Sân bay Long Thành không đơn thuần chỉ là kinh doanh thương mại

Lữ Ý Nhi| 24/10/2019 07:00

Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1 vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có phiên họp thẩm tra. Các ý kiến phát biểu đều thống nhất quan điểm cần thiết đầu tư xây dựng dự án sân bay Long Thành nhằm giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất và đón đầu cơ hội trở thành điểm trung chuyển quốc tế.

Sân bay Long Thành không đơn thuần chỉ là kinh doanh thương mại

Trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) - Johnathan Hạnh Nguyễn nhận định, việc đầu tư Cảng HKQT Long Thành trở thành điểm trung chuyển quốc tế đang được Đảng, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm. Hiện dự án đã được tách phần giải phóng mặt bằng để triển khai trước. Đây là lợi thế vì Cảng HKQT Long Thành được Nhà nước giao quỹ đất rất lớn để phát triển từ đầu và quy hoạch một cách tổng thể, bài bản cho cả ba giai đoạn liền mạch với công suất lên tới 100 triệu hành khách.

Việc quy hoạch sân bay quốc tế Long Thành đến nay cũng đã được tư vấn thiết kế hợp lý, hiệu quả, giảm thiểu được thời gian di chuyển của hành khách và chi phí vận hành. Tuy phát triển muộn hơn các sân bay lớn trong khu vực, nhưng sân bay Long Thành lại có đủ quỹ đất để mở rộng, nếu quy hoạch có tư duy bài bản, lãnh đạo có tầm nhìn xa, biết học hỏi và áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại sẽ sớm phát triển vượt bậc.

Với nhiều ý kiến cho rằng, việc thu hút nguồn vốn lên tới 5 tỷ USD để xây dựng Cảng HKQT Long Thành sẽ rất khó khăn. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho hay, dự án Cảng HKQT Long Thành với tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu được dự toán khoảng 4,78 tỷ USD. Trong quá trình làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế để thu xếp vốn cho dự án nhà ga quốc tế Cam Ranh, ông đã tiếp xúc với một số tổ chức tài chính như BNP Paribas, Credit Suisse, Lotte Group của Hàn Quốc và một số tổ chức tài chính của Mỹ... Sau khi nắm được thông tin sơ bộ về dự án Cảng HKQT Long Thành, các tổ chức tài chính này đều bày tỏ quan tâm và mong muốn được tài trợ cho dự án. Với dự kiến lãi suất vay khoảng 5,5%/năm từ các tổ chức tài chính nước ngoài, việc huy động số vốn vay cho dự án trong giai đoạn 1 là khả thi. Bên cạnh đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng đã làm việc với một số tổ chức tín dụng và hầu như đều mong muốn được tham gia tài trợ dự án Cảng HKQT Long Thành.

Việc xã hội hóa các công trình cảng hàng không cũng được đặt ra nhưng phụ thuộc rất nhiều vào mục tiêu, định hướng của Chính phủ về quốc phòng, an ninh và yêu cầu ổn định cơ sở hạ tầng. Qua tham khảo một số cảng hàng không ở các nước có quy mô tương tự Long Thành, đa phần các cảng này vẫn do Chính phủ hoặc Tổng công ty nhà nước đầu tư và vận hành. Ở Cảng HKQT Long Thành, thời gian đầu tư cả ba giai đoạn lên tới 20-30 năm. Chỉ khi chọn được một đơn vị nhà nước có tầm nhìn chiến lược, gắn lợi ích lâu dài của doanh nghiệp với sự phát triển cảng hàng không và của đất nước, mới có thể đảm bảo tất cả giai đoạn đầu tư tiếp theo được thực hiện đồng bộ, tập trung, tránh các xung đột lợi ích.

Một cảng hàng không có quy mô lớn, ngoài việc có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành hàng không, còn có ảnh hưởng gián tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của cả quốc gia. Cảng HKQT Long Thành còn là một cảng hàng không chiến lược có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống an ninh - quốc phòng của nước ta. “Ý thức được các vấn đề nêu trên, mặc dù tôi đã tổ chức xây dựng và vận hành thành công trong việc đầu tư nhà ga quốc tế Cam Ranh, nếu xem xét trên các yếu tố tổng thể về an ninh - quốc phòng và lợi ích của Nhà nước, tôi nhận thấy Nhà nước vẫn cần nắm giữ vai trò chủ đạo tại Cảng HKQT Long Thành”, ông Hạnh Nguyễn nói.

Hiện nay, ACV là đơn vị có hơn 95% vốn nhà nước. Nếu được giao làm chủ đầu tư dự án, Chính phủ vẫn có thể quản lý, điều hành, đưa ra những chiến lược, quyết sách ưu tiên cho các lợi ích về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng chứ không đơn thuần là hoạt động kinh doanh thương mại thuần túy. Cùng với khả năng của ACV, với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp lớn trong ngành hàng không trong nước và dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, Ông Johnathan Hạnh Nguyễn tin Việt Nam sẽ sớm có Cảng HKQT Long Thành có quy mô, chất lượng sánh ngang các nước phát triển và đủ sức cạnh tranh với cảng hàng không tại các nước lân cận. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sân bay Long Thành không đơn thuần chỉ là kinh doanh thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO