Thuốc lá điện tử: Tranh luận chưa có hồi kết

Mỹ An| 16/12/2019 08:30

Tranh luận xung quanh việc sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) thay cho thuốc lá truyền thống vẫn chưa có hồi kết, khi gần đây, một loại bệnh phổi mới phát sinh từ việc sử dụng thuốc lá điện tử được phát hiện.

Thuốc lá điện tử: Tranh luận chưa có hồi kết

Hậu quả từ thuốc lá điện tử… dỏm

Kể từ tháng 7/2019, một loại bệnh phổi bí ẩn liên quan đến việc sử dụng TLĐT tại Mỹ đã khiến hơn 2.200 người mắc bệnh và 48 người tử vong. TLĐT sau đó nhanh chóng bị cấm tại San Francisco; đến tháng 9/2019, Massachusetts cũng ra lệnh cấm tương tự. Tiếp đó, lệnh cấm các sản phẩm TLĐT cũng được áp dụng ở Michigan, đảo Rhode và New York.

Tuy nhiên, có một vấn đề: Lệnh cấm này được áp dụng đối với TLĐT có nicotine. Nhưng các nhà nghiên cứu lại phát hiện ra rằng, loại bệnh phổi này là hậu quả của vitamin E acetate - thành phần chủ yếu được tìm thấy trong TLĐT bán tại chợ đen có chứa THC - hóa chất hoạt động tâm thần chính có ở cần sa.

Do đó, bà Amy Fairchild - Trưởng khoa Y tế công cộng thuộc Đại học bang Ohio, và các đồng nghiệp cho rằng, các nhà hoạch định chính sách, vì quá vội vàng trong việc giải quyết tình trạng bệnh phổi gia tăng và sử dụng TLĐT ở tuổi teen, có thể khiến hàng triệu người hút thuốc lá trưởng thành mất cơ hội tìm kiếm giải pháp thay thế thuốc lá truyền thống. Bởi trước đó, thuốc lá điện tử được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ giúp cai thuốc lá truyền thống, giúp người hút thuốc thoả mãn cơn nghiện nicotine mà không phải tiếp xúc với những độc tố chết người có trong thuốc lá.

Trên thực tế, thuốc lá tước đi mạng sống của gần 500.000 người Mỹ mỗi năm. Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ, hút thuốc gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ hơn 300 tỷ USD mỗi năm, do chi phí chữa bệnh và năng suất lao động suy giảm.

Những rủi ro trên rất phổ biến, trong khi hậu quả lâu dài lên sức khỏe của người dùng TLĐT lại không rõ ràng như vậy. TLĐT chắc chắn không vô hại, vì chúng vẫn chứa nicotine - chất gây nghiện cao, và có thể bao gồm hương liệu độc hại, kim loại nặng, hóa chất gây ung thư.

Dẫu vậy, thay vì chờ đợi một sản phẩm "hoàn toàn an toàn" để thay thế thuốc lá, các chuyên gia đề nghị, hãy cho phép người hút thuốc chọn những sản phẩm "ít độc hại hơn".

Chẳng hạn, thuốc lá làm nóng cũng đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho phép lưu hành từ tháng 4/2019.

Ngoài ra, trong một nghiên cứu năm 2019 được tiến hành tại Anh, bà Fairchild đã chứng minh TLĐT có hiệu quả hơn các phương pháp khác trong việc giúp bỏ thuốc lá. TLĐT cung cấp nicotine hiệu quả hơn, vì vậy nó đáp ứng "cơn thèm thuốc" tốt hơn so với viên ngậm hoặc thuốc. Người dùng cũng thích các hương vị của TLĐT bởi trải nghiệm thú vị hơn.

Cần siết chặt quản lý

Hiện, trong khi tỷ lệ hút thuốc ở tuổi teen Mỹ ở mức thấp kỷ lục thì tỷ lệ sử dụng TLĐT ở tuổi teen lại tăng vọt. Khảo sát Thuốc lá Thanh niên Quốc gia 2019 của Mỹ cho thấy, hơn 5 triệu thanh thiếu niên sử dụng TLĐT, thường là mỗi ngày.

Link bài viết

David Abrams - chuyên gia y tế công tại Đại học New York nói: "TLĐT chất lượng cao và thực sự hấp dẫn sẽ là một sự thay thế hiệu quả cho thuốc lá truyền thống, nhưng nó cũng sẽ gây nghiện và hút thanh thiếu niên hơn".

Tiến sĩ Carrie Wade - Giám đốc Phân khoa Giảm thiểu Tác hại, Viện Nghiên cứu R Street - cho biết, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc các cơ quan sức khỏe cộng đồng nhìn nhận các sản phẩm công nghệ mới như TLĐT có thể giúp giảm thiểu tác hại hơn rất nhiều. 

Các cơ quan quản lý ở cả Anh và Mỹ đều đồng ý rằng các sản phẩm thế hệ mới này giảm thiểu tác hại trung bình khoảng 95% so với thuốc lá truyền thống. Vì vậy, quan điểm giảm thiểu tác hại hoàn toàn có thể được ứng dụng trong ngành hàng thuốc lá.

"Tuy nhiên, chúng tôi đang đề nghị một số chính sách ngăn chặn sự tiếp cận của giới trẻ tới tất cả sản phẩm thuốc lá, trong đó gồm nâng độ tuổi hợp pháp để sử dụng sản phẩm thuốc lá từ 18 lên 21 tuổi, đồng thời tăng cường quản lý chặt chẽ hệ thống các điểm bán hàng nhằm tránh khả năng tiếp cận của giới trẻ để bảo vệ họ. Đây là hai trong số các phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa sự tiếp xúc của họ" - Tiến sĩ Carrie Wade nói.

Về phương án kiểm soát toàn diện với TLĐT, Tiến sĩ Carrie Wade nhấn mạnh tới cách tiếp cận của các cơ quan quản lý nhà nước.

Ví dụ, tại Anh, Bộ Y tế tuyên truyền các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như TLĐT, thuốc lá làm nóng… là sản phẩm giúp hỗ trợ cai nghiện thuốc lá điếu, và quản lý cách tiếp thị, bán hàng của các sản phẩm này sao cho không hấp dẫn giới trẻ. 

Trong khi đó, Mỹ lại có cách tiếp cận hoàn toàn khác khi mọi thông tin truyền thông đều tập trung vào vấn đề giới trẻ, và rằng sản phẩm này không dành cho giới trẻ, nhưng vô hình trung càng khiến cho sản phẩm này trở nên rất hấp dẫn đối với chúng hơn.

Một trong những mối quan tâm lớn nhất đối với việc cấm các loại hương liệu TLĐT là có thể khiến người dùng tự bào chế hương liệu riêng tại nhà, dẫn tới rủi ro lớn hơn từ các sản phẩm "thủ công" này. Như vậy, vai trò của nhà quản lý là làm thế nào để mọi người hiểu rõ tác hại của việc tự bào chế hương liệu tại nhà (bởi đây chính là nguyên nhân dẫn tới "đại dịch" về sức khỏe cho người dùng vừa xảy ra tại Mỹ).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thuốc lá điện tử: Tranh luận chưa có hồi kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO