Theo quyết định, Chủ tịch UBND TP.HCM ủy quyền cho chủ tịch UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức quyết định đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm C trước đây sử dụng nguồn vốn ngân sách quận hoặc sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách thành phố cho ngân sách quận, huyện và thành phố Thủ Đức (trừ dự án tu bổ di tích có cấu phần xây dựng).
Thời hạn ủy quyền kể từ ngày 29/5/2023 đến hết ngày 31/12/2025. UBND TP.HCM chấm dứt các nội dung ủy quyền khác trái với quy định nêu trên kể từ ngày ban hành quyết định này. Như vậy, Chủ tịch UBND các địa phương được thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của “người có thẩm quyền quyết định đầu tư” được nêu tại Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và các quy định có liên quan.
Đây được xem như là một quyết định kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho các địa phương trong việc triển khai các dự án đầu tư công. Bởi khi thực hiện chính quyền đô thị, quận, phường từ cấp ngân sách trở thành đơn vị dự toán ngân sách. Do đó, nhiều công trình quận có thể làm được thì lại phải chờ thành phố phê duyệt ngân sách. Trong đó, không ít công trình nâng hẻm, sửa đường cũng phải “xếp hàng” chờ đợi.
Cũng theo quyết định này, UBND TP.HCM đã quyết định giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư cho cơ quan chuyên môn hoặc UBND cấp huyện để lập hồ sơ, trình thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với các chương trình, dự án thuộc nhiều lĩnh vực và các dự án nhóm C sử dụng vốn đầu tư công ngân sách thành phố.
Đối với chương trình, dự án nhóm B, C sử dụng vốn đầu tư công thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Chủ tịch UBND cấp huyện và các dự án đã được Chủ tịch UBND TP.HCM ủy quyền thì chủ tịch UBND cấp huyện được tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công.
Theo Luật Đầu tư công năm 2019, dự án đầu tư công nhóm A gồm các dự án có tổng mức đầu tư từ 800 tỷ đồng đến hơn 2.300 tỷ đồng; nhóm B từ 45 tỷ đồng đến dưới 2.300 tỷ đồng; nhóm C từ dưới 45 tỷ đồng đến dưới 120 tỷ đồng.