Nếu như Paul Doumer - toàn quyền Đông Dương giai đoạn 1897-1902, trong hồi ký nổi tiếng L’Indo-Chine française (Xứ Đông Dương), chỉ có thể nhắc đến những trận đánh khốc liệt đó qua những câu chuyện được nghe kể lại hoặc sách báo, thì bác sĩ Hocquard lại chính là người có mặt, nếm trải trực tiếp những cuộc giao tranh sinh tử và kể lại những trải nghiệm đắt giá ấy trong cuốn hồi ký Một chiến dịch ở Bắc Kỳ. Thế nhưng câu chuyện chiến tranh lại chỉ chiếm dung lượng không lớn. Câu chuyện chính, cũng là những điều giá trị nhất mà cuốn sách này đem lại cho người đọc, là những ghi chép thú vị, những tìm tòi khám phá, những hình ảnh độc nhất vô nhị về đất nước, con người Việt Nam.
Đến Việt Nam, bên cạnh túi đồ nghề y tế, Hocquard còn mang theo bên mình chiếc máy ảnh như một người bạn tri kỷ. Tác giả không để lỡ cảnh vật và con người tại vùng đất mới trên mỗi bước đường hành quân, hay những địa phương mà ông có thời gian lưu trú. Từ cảnh sắc, phong tục tập quán, tín ngưỡng, các làng nghề thủ công truyền thống đến con người, tổ chức xã hội, một số công trình kiến trúc quân sự và dân sự nổi tiếng một thời của xứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ... đều lọt vào đôi mắt quan sát tinh tường của một nhiếp ảnh gia tài tình. Nhờ đó, Hocquard để lại cho chúng ta những bức ảnh chụp đắt giá, những ghi chép thú vị, dựng lại một cách sống động đời sống của một thời đã xa, với những vàng son mà nay đã trở thành quá khứ, như điện Kính Thiên, quần thể chùa Báo Ân hay cung Bảo Định...
Sau khi về Pháp, năm 1892, Hocquard lấy nội dung và hình ảnh do ông chụp, cùng với nhà Librairie Hachette xuất bản thành sách mang tên Une campagne au Tonkin. Với những ghi chép và hình ảnh quý hiếm, cuốn sách này vẫn thường được giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam trích dẫn trong các công trình liên quan đến Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX.
Sau hơn một thế kỷ, cuốn sách nay đến tay độc giả Việt Nam một cách trọn vẹn dưới tên gọi Một chiến dịch ở Bắc Kỳ do Công ty Văn hóa Đông A kết hợp với Nhà xuất bản Văn Học phát hành, dựa trên ấn bản gốc in lần đầu năm 1892.
Dịch cuốn sách này là một việc khó. Vì dù trực tiếp trải nghiệm và ưa tìm tòi khám phá, bác sĩ Hocquard vẫn chỉ là một người Pháp lần đầu đến vùng đất Viễn Đông xa lạ, không tránh khỏi ghi chép của ông sẽ có những chỗ chưa thật chuẩn xác. Bởi vậy người dịch không chỉ cần có vốn ngôn ngữ, mà còn cần hiểu biết về lịch sử, văn hóa, phong tục để bổ khuyết cho nguyên tác. Với cuốn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, dịch giả Đinh Khắc Phách vừa chuyển ngữ, vừa thực hiện hệ thống chú thích tỉ mỉ, đem đến cho người đọc những kiến thức chuẩn xác, theo một cách thật công phu và nhọc nhằn: tất cả bản thảo đều được ông cụ viết tay, sau đó được người thân đánh máy và cháu gái, cũng là một dịch giả kiêm biên tập, hỗ trợ hoàn thiện bản thảo trước khi chuyển sang khâu biên tập của nhà xuất bản.
Cầm cuốn sách trên tay, có thể cảm nhận được tâm huyết của người làm sách. Một cuốn sách quý, được một dịch giả tận tâm chuyển ngữ, được biên tập tương đối chỉn chu, bổ sung thêm phụ bản 45 hình ảnh đều do bác sĩ Hocquard chụp, không có trong sách gốc. Việc in ấn cũng được kiểm soát chặt chẽ: mực in là mực vi sinh thân thiện với môi trường, ba trong số bốn phiên bản sách được phát hành in hai màu xanh, đen gần chuẩn với sách gốc - kết quả của một quá trình thử nghiệm và chọn lọc công phu. Ruột sách và bộ bưu thiếp tặng kèm (postcard) in bằng giấy mỹ thuật cao cấp để đảm bảo những hình ảnh xưa cũ được tái hiện chuẩn xác, sống động. Mọi chi tiết từ nhỏ nhất đều được cố gắng làm trọn vẹn để thể hiện sự trân trọng, tinh tế, thẩm mỹ. Với cuốn sách này, người làm sách đã cố gắng đem đến trải nghiệm hấp dẫn nhất cho người đọc: tìm lại những hình ảnh của đất nước ta một thời đã xa, trong một cuốn sách được thực hiện tận tâm và đẹp đẽ.