Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) cho biết, đơn vị này đã thực hiện khảo sát hơn 46.000 lượt doanh nghiệp với gần 148.000 chỗ làm việc. Trong số việc làm trên, nhu cầu nhân lực tập trung ở lĩnh vực thương mại - dịch vụ (chiếm 65,41% tổng nhu cầu), lĩnh vực công nghiệp - xây dựng (chiếm 33,63%) và nông, lâm, thủy sản (chiếm 0,96%). Nhu cầu nhân lực trình độ đại học trở lên chiếm 21,84%, cao đẳng chiến 18,46%, trung cấp chiếm 25,88%, sơ cấp chiếm 20,4%; nhu cầu lao động chưa qua đào tạo chiếm 13,42%.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế số nên hầu hết công việc đều đòi hỏi sự am hiểu về công nghệ, yêu cầu cao về kỹ năng. Do đó, người lao động cần chủ động trang bị kiến thức, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, kỹ năng cần thiết, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
Cũng theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, thống kê 6 tháng đầu năm 2022, nhu cầu nhân lực của thành phố tập trung chủ yếu ở khu vực dịch vụ - thương mại với hơn 114.000 việc làm, chiếm 77,18% tổng nhu cầu nhân lực; công nghiệp - xây dựng với hơn 33.000 chỗ làm việc, chiếm hơn 22,76% và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản với 89 chỗ làm việc, chiếm 0,06%.
Các doanh nghiệp chủ yếu có nhu cầu tuyển dụng người lao động ở 4 ngành công nghiệp trọng điểm gồm cơ khí; sản xuất hàng điện tử; chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống; hóa dược - nhựa - cao su và 9 ngành dịch vụ chủ yếu gồm thương mại; vận tải kho bãi; du lịch; bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông; tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; kinh doanh tài sản - bất động sản; thông tin tư vấn khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo; y tế. Tương tự, người lao động cũng muốn tìm việc ở lĩnh vực kinh doanh thương mại, hành chính - văn phòng, kế toán, nhân sự, marketing...
Về mức lương, đa số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng mức lương từ 5-10 triệu đồng/tháng (chiếm tới 55,87%) ở các vị trí như công nhân may, nhân viên thu mua, văn phòng, kế toán, kỹ thuật viên điện... Kế tiếp là mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng (chiếm 28,03%), mức lương dưới 5 triệu đồng (chiếm 6,48%) và mức lương từ 15-20 triệu đồng (chiếm 3,72%), mức lương trên 20 triệu đồng chiếm 5,90%.
Đa số người lao động muốn tìm việc trên 10 triệu đồng/tháng. Cụ thể, mức lương từ 5-10 triệu đồng chiếm 19,30%; từ 10-15 triệu đồng chiếm 26,08%; từ 15-20 triệu đồng chiếm 16,89%; trên 20 triệu đồng chiếm 35,89% với các vị trí nhân viên kinh doanh, bán hàng, trợ lý văn phòng, hành chính nhân sự, kỹ sư cơ khí, điện tử, nhân viên IT... Mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng chỉ chiếm 1,84% ở các vị trí như nhân viên tạp vụ, bán thời gian, thực tập sinh...
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trên cả nước có việc làm đạt 50,3 triệu người, tăng 417.000 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm tại các ngành cũng có sự thay đổi và có xu hướng tăng lên ở các ngành công nghiệp và dịch vụ.
Mặc dù dự báo thị trường lao động của cả nước trong 6 tháng cuối năm vẫn sẽ tiếp tục khởi sắc, tuy nhiên Tổng cục Thống kê cũng cho rằng Chính phủ cần chú trọng kiểm soát lạm phát, hạ nhiệt giá xăng dầu để ổn định an sinh xã hội, góp phần ổn định cuộc sống của người lao động, đặc biệt những người chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Đây là giải pháp quan trọng để thị trường lao động trong thời gian tới tăng trưởng bền vững.