Trong nước

TP.HCM đứng đầu cả nước về vốn FDI trong 2 tháng đầu năm 2024

Khánh Hưng 14/03/2024 17:33

TP.HCM đang đứng đầu cả nước về số dự án và vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) với 12.520 dự án. Riêng năm 2023, Thành phố thu hút 5,85 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 5,48% so với năm 2022.

Đây là thông tin được ông Phạm Bình An - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (Viện) chia sẻ tại Hội nghị “Triển vọng và giải pháp thu hút nhà đầu tư trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu và các xu hướng mới”, được Viện Nghiên cứu phát triển, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP.HCM (CIIS) và Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), phối hợp tổ chức sáng ngày 14/3.

Năm 2024, năm đầu tiên Việt Nam chính thức áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Đối với Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, việc thực thi quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu vừa tạo điều kiện để gia tăng nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng đồng thời sẽ tác động trực tiếp tới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và môi trường đầu tư của Việt Nam.

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC nêu lên tác động của thuế tối thiểu toàn cầu và thực thi của Việt Nam; đồng thời, đặt ra các vấn đề bức thiết cần quan tâm thực hiện để duy trì chất lượng của môi trường đầu tư, thu hút được các dòng vốn đầu tư chất lượng cao như cơ chế cải thiện môi trường đầu tư, cơ chế, hướng dẫn về kiểm soát khả năng khiếu nại, xử lý tranh chấp, bảo đảm quyền lợi cho người đầu tư… "Ngoài vấn đề chính sách thuế, tôi nghĩ nhà đầu tư còn rất quan tâm đến việc ổn định và bình an của môi trường đầu tư kinh doanh, sự thuận lợi của thủ tục hành chính", ông Lộc nói thêm.

432721010_713306430991259_8507184992208321188_n.jpg
Ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ tại hội nghị

Ông Phạm Bình An - Phó viện trưởng Viện nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư nước ngoài đối với phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM như thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; cải tiến công nghệ sản xuất trong nước; thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. TP.HCM có rất nhiều chính sách thu hút nhà đầu tư trong thời gian vừa qua như ưu tiên về thủ tục hải quan, thuế; xây dựng đề án chuyển đổi các khu công nghiệp - khu chế xuất trên địa bàn... với mục tiêu chuẩn bị sẵn "tổ" cho "đại bàng".

432757991_713306287657940_5666621831028572349_n.jpg
Ông Phạm Bình An chia sẻ tại hội nghị

Các diễn giả chính cũng có những phần tham luận về các giải pháp đột phá cho TP.HCM đạt được các mục tiêu về thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đỗ Văn Sử - Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh chủ trương tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; và ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao.

Ông Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện chia sẻ, việc tận dụng Nghị quyết 98 cũng tạo ra cho Thành phố nhiều cơ hội triển vọng nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài.

432777439_713306314324604_3505110359876965561_n.jpg
Các diễn giả cùng thảo luận về chủ đề của hội nghị

"Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có rất nhiều lợi thế cạnh tranh để thu hút "đại bàng", tuy nhiên cũng vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan ngại", ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nói. Ngoài các vấn đề như đảm bảo đầu vào và sản xuất kinh doanh xanh, môi trường số thuận lợi... thì việc chuyển dịch lao động chất lượng cao cũng cần được quan tâm, có những chính sách cụ thể và bám sát nhu cầu thực tế của nhà đầu tư.

Chủ đề của hội nghị còn nhận được sự quan tâm thảo luận từ Ban quản lý các khu chế xuất - Khu công nghiệp, khu công nghệ cao; các hiệp hội doanh nghiệp trong nước, nước ngoài; các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI; các chuyên gia tư vấn thuế, đầu tư, luật...

Trong 2 tháng đầu năm 2024, FDI vào Việt Nam đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2024 được kỳ vọng sẽ là năm “đột phá” trong thu hút đầu tư nước ngoài, hồi phục sản xuất và xuất khẩu. Đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, với mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%.

TP.HCM hiện dẫn đầu cả nước về số dự án và vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với 12.520 dự án, vốn đăng ký là 57,64 tỷ USD. Riêng trong năm 2023, TP.HCM đã thu hút được 5,85 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm 2022; vốn thực hiện ước tính 36.261,5 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ; 2 tháng đầu năm 2024, TP.HCM dẫn đầu cả nước về số dự án mới, điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần.

Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM đứng đầu cả nước về vốn FDI trong 2 tháng đầu năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO