Gấp rút "gỡ nút thắt" giải ngân đầu tư công

Đức An - Minh Anh| 10/05/2023 01:00

Giải ngân vốn đầu tư công được xác định là điểm nghẽn đầy nhức nhối, là câu chuyện loay hoay của nhiều địa phương. Tại TP.HCM, chính quyền thành phố đã thực hiện nhằm đẩy mạnh triển khai giải ngân các dự án đầu tư công trên địa bàn, nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn rất thấp. Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã trao đổi với bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM xoay quanh các giải pháp gỡ nút thắt về đầu tư công trong thời gian tới.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM

Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM

* Theo số liệu mới nhất của Sở KH&ĐT, tính đến ngày 5/5, thành phố mới chỉ giải ngân được 6%. Vậy Sở KH&ĐT có những giải pháp cụ thể gì để tham mưu cho thành phố đẩy mạnh giải ngân khoản đầu tư công được giao trong năm nay (2023), thưa bà?

- Tổng số vốn đầu tư công thành phố đã bố trí vốn thực hiện tính đến sau kỳ họp HĐND TP.HCM tháng 4 vừa qua là khoảng 70 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là khoảng 15 nghìn tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là khoảng 55 nghìn tỷ đồng. So với số vốn đầu tư công mà thành phố theo kế hoạch 2022 thì kế hoạch 2023 cao gấp hai lần và chiếm tỷ trọng tương đương khoảng 10% tổng số vốn đầu tư công của cả nước. 

Ngoài ra, đến ngày 31/1/2022 thì mới hết niên độ kế hoạch 2022, do đó trong tháng 1/2023, các chủ đầu tư hầu như chỉ tập trung hoàn thành hồ sơ giải ngân kế hoạch 2022, công tác giải ngân kế hoạch 2023 chủ yếu mới phát sinh tính từ tháng 2/2023.

Để thúc đẩy việc triển khai nhanh các dự án, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 theo như kế hoạch, Sở KH&ĐT TP.HCM đã phối hợp các cơ quan đơn vị tham mưu UBND TP.HCM chỉ đạo thực hiện các nội dung liên quan đầu tư công như sau

- Tổ chức hội nghị giao ban về đầu tư công hằng tháng do trực tiếp đồng chí Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì, chỉ đạo thực hiện để kịp thời có những giải pháp hiệu quả giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc của các dự án, chương trình.

- Ban hành chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 để cụ thể hóa các nhiệm vụ, trách nhiệm của các đơn vị cơ quan phù hợp với thực tiễn của thành phố. 

- Ban hành quy trình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương của thành phố, trong đó nêu rõ nội dung cụ thể công việc, mốc thời gian thực hiện, cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm phối hợp trong từng giai đoạn triển khai của dự án, chương trình đầu tư.

* Trong quý I/2023, kinh tế TP.HCM chỉ đạt mức tăng trưởng 0,7%, thấp nhất trong các thành phố trực thuộc Trung ương. Vậy theo bà, khi nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được triển khai liệu có phải sẽ là động lực cho thành phố chủ động gỡ được nút thắt về đầu tư công hiện nay không?

- Mục tiêu xây dựng dự thảo Nghị quyết 54 của Chính phủ là xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển TP.HCM như mục tiêu đã đặt ra tại các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.

-6040-1683604712.jpg

Trong các nội dung cơ chế Chính phủ đang trình Quốc hội, có nhiều cơ chế mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả công tác đầu tư công và xã hội hóa đầu tư. Đặc biệt là cơ chế cho phép HĐND TP.HCM được chủ động bố trí ngân sách địa phương nguồn chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm trên cơ sở khả năng thu ngân sách thực tế của thành phố. 

Cụ thể theo quy định hiện nay, thành phố thực hiện phân bổ kế hoạch vốn theo số giao của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên trong thực tế, thành phố có thể cân đối được số vốn cao hơn so với số thông báo của Trung ương. Việc thông qua chính sách nêu trên sẽ giúp TP.HCM có thể chủ động linh hoạt trong việc điều hành ngân sách địa phương, tận dụng tối đa tiềm lực sẵn có về nguồn chi đầu tư phát triển để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau khi chịu tác động rất lớn từ dịch Covid-19. Trong đó, thành phố có thể bố trí vốn đầu tư các dự án mới để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố như dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát, hai dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, các dự án đầu tư để thực hiện khép kín đường Vành đai 2 TP.HCM... 

* Ngoài việc trông chờ nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được triển khai, TP.HCM cần những giải pháp thực tiễn nào để cải thiện kết quả giải ngân đầu tư công ngay trong quý tới? 

- Ngoài việc phối hợp với các bộ ngành xây dựng nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, để cải thiện kết quả giải ngân đầu tư công ngay trong quý tới, ngay từ đầu tháng 4 đến nay, Sở KH&ĐT TP.HCM đã tổ chức rất nhiều cuộc họp với các chủ đầu tư, các sở ngành để hướng dẫn tổ chức lập, đôn đốc việc lập kế hoạch giải ngân và kế hoạch triển khai công việc chi tiết từng ngày, tháng để đảm bảo giải ngân theo kế hoạch đề ra; thống nhất các sở ngành cách thức phối hợp, rút gọn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư. Toàn bộ kế hoạch giải ngân vốn của các chủ đầu tư sẽ được gửi đến các sở ngành để chủ động nắm bắt tiến độ, hướng dẫn các chủ đầu tư các thủ tục liên quan.

Số vốn kế hoạch 2023 của thành phố là rất lớn, giá trị đã giải ngân đến hết tháng 4/2023 khoảng 2.511 tỷ đồng, tương đương với số vốn đã giải ngân trong cùng kỳ năm 2022 nhưng về tỷ lệ nếu so với tổng số vốn được bố trí theo kế hoạch thì còn khiêm tốn.

Theo đó, trong thời gian tới, Sở KH&ĐT TP.HCM sẽ tham mưu UBND TP.HCM tiếp tục triển khai các công tác đã ban hành tại chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, trong đó tập trung một số công việc cụ thể sau:

- Thúc đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện các thủ tục về đầu tư, trong đó từng cơ quan phải rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục tại cơ quan mình xuống ít nhất 30% thời gian theo quy định pháp luật, đảm bảo hoàn thành các bước theo kế hoạch giải ngân đã đề ra.

- Theo dõi chặt chẽ tiến độ giải ngân của các dự án, thường xuyên tổ chức họp với các chủ đầu tư để đôn đốc tiến độ, kịp thời nhắc nhở các chủ đầu tư giải ngân chậm hơn tiến độ theo kế hoạch đã đề ra.

- Thúc đẩy các chủ đầu tư sớm hoàn chỉnh và trình thẩm tra hồ sơ quyết toán đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, trường hợp có dôi dư vốn sau khi quyết toán thì kịp thời điều chuyển, bố trí cho các dự án khác để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.

- Đối với các dự án đang thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hiện thành phố có thành lập tổ công tác rà soát, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Tổ công tác sẽ làm việc hằng tháng với các quận, huyện, các chủ đầu tư để giải quyết các vướng mắc và thúc đẩy tiến độ triển khai.

* Vậy theo bà, ước tính tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM sẽ được cải thiện cụ thể ra sao?

Với các giải pháp như trên, dự kiến kết quả giải ngân vốn đầu tư công sẽ đạt tỷ lệ là 27% trong quý II/2023, với giá trị vốn giải ngân là hơn 19 nghìn tỷ đồng, bằng tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân cả năm 2021 (19.721 tỷ đồng) và tương đương 70% tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân cả năm 2022 (26.635 tỷ đồng).

Dự kiến đến hết năm 2023 đạt tỷ lệ từ 95% trở lên với giá trị vốn giải ngân là hơn 66 nghìn tỷ đồng, gấp 2,5 lần tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân cả năm 2022.

* Trân trọng cảm ơn bà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gấp rút "gỡ nút thắt" giải ngân đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO