Thuật dụng ngôn: Sức mạnh của ngôn từ

THANH XUÂN| 10/11/2014 00:17

Một người lãnh đạo không làm chủ được ngôn ngữ thì không thể lãnh đạo người khác tốt được. Trên thương trường đầy sóng gió, có những người chỉ nhờ cách nói mà trong phút chốc chuyển bại thành thắng, biến mất thành được.

Tài ăn nói chính là việc bạn có thể diễn đạt một cách độc lập, đối đáp một cách tự nhiên, thoải mái.

Lấy cảm hứng từ Tứ Thư, bộ sách kinh điển trong kho tàng tri thức của nhân loại, tác giả Hòa Nhân cho ra đời bộ sách Tứ thư lãnh đạo, cung cấp kiến thức về bốn yếu tố rường cột để tạo nên một nhà lãnh đạo xuất sắc. Bộ sách được chia thành 4 tập, bao gồm: Thuật dụng ngôn, Thuật lãnh đạo, Thuật quản trị Thuật xử thế.

Thuật dụng ngôn - một trong các cuốn sách hay nên đọc để thành công, vì nó sẽ giúp bạn trở thành một người lãnh đạo có tài ăn nói, diễn thuyết, phản biện, từ đó thu phục được nhân tâm và làm nên việc lớn.

Dưới đây trích lược một phần trong cuốn Thuật dụng ngôn:

Nói trước đám đông

Lời phát biểu khai mạc hội nghị rất quan trọng. Khi phát biểu, người lãnh đạo phải tìm cách cuốn hút người nghe, chứ đừng để người nghe có cảm giác gượng ép, bắt buộc phải nghe.

Bạn nên chuẩn bị trước một bài giới thiệu ở trong đầu hoặc ghi ra giấy. Cần sắp xếp nội dung sẽ trình bày một cách khoa học.

James Zumwalt là diễn giả rất nổi tiếng ở Mỹ. Ông tự thừa nhận rằng lần đầu đứng trước đám đông nói chuyện, hai đầu gối của ông cũng run lên cầm cập.

Cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln mỗi khi bắt đầu bài diễn thuyết cũng đều cảm thấy có chút sợ sệt. Luật sư nổi tiếng William Henry Herndon, một người bạn của Lincoln nói: “Mỗi khi bắt đầu, ông ấy dường như đều không biết phải làm gì cả, rất khó khăn, chật vật. Những lúc như vậy, tôi rất thông cảm với Lincoln. Mỗi khi ông ấy bắt đầu lên tiếng, tiếng nói rất khó nghe, tư thái kỳ lạ, mặt mũi nhăn nhó, động tác cũng rất khó hiểu, may là những việc này chỉ diễn ra trong chốc lát. Một lúc sau, ông ấy trấn tĩnh lại, khi đó mới thật sự bắt đầu được”.

Là một người lãnh đạo, bạn cần phải nỗ lực nâng cao khả năng ăn nói của mình bằng những cách sau đây:

Khi có nhiều nội dung phải trình bày, bạn cần sắp xếp rõ vấn đề nào là chính, vấn đề nào là phụ.

Việc nắm vững những nội dung phát biểu rất quan trọng. Chỉ khi nắm được nội dung, bạn mới có thể có được cái nhìn tổng quát về vấn đề, từ đó phân tích và giải quyết vấn đề một cách xác đáng.

Để bài phát biểu đạt hiệu quả tốt nhất, người phát biểu phải có giọng nói, tư thế sao cho có thể rút ngắn khoảng cách giữa người nói và người nghe, tăng thêm hứng thú cho người nghe.

Khi gặp một ý kiến bất đồng, phải lắng nghe lý do, khi không thể đưa ra những lập luận trái chiều hoặc bác bỏ vấn đề đó thì không thể phủ định ngay ý kiến đó, mà cần một thái độ tích cực thương lượng để tìm ra một giải pháp thích hợp nhằm giải quyết vấn đề.

Link bài viết

Chúng ta vẫn thường nói việc phát biểu cần chú ý có chừng mực, thời lượng vừa phải.

Người lãnh đạo mỗi khi phát biểu, cho dù là yêu cầu, phân công công việc, hay phê bình người khác đều phải chú ý ngữ điệu và thái độ của mình để tránh dẫn đến hiểu lầm, phản cảm cho người khác.

Khi phê bình cần phải chỉ ra tính quan trọng của vấn đề, phê bình một cách nghiêm túc, nhưng không nhất thiết phải cao giọng, to tiếng. Từ ngữ chua ngoa, thái độ thô bạo, thậm chí nói lời làm tổn thương người khác, châm biếm, chế giễu người khác chắc chắn sẽ dẫn đến mâu thuẫn với đối phương, không thể giúp giải quyết vấn đề.

