TP.HCM làm gì để đón thị trường carbon?
Việc triển khai thị trường carbon vào năm 2028 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho TP.HCM như giúp giảm thải khí nhà kính hướng đến đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt mục tiêu này, TP.HCM cần có chính sách quy định việc hợp tác phát triển công ty trong thị trường carbon tự nguyện nhằm bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên.
Vì sao thị trường carbon quan trọng?
Thị trường carbon là một công cụ kinh tế quan trọng trong việc thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu. Thị trường carbon được chia thành hai loại: Thị trường bắt buộc (sản phẩm là các hạn ngạch phát thải khí nhà kính) và thị trường tự nguyện (sản phẩm là các tín chỉ carbon).
Thị trường carbon hoạt động dựa trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, cho phép các tổ chức mua bán, trao đổi các hạn ngạch phát thải khí nhà kính và một tỷ lệ nhất định các tín chỉ carbon. Thị trường carbon bắt buộc đã được chứng minh là có hiệu quả nhất trong việc giảm phát thải khí nhà kính.
Từ tháng 10/2023, Liên minh châu Âu đã ban hành cơ chế thuế carbon xuyên biên giới (CBAM), nhằm đảm bảo sự công bằng trong cạnh tranh thương mại quốc tế và thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính. CBAM sẽ áp dụng thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu vào EU dựa trên lượng khí thải khí nhà kính (trực tiếp và gián tiếp) phát thải trong quá trình sản xuất. Điều này được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU trong ngắn hạn.
TP.HCM đón tiềm năng thị trường carbon ra sao?
Việc triển khai thị trường carbon vào năm 2028 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho TP.HCM như giúp giảm thải khí nhà kính hướng đến đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, góp phần cải thiện chất lượng môi trường và nâng cao sức khỏe cộng đồng; Tạo động lực cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sử dụng hiệu quả hơn các đầu vào sản xuất, từ đó góp phần gia tăng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) và nâng cao năng lực cạnh tranh (Giả thuyết Porter); Thu hút đầu tư và tạo việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, thu hút nguồn tài chính khí hậu quốc tế... thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và tạo nhiều việc làm mới; Giúp TP.HCM nâng cao vị thế quốc tế trong nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu.
Mặc dù có thuận lợi về cơ chế tài chính theo Nghị quyết 98/2023/NQ15, TP.HCM cần phải ban hành chính sách quy định về nguồn vốn tài trợ và các phương thức sử dụng vốn cho hoạt động phát triển dự án phát hành tín chỉ carbon.
Việc triển khai các dự án phát hành tín chỉ carbon cần phải đáp ứng được yêu cầu của các cơ chế định giá carbon. Vì vậy, TP.HCM cần ban hành các hướng dẫn liên quan đến quản lý và vận hành dự án, trong đó cần nêu rõ vai trò của từng cơ quan trong hoạt động triển khai, theo dõi giám sát và đánh giá hiệu quả nhằm đảm bảo dự án đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức định giá tín chỉ và phát hành thành công tín chỉ ra thị trường.
Nếu các dự án phát hành thành công tín chỉ carbon sẽ mang đến nguồn thu lớn vào ngân sách, Thành phố cần có chính sách quy định rõ việc sử dụng và giám sát các nguồn thu này cho mục đích tái đầu tư vào các dự án và hoạt động bảo vệ môi trường.
TP.HCM có thể xem xét hợp tác với các tổ chức tư nhân để tận dụng nguồn lực về tài chính, nhân sự và kỹ thuật, nhằm gia tăng quy mô và hiệu quả của các dự án tiềm năng. Trong trường hợp này, TP.HCM cần ban hành chính sách quy định việc hợp tác phát triển công ty trong thị trường carbon tự nguyện nhằm bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên.
TP.HCM cần xây dựng lộ trình cho thị trường tín chỉ cacbon
Theo đó, các nền tảng cần nghiên cứu rõ ràng các vấn đề cụ thể:
1. Độ xác thực và đáng tin cậy của các tín chỉ carbon được phát hành bởi các tổ chức khác nhau khi thực tế cho thấy mỗi tổ chức lại có cách đánh giá khác nhau. Việc này cần hợp tác với các tổ chức quốc tế uy tín đề xây dựng hệ thống thẩm định và giám sát dự án hiệu quả.
2. Gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp, ngành nghề sẽ khác nhau, nếu không có các chính sách hỗ trợ phù hợp có thể gây nên nhiễu loạn thị trường.
3. Tham khảo kinh nghiệm của thế giới để thành lập các quỹ cho mục đích bảo vệ môi trường. Điển hình như Quỹ bảo vệ môi trường New Zealand hỗ trợ các dự án giảm phát thải khí nhà kính bằng cách mua tín chỉ carbon từ các dự án này.
4. Để thúc đẩy hoạt động của thị trường, TP.HCM nên trang bị kiến thức và tăng cường nhận thức về thị trường carbon cho doanh nghiệp và cộng động. TP.HCM có thể xem xét ban hành các chính sách nhằm khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập mục tiêu và kế hoạch giảm phát thải một cách tự nguyện và giao dịch tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng phát thải của cơ sở.
Đề xuất cơ chế cho TP.HCM ứng phó với thuế carbon xuyên biên giới:
1. Thành phố ban hành một loại phí mới, chẳng hạn phí carbon và sử dụng số thu từ nguồn này hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu.
2. Tích cực hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ đầu tư vào các công nghệ tiên tiến, giảm phát thải carbon.
3. Chủ động đẩy mạnh đầu tư vào các tài sản công trên địa bàn Thành phố để có thể giảm thiểu phát thải từ việc sử dụng điện, hướng đến lộ trình trở thành một nhà cung cấp tín chỉ carbon trên thị trường tự nguyện.
(*) Giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH)
> 60 triệu tấn khí phát thải CO2/năm, chiếm khoảng từ 18-23% cả nước là thách thức mà TP.HCM đang phải đối mặt.