Tiết kiệm chi ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng từ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã

MH| 15/03/2022 06:00

Nhờ thực hiện tốt công tác quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương, pháp luật về sắp xếp đơn vị hành chính nên việc sắp xếp đơn vị hành chính ở đa số địa phương đã bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, quy trình và tiến độ theo kế hoạch, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.

Tiết kiệm chi ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng từ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, trong giai đoạn 2019-2021, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tổng cộng 48 nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong số 45 tỉnh, thành phố đã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2019-2021 thì đa số địa phương (30/45 tỉnh, thành phố) thuộc khu vực từ Thừa Thiên - Huế trở ra là có nhiều đơn vị hành chính được sắp xếp; 15 tỉnh, thành phố còn lại ở khu vực phía Nam có số lượng đơn vị hành chính được sắp xếp không lớn.

Đánh giá cụ thể hiệu quả của việc sắp xếp đơn vị hành chínhỦy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã tinh gọn được tổ chức bộ máy thông qua việc giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã và 429 cơ quan, tổ chức ở cấp huyện; đã rà soát, bố trí sử dụng những cán bộ, công chức có năng lực, trình độ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau sắp xếp và thực hiện tinh giản đối với những người không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; đã chủ động thực hiện sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Về ngân sách nhà nước, theo báo cáo của Chính phủ, đã tiết kiệm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019-2021 khoảng 2.008,63 tỷ đồng, trong đó giảm chi hoạt động của chính quyền cấp huyện, cấp xã là 1.132,63 tỷ đồng và giảm chi phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khoảng 876 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng do thời gian thực hiện còn ngắn nên ở một vài địa phương, tổng kinh phí tiết kiệm được do thực hiện sắp xếp chưa được thể hiện rõ do nguồn kinh phí tiết kiệm được chưa bảo đảm đủ cho việc chi các chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sắp xếp.

Về hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, theo báo cáo của các địa phương, sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cơ bản đạt kết quả tốt, bảo đảm các chỉ tiêu đề ra; đồng thời, công tác quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn đều được bảo đảm.

Về việc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022-2030, trên cơ sở tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021, Chính phủ có 4 kiến nghị, đề xuất về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 653 trong khi chưa có văn bản mới thay thế; việc sửa đổi các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, phân loại đô thị và sắp xếp đơn vị hành chính; việc kéo dài thời hạn đánh giá lại phân loại đô thị từ 5 năm thành từ 5-10 năm đối với các đơn vị hành chính đô thị và việc xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiết kiệm chi ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng từ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO