Theo đó, Kho bạc Nhà nước TP.HCM báo cáo, tính đến ngày 31/3, tổng số vốn giải ngân của TP.HCM là 1.608 tỷ đồng, mới chỉ đạt 4% so với kế hoạch vốn được giao năm 2023. Trong khi đó, mục tiêu đề ra cho năm nay là giải ngân đạt ít nhất 95%.
Có hai đơn vị đã giải ngân 100% kế hoạch năm, là Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (giải ngân 95 triệu đồng) và UBND quận Phú Nhuận (giải ngân 31 triệu đồng).
Tính về số tiền đã giải ngân thì đơn vị dẫn đầu là Ban quản lý đường sắt đô thị, với hơn 508 tỷ đồng, đạt 10% kế hoạch năm. Tiếp đó là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị giải ngân được hơn 306 tỷ đồng, cũng đạt 10% kế hoạch năm của đơn vị. Bên cạnh số ít đơn vị giải ngân đạt kết quả tốt thì có đến 25 đơn vị giải ngân 0 đồng, trong đó nhiều đơn vị phải giải ngân số vốn rất lớn như Khu Công nghệ cao (hơn 542 tỷ đồng), UBND quận 8 (hơn 267 tỷ đồng), đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng (158 tỷ đồng)…
Liên quan đến khối y tế, có tới 9 bệnh viện giải ngân 0 đồng, gồm các Bệnh viện: An Bình, Nguyễn Tri Phương, Nhân dân 115, Gia Định, Nhi đồng 1, Răng Hàm Mặt, Trưng Vương, Y học cổ truyền và Bệnh viện phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp.
Để giải ngân đạt trên 95%, ông Mãi yêu cầu các đơn vị tập trung cao độ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Trong đó, Sở KH-ĐT rà soát, đề xuất phê bình đối với các đơn vị chưa lập kế hoạch chi tiết triển khai, kiểm tra và giám sát giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời tổng hợp nội dung công việc thực hiện, số vốn và tỷ lệ giải ngân của các đơn vị theo từng tháng, báo cáo UBND TP.HCM trước ngày 20/4.
Ông Mãi cũng giao Sở Nội vụ khẩn trương tham mưu kiện toàn nhân sự của 3 tổ công tác (tổ dự án có vốn lớn, tổ dự án ODA và tổ giải phóng mặt bằng), không được chậm trễ.
Trong khi đó, Sở Xây dựng được giao tổng hợp, đề xuất UBND TP.HCM 50 công trình, dự án hoàn thành, khởi công mới chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4-1975-30/4-2025).