Trong cuộc họp, mỗi khi thảo luận vấn đề, có thể nảy sinh những hiện tượng như nói ngoài chủ đề chính, có sự bất đồng về quan điểm hay tranh luận về những điều vô nghĩa. Người chủ trì cần biết đặt câu hỏi, dẫn dắt tích cực, biết cách phát hiện và đặt ra vấn đề từ những góc độ khác nhau.

Việc thật tâm lắng nghe ý kiến của người khác là sự thể hiện của việc phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ của quần chúng, tôn trọng người khác.

Nghe nhiều tất sẽ hiểu. Người chủ trì nên tạo điều kiện cho mọi người phát biểu ý kiến, không được tự tiện ngắt lời người khác.

Trong nghiên cứu, thảo luận vấn đề, mỗi khi ý kiến của bạn không được mọi người đồng tình, người chủ trì nên dựa vào lý luận, đưa ra những luận điểm xác đáng để chứng minh cho quan điểm của mình. Cần thuyết phục người khác bằng sự thật, bằng chân lý, vận dụng những sự việc, số liệu có thể tin cậy.

Bạn cần phải học cách tránh được việc xảy ra xung đột với người khác, không ép buộc người khác chấp nhận quan điểm của mình.

Thêm gia vị cho cuộc trò chuyện

Sự hài hước trong cuộc sống có thể chỉ là ngẫu hứng, cũng có thể là phải suy nghĩ để tạo ra. Tuy nhiên dù thế nào thì nó cũng là một hình thức quan trọng trong giao tiếp hàng ngày.

Những lời nói dí dỏm, hài hước có thể phát huy được sự thông minh của cả hai bên trong quá trình giao tiếp.

Một diễn viên già người Mỹ tóc đã bạc trắng, khập khiễng với đôi nạng bước lên sân khấu. Nhìn thấy ông như vậy, ắt hẳn nhiều người sẽ không khỏi lo lắng, do đó người dẫn chương trình ngay khi mở đầu đã hỏi: “Ông có thường xuyên đi khám ở bệnh viện không?” “Có chứ. Tôi vẫn đi thường xuyên” “Vì sao vậy?” “Vì nếu bệnh nhân không đi khám bệnh thì bác sĩ chết đói chứ sống làm sao được”.

Ngay lúc đó, khán giả đã dành một tràng pháo tay rất lớn cho ông.

Người dẫn chương trình hỏi tiếp: “Ông có thường đi mua thuốc không?” “Có chứ! Tôi rất hay đi mua thuốc vì ông chủ hiệu thuốc đáng được sống tiếp”. Nghe vậy cả hội trường lại tiếp tục vỗ tay tán thưởng.

“Ông có hay uống thuốc không?” “Không, tôi thường vứt thuốc đi bởi vì tôi cũng muốn sống tiếp”.

Trong không khí sôi nổi như vậy, khán giả sẽ không thể mệt mỏi hay buồn ngủ được, còn người dẫn chương trình và cách pha trò dí dỏm của anh ta thì thật xuất sắc.

Người lãnh đạo khi đàm phán, trao đổi muốn dùng hài hước để tạo không khí thì cần chú ý rằng, chỉ cần sơ suất sẽ khiến cho hài hước trở thành lời châm biếm, đả kích.

Để bồi dưỡng khiếu hài hước bạn cần:

Tăng cường kiến thức và cách biểu đạt khác nhau.

Vun đắp thêm tinh thần lạc quan và thái độ nhiệt tình, tin yêu trong cuộc sống.

Bồi dưỡng và nâng cao năng lực của bản thân, đặc biệt là việc nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ. Ngoài ra, cần chú ý góp nhặt những câu chuyện cười, những điều hài hước trong cuộc sống làm vốn riêng của mình.

Sự hài hước không phải là thứ mà con người từ khi sinh ra đã có. Nó là sự kết tinh của trí thông minh, khả năng sáng tạo và độ nhạy cảm.

Chúng ta ai cũng thích nghe những câu chuyện hài hước, vì nó mang lại tiếng cười, tăng thêm sự sảng khoái cho cuộc sống. Tuy nhiên kể chuyện cười không phải là cách giao tiếp thông thường, nó có những điều cấm kỵ riêng:

Không lặp lại nhiều lần một trò hài hước; Kể chuyện cười không nên miễn cưỡng; Tránh nói những câu khẳng định trước khi kể chuyện, ví dụ như “Đây là một câu chuyện vô cùng thú vị, hài hước, chắc chắn mọi người sẽ cảm thấy buồn cười ngay”; Không nên cười trước; Không nên kể những câu chuyện châm biếm.

Dùng cách nói hài hước để khen ngợi người khác chính là biết cách tạo niềm vui nhỏ trong niềm vui lớn.

Nghe nói, Napoléon khi xem opera trong rạp và nhìn thấy nhạc sĩ nổi tiếng Rossini đang ngồi ở một ghế khác liền yêu cầu người phục vụ mời ông ta đến. Rossini vội vàng đến bên ghế của Napoléon và quỳ xuống tạ lỗi: “Thưa Đức vua, thần không vận lễ phục đến gặp ngài, thần thật bất kính”. Napoléon liền đáp lại bằng một câu nói khiến hết thảy mọi người đều kinh ngạc: “Người bạn của tôi, giữa những ông vua với nhau đâu có tồn tại lễ nghĩa!”. Cũng từ đó về sau mà Rossini được gọi là “ông vua âm nhạc”.

Con người luôn có một phần tâm hồn vui vẻ, đó là một bài thuốc từ thuở lọt lòng có thể chữa được nhiều chứng bệnh tâm lý.

Có rất nhiều hình thức hài hước như trào phúng, nói bóng nói gió, râu ông nọ cắm cằm bà kia, chơi chữ… Nếu vận dụng đúng sẽ có tác dụng kỳ diệu.

Một vị diễn giả khi nói đến tác hại của việc uống rượu không kìm được liền hét lớn: “Tôi nghĩ việc nên làm nhất là hãy đổ hết rượu xuống đáy đại dương!”. Có người nghe vậy liền nói: “Tôi đồng ý”.

Người diễn giả này càng kích động hơn: “Vâng, rất hoan nghênh ông, tôi nghĩ ông là một vị học giả rất giàu tinh thần hy sinh. Xin hỏi hiện nay ông đang làm gì?” “Tôi là thợ lặn biển!”.

Muốn nói giỏi trước tiên phải lắng nghe

Tục ngữ có câu “Giỏi làm người nói thì sẽ giỏi làm người nghe”. Đối với những người hiểu chúng ta, nghiêm túc nghe chúng ta nói, chúng ta thường sẽ giữ trong lòng một tình cảm tốt.

Do vậy, nếu như bạn muốn người khác có tình cảm tốt với mình thì nên nghiêm túc lắng nghe họ nói chuyện. Như vậy người ta sẽ thấy rằng bạn là người hiểu biết, từ đó sẽ có cảm tình và tin tưởng bạn hơn.

Nếu như bạn hy vọng mình có thể trở thành một người giỏi ăn nói, thì trước tiên hãy làm một người biết lắng nghe. “Muốn làm cho người khác cảm thấy thích bạn thì đầu tiên hãy làm cho người ta cảm thấy hứng thú”. Hãy hỏi anh ta những vấn đề mà anh ta thích trả lời, khuyến khích anh ta nói về bản thân mình và những thành tựu của chính anh ấy.

Nghe người ta nói cũng đồng nghĩa với việc làm người ta vui; việc chăm chú nghe một người nói chuyện, cũng giống như bạn đang ra hiệu với anh ta rằng: “Câu chuyện của bạn rất có giá trị, bạn là một người rất đáng để kết giao”.

Bạn nhìn vào đối phương lúc họ đang nói chuyện chính là cách biểu thị hứng thú thật lòng của bạn đối với câu chuyện của anh ta.

Khi câu chuyện của anh ta đang kể rất buồn cười, bạn đừng bao giờ ngần ngại mà hãy mặc sức cười. Khi bạn tán thành ý kiến của anh ta thì đừng quên gật đầu nhẹ. Tóm lại, bạn phải thể hiện được bạn đang quan tâm đến những lời anh ta nói.

Việc chú ý lắng nghe ở đây không chỉ là việc dùng tai để nghe mà còn phải dùng toàn bộ cơ thể để lắng nghe người nói, không chỉ tiếp nhận âm thanh của lời nói mà còn phải lý giải ý nghĩa của câu chuyện.

Sau khi áp dụng thái độ chú ý lắng nghe, người nghe còn phải tiến hành lý giải một cách linh hoạt nội dung câu chuyện mà người nói nói đến.

Hãy lắng nghe, nhưng không phải là dùng đôi tai mà là dùng chính trái tim của mình. Nếu như tâm không nghe thấy thì cả đôi tai cũng chỉ ngập tràn tiếng ồn.

Hãy giống như một thám tử tài ba, giỏi suy đoán, phân tích tất cả những lời nói của đối phương, hãy phán đoán xem điều anh ta thật sự muốn nói là gì.

Nói tóm lại, mỗi chúng ta đều nên học tập phương pháp “thăm dò người khác qua lời nói sắc mặt” trong khi lắng nghe, cố gắng hết sức để thu thập và lợi dụng những thông tin không phải ngôn ngữ thông thường này, những điều này sẽ giúp chúng ta trong việc phân tích và đưa ra quyết sách trong cuộc đàm phám.

Để mọi người thực lòng nghe theo

Bất kỳ người nào cũng có giá trị tồn tại của họ. Con người có tâm lý muốn được thừa nhận và tin tưởng. Bởi vậy, khi thuyết phục người khác, cần phải chú ý đến việc thừa nhận giá trị của đối phương.

Thừa nhận giá trị cũng như “khen ngợi” người khác là một việc làm cần thiết, điều đó có sự khác biệt so với việc “nịnh hót”.

Thường ngày, bạn nên chú ý tới những ưu điểm cũng như giá trị của người khác, hơn nữa hãy nhớ kỹ rằng: người giỏi khen ngợi cũng chính là người giỏi thuyết phục.

Trong quá trình thuyết phục, sự xuất hiện “lực cản” là một chuyện rất bình thường.

Mọi người không mua hàng của những nhân viên bán hàng nguyên nhân quan trọng nhất chính là họ không thích những người đó.

Trong tình huống đối phương không thích bạn, bạn vẫn có thể xây dựng tình cảm thân thiết với họ. Bạn có thể thông qua một số phương thức phi ngôn ngữ để biểu đạt.

Ngoài ra, phương pháp tốt nhất để đối phương tín nhiệm bạn chính là bản thân bạn phải có lời nói đi đôi với việc làm. Đối đãi với đối phương bằng lòng chân thành chính là phương pháp tốt để lấy được lòng tin.

Trong quá trình nói chuyện, nhìn từ tâm lý của một người bình thường, những lời nói chướng tai thường khiến người khác cảm thấy phản cảm.

Xuất phát từ hiệu quả, áp dụng cách thuyết phục “thuận tai”, đón ý sở thích của người khác, khiến đối phương chấp nhận lời khuyên mà không phải nghĩ ngợi gì, đó mới chính là thuật thuyết phục cao.

Có một tổng biên tập nổi tiếng vì biệt tài mời những doanh nhân bận rộn viết bài cho tạp chí của mình. Đối với những lời khước từ như “bây giờ tôi rất bận, e rằng không giúp được”, ông có cách ứng phó rất hữu hiệu. “Đương nhiên tôi biết anh bận. Nhưng chính vì anh là một người bận rộn, nên tôi mới mời anh viết bài trên tạp chí của chúng tôi. Đối với những người không có việc gì để làm, tôi lại không dám mong đợi sẽ có những tác phẩm hay”.

Có một số người rất nhanh chóng chiếm được cảm tình của người khác, cho dù chỉ mới lần đầu gặp mặt. Lý do không phải vì họ có tài giao tiếp xuất chúng mà nhiều khi cũng chỉ bởi họ biết cách dùng nụ cười để làm vui lòng người khác.

Link bài viết

Để thực sự khiến người khác cảm động, cách thuyết phục tốt nhất là mỉm cười với họ.

Tục ngữ có câu “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”, chỉ cần trong khoé mắt lộ ra nụ cười vui vẻ, thì không những có thể loại bỏ những vật cản mà đối phương dựng lên, mà ngay cả trong lòng của đối phương cũng bị cảm hoá, từ đó sẽ xuất hiện tiếng nói chung.

Đặc biệt nụ cười cởi mở sẽ khiến đối phương đồng cảm với bạn, giúp bạn nắm bắt được nội tâm của đối phương, từ đó có thể điều chỉnh quan hệ trước mắt, tạo cơ sở cho việc xây dựng mối quan hệ tin cậy, hữu nghị, nồng hậu sau này.

Có những khi cách nói chuyện của người lãnh đạo làm cho nhân viên cấp dưới cảm thấy không hài lòng. Đây là một trong những nguyên nhân tạo ra sự mâu thuẫn giữa lãnh đạo và nhân viên. Vì vậy, người lãnh đạo cần hết sức chú ý điều này.

Người lãnh đạo không nên chỉ nhìn vào tình hình công việc và thành tích đạt được của nhân viên cấp dưới, mà còn phải thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của họ.

Người lãnh đạo có thể rút ngắn khoảng cách giữa mình với nhân viên bằng cách thường xuyên khuyến khích, cổ vũ nhân viên tích cực làm việc.

Mục đích thuyết phục nhân viên của người lãnh đạo là muốn làm cho nhân viên đó cùng đi theo con đường của mình. Nếu tự cho rằng chỉ cần có đủ lý lẽ là được thì vẫn chưa ổn, còn cần phải nắm bắt được đặc điểm tâm lý của đối phương, làm cho đối phương can tâm tình nguyện nghe theo bạn.

Việc đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương chính là việc giúp đối phương phân tích tình hình, cân nhắc những điều thiệt hơn, được mất, giảng giải cái lợi và cái hại, làm cho người đó đồng tình với quan điểm, ý kiến của bạn.

Người thuyết phục cần đặt mình vào vị trí của đối phương, suy nghĩ vì lợi ích của người đó, thật tâm thay người ta tính toán, sau đó giải thích rõ ràng, như vậy mới dễ dàng thuyết phục được đối phương.

Trong nhu có cương, nghĩa là bên ngoài mềm mỏng nhưng trong lòng cứng rắn. “Nhu” có nghĩa là khi nói chuyện thì ngữ khí, thái độ đều ôn hoà; “cương” có nghĩa trong lòng phải giữ được sự cứng rắn.

Sử dụng phương pháp “trong nhu có cương” này cần chú ý tránh trạng thái cực đoan của cả hai bên; không được quá mềm dẻo làm đối phương cảm thấy bạn yếu thế, nhu nhược, cũng không được hùng hổ, hăm dọa làm đối phương thấy bạn như được đà lấn tới. Thái độ tốt nhất là không tự ti cũng không kiêu ngạo, không vội vàng, không hấp tấp, chu đáo, lịch sự.

Thuyết phục bằng phép phản chứng là không trực tiếp bác bỏ quan điểm sai lầm của đối phương mà trước tiên hãy giả sử quan điểm đó là đúng, sau đó dùng cách phân tích, lập luận để đưa đến một kết luận mà đối phương không thể không thừa nhận là sai lầm.

Trong cuốn Sử ký - hoạt kê liệt truyện (Tuyển tập những câu chuyện cười) có ghi lại câu chuyện như sau:

Chu Trang Vương rất yêu quý một con ngựa, thường ngày cho nó mặc toàn lụa là, gấm vóc, ăn đủ thứ cao lương mỹ vị, kết quả con ngựa trở nên rất béo, cuối cùng bị chết. Chu Trang Vương vô cùng đau xót, định làm tang cho con ngựa. Triều thần khuyên can, Trang Vương đều không nghe, còn nổi giận.

Ưu Mãnh biết chuyện, liền vào cung gặp Trang Vương, nói: “Đây là con ngựa mà Đại vương yêu quý nhất! Theo thần thì Đại vương nên làm lễ tang cho con ngựa theo nghi thức dành cho quốc vương”.

Trang Vương liền hỏi: “Vậy nên làm thế nào?”.

Ưu Mãnh đáp: “Nên cho ngựa vào quan tài chạm ngọc, quách làm bằng gỗ khắc, trưng dụng đất của dân, cho quân đào huyệt, xây mộ cẩn thận. Khi đưa tang, xếp sứ giả nước Tề, nước Triệu đi trước; sứ giả nước Nguỵ, nước Hàn đi hai bên phía sau; cũng cần phải làm miếu thờ cho con ngựa, cho nhà nhà cúng lễ, dâng đồ tế. bằng cách này, các nước chư hầu đều biết được rằng Đại vương tuy coi con người không bằng cỏ rác nhưng lai vô cùng tôn quý con ngựa”.

Trang Vương nghe xong, chợt tỉnh ngộ, biết mình đã phạm phải sai lầm lớn, liền quyết định không làm đại tang cho con ngựa nữa.

“Làm phải có tình, nói phải có lý”, đây là hai nguyên tắc cơ bản nhất khi thuyết phục người khác.

Thuyết phục người khác bằng lý lẽ chính là dựa vào thực tế, nói những điều đúng đắn, làm người khác nhận ra tính chính xác trong những lời bạn nói, từ đó tiếp nhận ý kiến của bạn.

Phải chú ý rằng, trong khi thuyết phục cần phải nêu ra chính xác những điểm quan trọng, nếu không khi họ cảm thấy chán nản thì bạn không thể giải quyết vấn đề được.

Lời thuyết phục có lý cũng cần phải có tính thực tế, không được nói những câu vô nghĩa, sáo rỗng, khoác lác, phô trương, cần phải có những luận điểm mang tính thực tế.

Các phần trong bộ Tứ thư lãnh đạo:

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thuật dụng ngôn: Sức mạnh của ngôn từ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO