KCN, KCX trên địa bàn có khoảng 288.000 lao động. Trong đó, hơn 70.000 lao động làm việc theo chế độ "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, 2 điểm đến". Từ ngày 1/10 đến nay, số lao động thực hiện "3 tại chỗ" giảm còn 45.000 và khoảng 33.000 lao động đăng ký mới. Số lao động "3 tại chỗ" chuyển thành bình thường và số bổ sung thêm khoảng 57.000.

Tổng cộng hiện có 135.000 lao động tại KCX, KCN, chiếm tỷ lệ 46%. Do vậy, lao động ở các đơn vị này còn rất thiếu. Các DN đang rà soát để tiếp tục tuyển dụng, bổ sung nguồn lao động.

Đối với Khu công nghệ cao, ông Hải cho biết giai đoạn trước 1/10 có khoảng 50.000 lao động, trong đó 25.000 lao động làm việc theo chế độ "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường - 2 điểm đến". Sau ngày 1/10 đến nay số lao động làm việc theo chế độ này đã giảm lại. Khu công nghệ cao đã làm việc với các DN rà soát nhu cầu lao động để tiếp tục tuyển dụng.

Theo ông Hải, trong 50.000 lao động của Khu công nghệ cao có 40.000 người ở TP.HCM, số còn lại đa phần ở 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Vì vậy, đơn vị này đang khẩn trương mời gọi, tuyển dụng để có thêm nhiều lao động, phục vụ cho hoạt động tại khu vực này.

Liên quan nhu cầu tìm người lao động của các DN trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội TP. HCM cho biết theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, trong quý III, TP có hơn 42.700 người có nhu cầu tìm việc làm. Trong khi đó, nhu cầu lao động của các DN trên địa bàn là 43.600-56.800 người.

Về hướng giải quyết, ông Lâm cho biết, lao động trở về quê sẽ nhận được tin nhắn mời về TP.HCM để tiếp tục làm việc. Điều kiện làm việc phải đáp ứng Bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất, ví dụ như tiêu chí về xét nghiệm, tiêm chủng...

Đối với nguồn lao động là lực lượng lao động tại TP.HCM có nhu cầu tìm việc, TP.HCM có 127 cơ quan giới thiệu việc làm, nòng cốt là trung tâm việc làm của TP và thanh niên. Các cơ quan này đang khảo sát để tư vấn, giới thiệu danh sách cụ thể, có địa chỉ NLĐ và DN. Trung tâm giới thiệu việc làm sẽ kết nối 2 bên, nếu phù hợp nhu cầu sẽ giới thiệu để làm việc.

Ngoài ra, các trường cao đẳng, trung cấp sẽ giới thiệu học sinh trung cấp nghề, sinh viên cao đẳng nghề sắp ra trường với DN có nhu cầu nguồn lao động. "Ba nguồn trên có thể đảm bảo cung ứng nguồn lao động cho doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất sau dịch", ông Lâm chia sẻ.

Về phương án đón NLĐ từ các tỉnh trở lại TP.HCM trước đó, vào ngày 1/10, UBND TP.HCM đã thông qua 3 phương án phối hợp vận chuyển người lao động từ các tỉnh, thành phố đến làm việc trong tình hình mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM lên phương án tổ chức người lao động đi lại với 4 tỉnh lân cận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO