![]() |
Tốt nghiệp ngành thương mại Đại học Texas, Austin (Mỹ), Nguyễn Trần Quang có 16 năm học tập và làm việc tại Hoa Kỳ. Năm 1994, anh trở về Việt Nam, làm giám đốc điều hành Hennessy Vietnam, giám đốc kinh doanh của Công ty Triumph, chuyên gia tư vấn đào tạo Công ty Kodak Vietnam, giám đốc điều hành Golden Advertising.
![]() |
Với các doanh nghiệp trong nước, tên tuổi của anh gắn liền với những đợt vận động và quảng bá cho sự phát triển của một số thương hiệu như Dệt Thái Tuấn, Cà phê Trung Nguyên, Bia Saigon Special, Nước tăng lực Number 1, Tã giấy Binô, Sữa Elovi, Miss Saigon, Đồ hộp Hạ Long...
Nhiều người gọi anh bằng biệt danh “Ông thương hiệu” và hiện tại, ngoài vai trò là Chủ tịch HĐQT FutureOne, anh còn là thành viên HĐQT của Golden Communication Group. Cuộc trò chuyện thân tình của anh với Doanh Nhân Sài Gòn diễn ra tại “bản doanh” của FutureOne, vào một buổi chiều cuối năm 2007....
* Trước hết, xin chúc mừng FutureOne vừa có thêm loại quà tặng kim bản trống đồng Đông Sơn. Anh đã mất bao lâu để có sản phẩm này?
- Ý tưởng này chợt đến trong một lần tôi tìm mua trống đồng Đông Sơn để làm quà lưu niệm. Tìm hoài mà không thấy, mãi sau mới tìm ra một cái trống đồng con con, rất dễ thương nhưng lại làm bằng... bột đá! Có thể nói, ở Việt Nam, hầu như ai cũng biết đến trống đồng Đông Sơn, nhưng nếu hỏi tại sao nó lại là một biểu tượng văn hóa được sử dụng nhiều nhất thì ngoài các nhà sử học, nhà khảo cổ, rất hiếm người giải thích được.
Nếu hỏi thêm đã có ai tận mắt nhìn thấy và chạm tay vào trống đồng thật chưa thì câu trả lời cũng sẽ là chưa! Thêm một thực tế nữa, hiện nay có tới hơn 50% đồ lưu niệm của Việt Nam bày bán khắp nơi đều có sự pha tạp về nguồn gốc và ý nghĩa. Thật khó tìm những sản phẩm thuần văn hóa Việt.
![]() |
Tại buổi họp báo giới thiệu Hành trình tiếp thị hình ảnh Việt Nam |
* Hình như trong giới doanh nhân có một “nhận định” là làm văn hóa ở Việt Nam thì giống như làm từ thiện - tức không nên “mưu cầu” doanh thu. Anh thấy sao?
- Điều này có phần đúng trong tình hình hiện nay, nhưng tôi muốn lật lại vấn đề một chút. Nếu văn hóa và những cái đẹp của một dân tộc nào đó được chuyển tải thật hay, thật thuyết phục qua tiểu thuyết, phim ảnh, thời trang, âm nhạc thì bản sắc văn hóa của dân tộc ấy sẽ thu hút sự quan tâm của nhân loại.
Thực tế cho thấy, những quốc gia biết chuyển tải thông điệp văn hóa qua sản phẩm kinh doanh luôn là những địa chỉ hấp dẫn của thế giới. |
Thực tế cho thấy, những quốc gia biết chuyển tải thông điệp văn hóa qua sản phẩm kinh doanh luôn là những địa chỉ hấp dẫn của thế giới. Chẳng hạn, qua những truyền thuyết về người da đỏ và anh chàng cao bồi trên phim ảnh Mỹ, qua những câu chuyện về những chiến binh samurai huyền thoại của Nhật Bản, hay qua huyền thoại về những bí kíp võ công Thiếu Lâm của Trung Quốc... biết bao người đã say mê khám phá bản sắc văn hóa của những đất nước ấy.
* Những phiên bản thu nhỏ đầu tiên về trống đồng Đông Sơn của FutureOne đã xuất hiện trên thị trường. Phải chăng, cũng như kim tượng Trần Hưng Đạo, khách hàng mục tiêu của anh lần này vẫn là doanh nhân?
- Không hẳn thế. Ngoài doanh nhân, chúng tôi còn muốn giới thiệu sản phẩm này tới người dân và du khách quốc tế. Chúng tôi cố gắng tạo ra những sản phẩm tinh xảo, mang ý nghĩa văn hóa để doanh nhân Việt có thể tự hào khi dùng làm quà tặng cho đối tác, bạn bè quốc tế.
Mỗi sản phẩm không chỉ là quà tặng mà còn ẩn chứa những thông điệp. Nếu kim tượng Trần Hưng Đạo là biểu tượng doanh nhân Việt Nam đứng trước vận hội kinh tế toàn cầu thì kim bản trống đồng Đông Sơn là biểu tượng của tinh hoa văn hóa Việt Nam, của sự may mắn và quyền uy.
* Hình như với trống đồng Đông Sơn, anh còn có một tham vọng lớn hơn chứ không chỉ đơn thuần là giới thiệu một sản phẩm quà tặng?
- FutureOne đang triển khai một dự án mang tên “Huyền thoại Việt Nam” với tham vọng sẽ kéo dài trong nhiều năm và bắt đầu bằng chương trình “Huyền thoại Đông Sơn” trong quý I năm 2008. Chúng tôi đang liên kết các thương hiệu mạnh trong nước để cùng tôn vinh di sản văn hóa trống đồng qua sản phẩm của từng đơn vị.
Bằng sự sáng tạo, các doanh nghiệp liên kết sẽ giới thiệu sản phẩm của mình dựa trên những hoa văn, hình ảnh về thời đại văn minh đồng thau Lạc Việt đã được khắc họa trên trống đồng Đông Sơn. Hy vọng, việc làm này sẽ giúp chúng tôi vừa tạo ra một loạt sản phẩm mới, vừa quảng bá được hình ảnh của đất nước một cách hấp dẫn và rộng rãi.
Ý tưởng liên kết này xuất phát từ FutureOne, nhưng để thành công thì cần có sự cộng hưởng của rất nhiều thương hiệu. Hiện tại đã có sự ủng hộ của một số thương hiệu như Dệt Thái Tuấn, Gốm sứ Minh Long, Thời trang Sĩ Hoàng, Bút bi Thiên Long, Máy tính Nguyễn Hoàng, Thời trang Ninomaxx, White Palace...
Chương trình còn nhận được sự cổ vũ và hướng dẫn của ban cố vấn (giáo sư Trần Văn Khê, nhà sử học Dương Trung Quốc, giáo sư sử học Nguyễn Khắc Thuần, bà Tôn Nữ Thị Ninh và ông Phillipe Bouler - nhà đạo diễn Pháp đã góp phần rất lớn cho sự thành công của Festival Huế).
Đêm ra mắt các thương hiệu liên kết trong chương trình “Huyền thoại Đông Sơn” dự kiến diễn ra trước ngày giỗ tổ Hùng Vương năm nay tại Trung tâm Hội nghị White Palace, TP.HCM. Chương trình sẽ có sự tham gia của các thương hiệu mạnh Việt Nam và các công ty đa quốc gia cùng đại diện của các lãnh sự quán nước ngoài tại Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để chúng ta giới thiệu về nền văn hóa thời kỳ đồng thau của người Việt với bạn bè quốc tế.
* Tại sao lại là “Huyền thoại Đông Sơn”, thưa anh?
- Huyền thoại, truyền thuyết có thể được ví như những luồng gió mát thổi vào thơ ca, hội họa, âm nhạc, văn chương của mỗi dân tộc. Triết gia Nietzsche đã coi huyền thoại là chòm sao sáng làm nên bầu trời văn hóa... Riêng trống đồng Đông Sơn, mặc dù là di sản văn hóa vật thể chứ không phải là huyền thoại, nhưng chính những câu chuyện đã được khắc họa trên mặt trống, thân trống, đã mô tả một nền văn minh thời kỳ đồng thau. Và đây chính là nguồn cảm hứng vô tận cho những huyền thoại chưa được kể.
Trong dự án này, nếu có được sự cộng hưởng của những nhà làm nghệ thuật và người làm kinh doanh thì “Huyền thoại Việt Nam” sẽ đi rất xa và cả xã hội sẽ cùng được hưởng lợi.
![]() |
Trống đồng Đông Sơn - sản phẩm quà tặng mới nhất của FutureOne |
* Là thành viên sáng lập CLB Sáng tạo vì thương hiệu Việt, anh đã từng báo cáo với hơn 300 đại biểu Quốc hội về vấn đề “Thương hiệu Việt và hội nhập kinh tế” tại Hà Nội (2003), từng tham gia dự án “Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam” (2004) rồi tham gia sáng lập dự án “Hành trình tiếp thị hình ảnh Việt Nam” (2006)... Xin hỏi thật, đâu là “căn nguyên” của niềm đam mê bất tận này?
- Có thể nói thêm là “Huyền thoại Đông Sơn” và “Huyền thoại Việt Nam” cũng là hành trình tiếp thị hình ảnh Việt Nam! Văn hóa Việt Nam, sản phẩm Việt Nam, con người Việt Nam, lịch sử Việt Nam, niềm kiêu hãnh Việt Nam... đều là những “phạm trù” mà tôi rất muốn được tiếp thị với thế giới.
Từ rất lâu rồi tôi luôn nghĩ rằng nếu một quốc gia không có những thương hiệu mạnh thì nền kinh tế của quốc gia ấy sẽ bị lệ thuộc rất nhiều vào nước khác. Vốn là “dân” marketing nên các hoạt động của tôi đều tập trung vào vấn đề xây dựng những thương hiệu mạnh cho Việt Nam. Nếu không phấn đấu để có được những thương hiệu mạnh, tự tin đi ra thế giới thì Việt Nam sẽ chỉ là một nền kinh tế tiêu thụ với rất ít giá trị cộng thêm.
Tuy nhiên, nếu có nhiều thương hiệu mạnh mà lại chỉ hoạt động lẻ tẻ, rời rạc thì cũng không tạo ra sức mạnh lớn. Yếu tố mấu chốt để tạo sự bền vững cho nền kinh tế quốc gia chính là sự liên kết giữa nhiều thương hiệu mạnh. Và đây cũng chính là trăn trở của rất nhiều doanh nhân đã được “mổ xẻ” và tranh luận quyết liệt tại một hội thảo do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức ngày 13/10 vừa qua.
* Anh vừa nhắc đến Hội thảo “Doanh nhân Việt Nam: Một đội ngũ - Một tầm nhìn”. Là người tham gia xây dựng nội dung kiêm điều phối của hội thảo đó, anh nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng thông điệp thì rất hay, nhưng để thực hiện thì không đơn giản?
- Có lẽ chẳng có việc gì đáng làm mà lại dễ làm cả! Nhưng nếu đó là nhu cầu tất yếu để tạo sức mạnh chung khi hội nhập thì phải liên kết. Với những điều kiện thuận lợi như hiện nay, nhất là khi các doanh nghiệp Việt quyết tâm cùng nhau tìm phương thức hợp tác thì tôi tin là chúng ta sẽ làm được.
Thực tế cho thấy, so với những năm trước đây, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức rất rõ ý nghĩa của việc liên doanh - liên kết. Bằng chứng dễ thấy nhất của sự chuyển biến này là sự ra đời hàng loạt công ty cổ phần hay các hình thức khác nhau của việc sát nhập công ty.
![]() |
Tại Diễn đàn kinh doanh ASEAN |
* Nhưng sẽ làm thế nào để cùng đi ra thế giới, theo anh?
- Phải bắt đầu bằng việc nắm vững thông tin về thị trường thế giới để mỗi doanh nghiệp có thể thiết lập cho mình chiến lược kinh doanh và kế hoạch hành động phù hợp. Kế đến là cùng mượn sức nhau, liên kết với nhau để cùng đi. Doanh nhân Việt Nam đa số đều vừa học, vừa làm, sự trải nghiệm, vốn liếng, kỹ năng quản trị, kiến thức, tầm nhìn... đều có phần hạn chế so với doanh nhân thế giới.
