TP.HCM: Kinh tế xã hội cuối năm và năm 2023 dự báo nhiều khó khăn

H.Ng| 02/11/2022 09:00

Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 11/2022 chiều 1/11, các chuyên gia và lãnh đạo TP.HCM đều cho rằng kinh tế xã hội thành phố cuối năm và năm 2023 dự báo nhiều khó khăn.

TP.HCM: Kinh tế xã hội cuối năm và năm 2023 dự báo nhiều khó khăn

TS. Trần Du Lịch đánh giá các doanh nghiệp tại thành phố đã có sự vươn lên mạnh mẽ để giúp kinh tế thành phố ổn định hơn, tuy nhiên cả nước cũng như thành phố đang phải đương đầu nhiều vấn đề lớn. 

Từ quý IV/2022 đến năm 2023, dự báo kinh tế toàn cầu rất khó khăn, xu hướng suy thoái, lạm phát thấy rõ và việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của TP.HCM. Việc Chính phủ tiến hành các biện pháp thiết lập kỷ cương trong thị trường tài chính, bất động sản trên địa bàn thành phố là cần thiết để phát triển dài hạn nhưng trong ngắn hạn thì sẽ tác động đến tâm lý các nhà đầu tư.

"Nếu dòng vốn của nền kinh tế chững lại thì sẽ ảnh hưởng không chỉ 2023 mà cả năm 2024. Độ nhạy của thành phố hơn cả nước rất nhiều về mặt tích cực và tiêu cực", TS. Trần Du Lịch phân tích.

TS. Lịch kiến nghị năm 2023 thành phố nên tập trung hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hộ kinh doanh thông qua cơ chế rà lại tất cả quy định về miễn giảm thuế, lệ phí hỗ trợ lãi suất cho vay... và chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính xử lý các vấn đề phát sinh trên thị trường tài chính, đẩy nhanh tiến độ các dự án thuộc kinh tế số, chính quyền số...

-5771-1667341562.jpg

Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận thị trường TP.HCM trong tháng 10/2022 xuất hiện nhiều tình huống bất lợi 

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận có nhiều điểm nổi bật như tăng trưởng GRDP đạt 9,9%, tổng thu ngân sách đạt gần 393.000 tỷ đồng, đạt 101% dự toán năm và tăng 22% so cùng kỳ.

Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế quý IV đang chững lại và sụt giảm ở một số mặt, dự báo nhiều khó khăn cho năm 2023. Tăng trưởng toàn ngành công nghiệp (IIP) dù đang ở mức khá nhưng nhiều ngành nghề đang rất khó khăn như may mặc, gỗ, giày da…

Tháng 10, thị trường TP.HCM xuất hiện nhiều tình huống bất lợi, trong đó, sự việc tại Ngân hàng SCB làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành tài chính ngân hàng; cung ứng xăng đầu không ổn định gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân; lạm phát thế giới ảnh hưởng đến thị trường TP.HCM; giá cả tăng cao ảnh hưởng đến an sinh xã hội của thành phố. Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công của TP.HCM đang rất thấp, nhiều vướng mắc chưa được giải quyết. Tình trạng thiếu hụt xăng dầu cũng tạo ra tâm lý bất an, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt người dân cũng như hoạt động kinh tế - xã hội thành phố. 

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng năm 2023 nên đưa phương án tận dụng hết nội lực, tháo gỡ những điểm nghẽn để khơi thông nguồn lực nội địa, đồng thời, tập trung giải ngân vốn đầu tư công, từng dự án phải được phân tích rõ những vướng mắc, có kế hoạch giải ngân vốn cụ thể.

-3039-1667341562.jpg

TS. Trần du Lịch kiến nghị năm 2023 thành phố nên tập trung hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hộ kinh doanh

Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị, trong tháng 11, các cấp ngành tập trung xây dựng đề án huy động đầu tư xã hội khi nguồn ngân sách có giới hạn, song song việc hoàn thiện các tiêu chí để thu hút đầu tư FDI. Về tài sản công, ông Mãi đề nghị Sở Tài chính hoàn thiện đề án sử dụng hiệu quả tài sản công, còn Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hoàn thiện kế hoạch đấu thầu, đấu giá số nhà đất, trong đó có nhà đất ở Thủ Thiêm để có kế hoạch khai thác, sử dụng hiệu quả trong năm tới…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM: Kinh tế xã hội cuối năm và năm 2023 dự báo nhiều khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO