1. Phân tích dữ liệu
Nghiên cứu cho thấy rằng, ngày càng có nhiều công ty đang sử dụng phân tích để tạo ra tăng trưởng. Các công ty như Microsoft, Uber và Blue Apron khai thác dữ liệu để cải thiện dịch vụ và hoạt động của họ. Và theo LinkedIn, lập luận mang tính phân tích là một trong những kỹ năng cứng được tìm kiếm nhiều nhất trên thị trường việc làm ngày nay. Biết cách tóm tắt tập dữ liệu, nhận biết xu hướng và kiểm tra giả thuyết có thể cung cấp cho bạn khuôn khổ phân tích để tiếp cận các vấn đề kinh doanh phức tạp và giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt.
“Sử dụng kết quả phân tích dữ liệu là một cách rất hiệu quả để tạo ảnh hưởng trong một tổ chức”, Giáo sư Jan Hammond của HBS - người giảng dạy khóa học trực tuyến Business Analytics cho biết. “Nếu bạn có thể tham gia một cuộc họp và những người khác có ý kiến, nhưng bạn có dữ liệu để hỗ trợ các lập luận và đề xuất của mình, bạn sẽ có ảnh hưởng”.
2. Kế toán - tài chính
Kiến thức kế toán có thể giúp ích cho sự nghiệp, ngay cả khi bạn không phải là người tập trung vào các con số. Nghe qua đây có vẻ là một chủ đề đáng sợ nhưng nó lại dễ tiếp cận hơn nhiều so với bạn tưởng tượng. Các khái niệm như dòng tiền và khả năng sinh lời giúp chúng ta hiểu được hiệu suất và tiềm năng của tổ chức. Biết cách đọc và diễn giải bảng cân đối kế toán là chìa khóa để truyền đạt kết quả tài chính.
Pankaj Prashant - một kỹ sư đã học khóa tài chính kế toán cơ bản của HBS cho biết, những nguyên tắc mà anh học được trong kế toán - tài chính đã giúp anh xây dựng nền tảng kỹ thuật và thăng tiến sự nghiệp của mình. Prashant nói: “Tôi đã theo dõi các báo cáo hằng năm của công ty mình và kiến thức kế toán mà tôi học được sẽ giúp tôi hiểu được hướng đi của doanh nghiệp trong tương lai. “Tôi cũng đã theo dõi một số công ty khác cho mục đích đầu tư và tôi nhận ra rằng tôi có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn với kiến thức tài chính nâng cao của mình”.
3. Đàm phán
Cho dù bạn chỉ mới bắt đầu sự nghiệp của mình hay đang là một nhà điều hành cấp cao, bạn nên trở thành một nhà đàm phán hiệu quả. Trong một báo cáo gần đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đàm phán được xác định là một trong 10 kỹ năng hàng đầu cần thiết để cạnh tranh trong thị trường việc làm những năm tới. Rèn luyện kỹ năng đàm phán không chỉ giúp bạn đảm bảo giá trị cho tổ chức của mình trên bàn thương lượng mà còn cho chính bạn khi yêu cầu tăng lương.
Không có cách tiếp cận chung nào để xây dựng một chiến lược đàm phán thành công. Theo Giáo sư Mike Wheeler của HBS - người dạy kỹ năng đàm phán, điều quan trọng là hãy sẵn sàng ứng biến và lập kế hoạch để suy nghĩ một cách chủ động và độc lập. Wheeler nói: “Tuy nhiên, hầu hết những người mà bạn đàm phán có thể có phong cách khác nhau, ít nhất là ở một mức độ nào đó. “Vì vậy, để thành công, bạn phải nhaỵ bén. Điều đó có nghĩa là phải linh hoạt hóa bản thân để bạn triển khai các kỹ năng khác nhau tùy thuộc vào tình huống và đối tượng mà bạn đang đối diện”.
4. Quản lý kinh doanh
Các kỹ năng quản lý mạnh về bản chất có tác động tới hiệu quả hoạt động của tổ chức. Một nghiên cứu gần đây của Gallup cho thấy các nhà quản lý chiếm 70% sự khác biệt trong sự gắn kết của nhân viên, nhấn mạnh sự cần thiết của các công ty trong việc phát triển những nhà lãnh đạo có thể thúc đẩy năng suất và tinh thần của nhóm. Đối với những nhà quản lý dày dạn và đầy tham vọng, biết cách dẫn dắt các cuộc họp và truyền đạt sự thay đổi của tổ chức là điều có giá trị. Điều quan trọng không kém là nhận thức được những sai lầm phổ biến mà các nhà lãnh đạo thường mắc phải.
Trong trường hợp của Monica Higgins - giám đốc khách hàng trong lĩnh vực quan hệ công chúng, tham gia khóa học trực tuyến Management Essentials là một cách để nâng cao kiến thức quản lý và phát triển một triển vọng mới trong vai trò của mình. Higgins nói: “Tôi nhận thức rõ về việc nhìn mọi thứ qua một ống kính lớn hơn, từ nhiều góc độ khác nhau. Tôi luôn là người thích đặt những câu hỏi sâu sắc, có tính học hỏi - trái ngược với việc đưa ra tuyên bố - và giờ đây tôi rất thích đóng vai người phản biện”.
5. Lãnh đạo
Cho dù bạn có giữ một vị trí quản lý hay không, thì kỹ năng lãnh đạo vẫn rất quan trọng đối với sự thành công tại nơi làm việc. Có sự khác biệt giữa lãnh đạo và quản lý. Trong khi quản lý tập trung vào việc thực hiện các quy trình, lãnh đạo tập trung nhiều hơn vào con người và tầm nhìn dẫn dắt sự thay đổi.
Ngoài việc trau dồi kỹ năng quản lý, việc xây dựng kỹ năng lãnh đạo của bạn có thể mang lại lợi ích trong bất kỳ ngành nghề nào. Từ việc học cách giữ bình tĩnh dưới áp lực thời gian đến phát triển phong cách lãnh đạo của riêng bạn, những kỹ năng này sẽ giúp bạn hiểu cách đưa tầm nhìn của mình vào cuộc sống và thiết lập thành công cho nhóm của bạn.
6. Giao tiếp hiệu quả
Trong bất kỳ bối cảnh kinh doanh nào, các chuyên gia dựa vào giao tiếp để phối hợp nỗ lực và hoàn thành các mục tiêu của tổ chức. Giao tiếp không hiệu quả, hoặc hoàn toàn thiếu sự giao tiếp, có thể gây ra thảm họa.
Cùng với việc phát triển các kỹ năng, một đóng góp lớn vào thành công trong lĩnh vực này là khả năng hiểu và thích ứng với phong cách giao tiếp của người khác. Các kỹ năng giao tiếp quan trọng khác bao gồm lắng nghe tích cực, đồng cảm và đọc ngôn ngữ cơ thể.
7. Trí tuệ cảm xúc
Một kỹ năng kinh doanh thiết yếu khác là trí tuệ cảm xúc và nghiên cứu cho thấy đây là một chỉ số hàng đầu về hiệu suất ở nơi làm việc. Theo một nghiên cứu gần đây của TalentSmart, 90% những người hoạt động tốt nhất có trí tuệ cảm xúc ở mức độ cao. Trí tuệ cảm xúc thường được chia thành 4 khái niệm: tự nhận thức, quản lý bản thân, nhận thức xã hội và quản lý mối quan hệ.
Tóm lại, kỹ năng này đề cập đến khả năng hiểu cảm xúc của bạn và cách chúng tác động đến các tình huống nhất định, cũng như khả năng nhận biết và ảnh hưởng đến cảm xúc của người khác. Bất kể ngành nghề hay vị trí của bạn, việc có nhận thức này về bản thân và những người xung quanh sẽ cho phép bạn kiểm soát nhiều hơn các tương tác của mình, cũng như giúp bạn và nhóm của bạn hoàn thành mục tiêu một cách hiệu quả.
8. Ra quyết định
Tất cả chuyên gia cần có kỹ năng ra quyết định mạnh mẽ để vượt qua những thách thức mà họ sẽ phải đối mặt tại nơi làm việc. Đối với những người làm việc trong lĩnh vực kinh doanh hoặc quản lý, nhu cầu về những kỹ năng này càng lớn hơn.
Xác định cách phân bổ nguồn lực, nhân viên nào thành lập nhóm và cách thực hiện một sáng kiến mới trong toàn tổ chức đều là những quyết định cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Với số lượng ngày càng tăng của các công cụ và tài nguyên có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu, các nhà quản lý có thể cung cấp cho các quy trình của họ những hiểu biết sâu sắc có giá trị để đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu, dẫn đến kết quả tốt hơn.
9. Mở rộng mạng lưới quan hệ
Mở rộng mạng lưới quan hệ là một kỹ năng kinh doanh quan trọng khác mà tất cả các chuyên gia nên thực hiện. Cho dù bạn đang tìm kiếm ý tưởng hoặc lời khuyên về một thách thức cụ thể hay muốn thay đổi nghề nghiệp, những người tạo nên mạng lưới chuyên nghiệp của bạn có thể hoạt động như một phần mở rộng kiến thức và kết nối của riêng bạn.
Nếu bạn muốn tận dụng tối đa mạng lưới của mình, hãy mở ra cơ hội để bước ra khỏi vùng an toàn và xây dựng các mối quan hệ mới. Sau khi có mạng lưới của mình, điều quan trọng là phải duy trì các mối quan hệ mà bạn đã hình thành và liên tục tìm ra những cách mới để mở rộng mạng lưới liên hệ.
(Theo Harvard Business Review Vietnam)