Bù lại, họ luôn có sự nhanh nhạy, năng động và quyết liệt. Song, đôi khi nhanh quá lại dễ mất cái nhìn đường dài. Và cách điều chỉnh tốt nhất, theo tôi là mạnh dạn liên kết với doanh nhân thế giới, biết cách dùng người giỏi, đào tạo đội ngũ kế thừa và từng bước xây dựng những quy trình chuẩn mực.
* Nghe nói, quyết định trở về Việt Nam năm 1994 của anh là do tác động từ một... cuốn sách?
- Quả thật, tôi đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi một cuốn sách - cuốn Megatrends của Johnn Naisbitt. Cuốn sách đã dự báo về những xu hướng lớn trong thế kỷ XXI, qua đó xác định thế kỷ này sẽ là thế kỷ của châu Á. Cho đến giờ, phải nói rằng quyết định trở về của tôi khi ấy là chính xác.
* Nhìn lại những đóng góp của mình cho doanh nghiệp Việt Nam trong vai trò tư vấn và giảng dạy trong những năm qua, điều anh hài lòng nhất là gì?
- Tôi có thói quen là ít nhìn lại những gì đã làm mà chỉ quen nhìn tới. Phải nói thật rằng cũng chưa thấy có gì đáng hài lòng. Tuy nhiên, tôi luôn cảm thấy vui khi được anh em, bạn bè quý mến và sẵn sàng hỗ trợ mình trong con đường dài phía trước.
Tôi luôn bị ảnh hưởng bởi một câu nói mà không biết từ bao giờ đã nằm trong tâm khảm: “Nếu bạn không làm gì được cho cuộc đời thì hãy trồng một cây xanh để lại một ít bóng mát cho đời sau” |
Tôi luôn bị ảnh hưởng bởi một câu nói mà không biết từ bao giờ đã nằm trong tâm khảm: “Nếu bạn không làm gì được cho cuộc đời thì hãy trồng một cây xanh để lại một ít bóng mát cho đời sau”.
* Tôi tò mò muốn biết “Ông thương hiệu” sẽ tự “PR” về mình trong cuộc sống đời thường...
- Quả là một câu hỏi khó đây (cười). Tôi thích cuộc sống giản dị, thích tìm tòi, thử nghiệm những ý tưởng mới. Để giữ cho mình luôn có trạng thái vui vẻ cũng như lối sống tích cực, tôi tập thể dục. Tôi rất thích bơi, được bơi ở biển càng tốt.
Tóm lại, tôi luôn mê những gì liên quan đến sự sáng tạo. Những lúc căng thẳng (dù ít thôi), tôi thường tạm dẹp công việc qua một bên, chủ động thưởng cho mình những điều mình thích, ngủ một giấc hoặc đi đâu đó thật xa.
* Và hạnh phúc với anh là...?
- Được làm điều mà mình yêu thích mà vẫn được... trả tiền! (cười).
* Anh tự nhận mình là người thích hướng tới tương lai. Phải chăng, cái tên FutureOne cũng bắt nguồn từ sở thích này?
- Cái tên FutureOne bắt nguồn từ tham vọng mong muốn đem đến những thông tin hữu ích về xu thế của tương lai cho các doanh nhân để từ đó có thể hỗ trợ họ phát triển phù hợp và nắm bắt được mọi cơ hội kinh doanh.
FutureOne tự đặt cho mình hai nhiệm vụ chính là “đẩy” và “kéo”. Trong đó, “đẩy” tức là góp phần giới thiệu tinh hoa của văn hóa Việt Nam đến với thế giới qua những sản phẩm cụ thể (mà bước đầu là quà tặng cao cấp). Còn “kéo” là góp phần đem tinh hoa của thế giới về với Việt Nam qua những hội thảo liên quan đến vấn đề chiến lược kinh doanh như Thế giới phẳng, Đại dương xanh, Thực tế thương hiệu mạnh. Trong năm 2008, chúng tôi sẽ tổ chức một loạt hội thảo dành riêng cho doanh nhân, doanh nghiệp.
* Anh tin trong tương lai, FutureOne sẽ là...?
- Thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam trong việc tiếp thị niềm kiêu hãnh của người Việt qua những sản phẩm và đưa tri thức của thế giới (nhất là trong lãnh vực quản trị doanh nghiệp) đến với doanh nhân và lớp trẻ Việt Nam.
* Xin cám ơn anh.