Tính năng đo nồng độ oxy trong máu của Apple Watch có đáng tin?

QL| 30/09/2020 05:04

Việc quá quan tâm đến sự trồi sụt của chỉ số nồng độ oxy trong máu có thể khiến nỗi lo lắng của cả những người khỏe mạnh ngày càng tăng và đương nhiên sớm muộn cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trong những ngày đầu bùng nổ đại dịch Covid-19 có thể nhận thấy, khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn là những món hàng có sức tiêu thụ không hề nhỏ. Tuy nhiên, ngoài những sản phẩm này, các thiết bị đo nồng độ oxy trong máu (SPO2) cũng nhanh chóng trở nên thiếu hụt vì thiết bị này được xem như là “thước đo” cho thấy tình trạng trầm trọng của bệnh nhân Covid-19.

Tuy nhiên, những thiết bị đo độ bão hòa oxy trong máu dạng không xâm lấn và rẻ tiền vốn sử dụng những loại LED và diot quang để xác định cách các tế bào hồng cầu hấp thụ ánh sáng. Cách thức hoạt động của những thiết bị này thường phân biệt các tế bào được cung cấp oxy (vốn hấp thụ nhiều ánh sáng hồng ngoại hơn ánh sáng đỏ) với các tế bào không mang oxy (hấp thụ nhiều ánh sáng đỏ hơn). Sau đó, một thuật toán sẽ được ứng dụng để tính toán mức độ oxy có trong máu.

Thông thường, người khỏe mạnh có chỉ số SPO2 ở mức 90-100%. Với bệnh nhân Covid-19, chỉ số này thường sẽ bị suy giảm và có thể thấp hơn mức 80%. Chính vì yếu tố này mà việc đo kiểm chỉ số SPO2 ngay trên cổ tay thông qua các thiết bị đeo thông minh được xem như cách để người dùng trong thời buổi công nghệ theo dõi sức khỏe của mình.

Blood-Oxygen-1-JPG.jpg

Mẫu đồng hồ thông minh Apple Watch thế hệ mới với tính năng đo nồng độ oxy trong máu

Hiện tại, đã hơn 6 tháng khi cơn đại dịch gây chấn động toàn cầu. Việc các nhà sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng mạnh dạn quảng cáo về những lợi ích của việc bổ sung tính năng đo nồng độ oxy trong máu hiện tại cũng không phải là điều ngạc nhiên. Những thiết bị đeo nhỏ nhắn ngày càng thông minh, các loại cảm biến ngày càng rẻ và không “ngốn” nhiều pin cũng được xem là những yếu tố thu hút sự chú ý từ người dùng.

Có thể nói Apple Watch là một cái tên mới nhất trong cuộc chơi thiết bị đeo thông minh có khả năng đo nồng độ oxy trong máu. Được biết, Fitbit và Garmin trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 từng tung ra thị trường những thiết bị đeo có chức năng này nhằm xác định chứng ngưng thở khi ngủ. Apple tuy chậm chân hơn, nhưng hồi tuần trước khi tung ra chiếc đồng hồ thông minh Apple Watch Series 6 đã được nâng cấp đáng kể về khả năng đo nồng độ oxy trong máu.

Cụ thể hơn, Apple Watch Series 6 sử dụng 4 nhóm đèn LED xanh lá cây, đỏ và các LED hồng ngoại, kết hợp cùng 4 diot quang mà theo như hãng này cho biết sẽ hoạt động cùng thuật toán tùy chỉnh nâng cao để đo nồng độ oxy trong máu. Những cảm biến này được Apple tích hợp ngay mặt sau của chiếc smartwatch thế hệ mới và tiếp xúc trực tiếp với phần da mặt trên cổ tay để tự động theo dõi cả ngày cũng như trong lúc chủ nhân thiết bị đang say ngủ.

Theo bác sĩ - kỹ sư Steve Xu cũng là Giám đốc Y tế của Trung tâm Điện tử Tích hợp Sinh học tại Đại học Northwestern, việc chế tạo một máy đo nồng độ oxy tương đối đơn giản ngay cả đối với một dự án thiết kế kỹ thuật chưa tốt nghiệp. Tuy vậy, công việc này thực sự rất khó nếu muốn tạo ra một sản phẩm tốt đáng tin cậy về mặt lâm sàng.

Vậy với chiếc Apple Watch thế hệ mới nhất thì sao? Ngay tại thời điểm này, thật khó để đưa ra đáp án chính xác. Việc thiết kế các máy đo nồng độ oxy trong máu gặp phải không ít những vấn đề như sự khác biệt về màu da, chuyển động và cả việc đặt các cảm biến trên cổ tay.

Thông thường, các thiết bị chuyên dụng trong bệnh viện cũng như các thiết bị độc lập bán ở các cửa hàng thiết bị y tế đều được gắn/kẹp trên đầu ngón tay hoặc đôi khi là dái tai. Theo các chuyên gia, những vị trí này có những lợi thế nhất định so với vùng da mặt trên cổ tay do chứa nhiều mao mạch hơn, ít bị nhiễu tín hiệu hơn.

MzY5MTg1Nw-jpeg.jpg

Vì được đeo trên cổ tay nên tính năng đo nồng độ oxy trong máu vẫn gặp phải một nhược điểm quan trọng

Theo Steve Xu, cảm biến đo nồng độ oxy trong máu nếu đặt ở cổ tay sẽ còn phải đối mặt với một nhược điểm quan trọng. Đó chính là thiết bị phải dựa vào ánh sáng phản xạ, một phương pháp vốn dĩ kém chính xác hơn. Trong khi đó, nếu thiết bị đo được đặt ở các đầu ngón tay, phần da này đủ mỏng để ánh sáng xuyên qua và đương nhiên sẽ có độ chính xác hơn.

William McMillan - đồng sáng lập, Chủ tịch và Giám đốc Khoa học của Profusa - một công ty phát triển cảm biến sinh học có thể cấy ghép cũng cho rằng, bản thân ông sẽ không bao giờ đeo máy đo nồng độ oxy trong máu vào cổ tay. Theo ông, vùng cổ tay phải chịu quá nhiều chuyển động và điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đo liên tục.

Steve Xu cho rằng, Apple nên đưa ra những bằng chứng cho thấy độ chính xác của tính năng đo nồng độ oxy trong máu trên chiếc smartwatch thế hệ mới, chính là những chứng nhận đạt tiêu chuẩn về quy định thiết bị y tế từ FDA. Tuy vậy, giới chuyên gia cũng tỏ ra ít nhiều lạc quan về những nỗ lực của Apple trong việc ứng dụng thiết bị vào vài nghiên cứu sức khỏe như xem xét việc kiểm soát suy tim, hen suyễn và một nghiên cứu xem xét sự thay đổi nồng độ oxy trong máu là dấu hiệu cảnh báo sớm của Covid-19 và cúm.

Theo giới quan sát, các tên tuổi như Apple và Fitbit có quy mô lớn hơn rất nhiều so với hầu hết công ty thiết bị y tế. Không có nhiều công ty công nghệ ngoài "Táo khuyết", Fitbit và Samsung có thể triển khai một triệu thiết bị trên thế giới và quản lý dữ liệu đi kèm. Những nghiên cứu này rất đáng thực hiện và xem những tiên lượng sẽ như thế nào. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cần nhận ra rằng sẽ có không ít kết quả là báo động giả, cần phải sàng lọc.

Steve Xu khẳng định những thiết bị đeo thông minh ngày nay cho chúng ta biết nhiều hơn về sự dao động của độ bão hòa oxy trong máu. Tuy vậy, nếu tất cả chúng ta đều đeo những thiết bị này và lo lắng khi chỉ số SPO2 giảm xuống 92% thì khả năng gây lo lắng cho những người khỏe mạnh còn cao hơn nhiều so với những tác động lâm sàng, mà tại thời điểm này vẫn chưa được biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tính năng đo nồng độ oxy trong máu của Apple Watch có đáng tin?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO