Thương chiến Mỹ - Trung đẩy châu Á bị đẩy vào thế chọn phe
Căng thẳng thương mại ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang làm gia tăng áp lực chiến lược đối với các quốc gia Đông Nam Á, vốn từ lâu duy trì chính sách cân bằng và trung lập với cả hai siêu cường. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các bộ trưởng thương mại trong khu vực, bối cảnh phân cực mới đang khiến việc giữ vị thế trung dung trở nên ngày một mong manh.
Trong bối cảnh Washington vừa tái áp đặt các mức thuế trừng phạt mới đối với công nghệ từ Trung Quốc, đặc biệt là chất bán dẫn, các nền kinh tế phụ thuộc mạnh vào xuất khẩu trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu, như Malaysia và Việt Nam, đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Bộ trưởng Thương mại Malaysia Tengku Zafrul Aziz thẳng thắn cho biết: “Chúng tôi phải đối mặt với thực tế rằng thuế quan mới có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến năng lực xuất khẩu chip, vốn là một trong những trụ cột tăng trưởng của Malaysia”.
Ông cũng xác nhận đang dẫn đầu các cuộc tham vấn với phía Mỹ để đảm bảo tiếng nói chung của ASEAN được lắng nghe trong các vòng đàm phán.

Đáng chú ý, các nước trong khu vực cũng đang đối diện với sức ép ngày càng rõ ràng từ Bắc Kinh. Trong khi Mỹ đẩy mạnh việc hình thành liên minh công nghệ và thương mại với các quốc gia đối tác thông qua các sáng kiến như IPEF, thì Trung Quốc cũng gia tăng mức độ hiện diện ngoại giao và kinh tế. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã liên tục thực hiện các chuyến công du cấp cao tới Đông Nam Á, khẳng định thông điệp rằng Bắc Kinh mong muốn duy trì một trật tự thương mại “không bị chính trị hóa”.
Tình thế giằng co đó buộc các nhà hoạch định chính sách trong khu vực phải đối mặt với câu hỏi mang tính sinh tử: liệu họ có thể tiếp tục duy trì chiến lược “đứng giữa” khi hai cực quyền lực toàn cầu đang định hình lại cấu trúc thương mại khu vực theo hai hướng khác biệt? Bộ trưởng Thương mại Singapore Gan Kim Yong cho rằng “chiến lược trung lập từng là điểm mạnh của ASEAN, nhưng trong bối cảnh ranh giới chính trị - kinh tế bị xóa nhòa, vị thế đó đang bị thử thách”.
Việt Nam, quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và là điểm đến của nhiều dòng vốn chuyển dịch khỏi Trung Quốc, cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.
Mặc dù hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam cũng đối mặt với nguy cơ trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại từ Mỹ, nếu bị cho là nơi “lách thuế” gián tiếp cho hàng hóa Trung Quốc.
Ở góc độ địa chính trị, các quốc gia Đông Nam Á đang theo dõi sát diễn biến trước Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC sắp diễn ra, nơi dự kiến có sự tham dự của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.
Hội nghị này không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn là dịp thể hiện lập trường chiến lược của khu vực trong việc thiết lập một trật tự thương mại đa cực, thay vì bị buộc phải chọn một bên.
Dù Mỹ tỏ thiện chí khi đề nghị thời gian 90 ngày để tái khởi động đàm phán, các chuyên gia cảnh báo rằng cơ hội này sẽ không kéo dài mãi mãi. ASEAN cần tận dụng tối đa “khoảng trống chiến lược” để thúc đẩy một giải pháp trung gian, duy trì lợi ích kinh tế mà không đánh mất độc lập chiến lược.
Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước thành viên và một tầm nhìn dài hạn vượt lên trên tính toán lợi ích ngắn hạn.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể là cuộc chơi giữa hai siêu cường, nhưng hệ quả của nó đang được chia đều cho toàn bộ khu vực châu Á. Trong đó, Đông Nam Á với vai trò là tâm điểm của dòng chảy thương mại và công nghệ không thể tiếp tục “đứng ngoài cuộc”.