Sách hay nên đọc: 9 bí quyết thuyết trình của những bộ óc hàng đầu thế giới

28/06/2017 09:25

Những bí mật về thuyết trình hé mở trong cuốn sách này được hậu thuẫn bởi các luận cứ khoa học từ những bộ óc giỏi nhất trên hành tinh và các công trình xuất sắc của họ.

Sách hay nên đọc: 9 bí quyết thuyết trình của những bộ óc hàng đầu thế giới

Chuyên gia đào tạo kỹ năng lãnh đạo Carmine Gallo - tác giả Talk Like TED

Ý tưởng chính là tiền tệ của thế kỷ XXI. Một số người rất giỏi trong việc trình bày các ý tưởng của mình. Kỹ năng giúp nâng cao địa vị và tầm ảnh hưởng của họ trong xã hội ngày nay. Không có gì truyền cảm hứng hơn một ý tưởng táo bạo được thuyết trình bởi một diễn giả tuyệt vời.

Chẳng phải sẽ rất tuyệt vời khi có thể biết được những phương pháp mà các diễn giả tài năng nhất trên thế giới đã sử dụng và áp dụng những bí quyết của họ để gây ngạc nhiên cho những người đang lắng nghe bạn sao! Giờ đây, bạn có thể làm được điều đó, nhờ việc diễn đàn nổi tiếng thế giới đã đăng miễn phí những bài thuyết trình hay nhất của họ lên internet - TED (Technology, Entertainment, Design). Đây là một bản phân tích khoa học về hàng trăm bài thuyết trình của TED, những bài phỏng vấn trực tiếp với các diễn giả nổi tiếng nhất của TED.

Tháng 3/2012, luật sư quyền công dân Bryan Stevenson đã có một bài diễn thuyết trước 1.000 người tham dự buổi hội thảo thường niên của TED ở Long Beach, California (Hoa Kỳ). Anh được khán giả đứng lên vỗ tay lâu nhất trong suốt lịch sử của TED. Bài thuyết trình sau đó đã có gần hai triệu lượt xem trên mạng. Chỉ trong vòng 18 phút, Stevenson như thôi miên toàn bộ tinh thần và trái tim khán giả. Điều đó đã có tác dụng. Những người đến tham dự ngày hôm đó đã quyên góp tổng cộng 1 triệu đô la vào quỹ phi lợi nhuận của anh, tổ chức Equal Justice Initiative. Tức là hơn 55.000 đô la cho mỗi phút nói chuyện của anh.

Stevenson không thuyết trình bằng PowerPoint. Anh không sử dụng bất cứ một sự hỗ trợ thị giác nào, không có slide, không có đạo cụ. Sức mạnh của chuyện kể đã thuyết phục được khán giả.

Vào tháng 3/2011, Giáo sư David Christian đã phát động một phong trào đưa “Lịch sử lớn” vào giảng dạy trong các trường học sau bài nói chuyện trên TED đầy hấp dẫn trong 18 phút, có kèm hình ảnh bằng các slide và những đồ họa thú vị. “Lịch sử lớn” dạy cho học sinh về sự hình thành của trái đất và vị trí của nó trong vũ trụ. Bài thuyết trình của Christian gói gọn 13 tỷ năm trong 18 phút đã có hơn một triệu lượt xem trên YouTube.

Christian và Stevenson có những cách thuyết trình khác nhau, và bạn sẽ được tìm hiểu về cả hai, cũng như về nhiều bí mật để thành công khi thuyết trình của những diễn giả hàng đầu thế giới khác trong Talk Like TED (bản tiếng Việt do Alpha Books phát hành có tựa 9 bí quyết diễn thuyết trước công chúng của những bộ óc hàng đầu thế giới).

Talk Like TED - 9 bí quyết diễn thuyết trước công chúng của những bộ óc hàng đầu thế giới doanhnhansaigon
Talk Like TED - 9 bí quyết diễn thuyết trước
công chúng của những bộ óc hàng đầu thế giới

do Alpha Books phát hành, giá bìa 99.000 đồng

Tác giả Talk Like TED - Carmine Gallo hiện là Chủ tịch Tập đoàn Gallo Communications Group, trụ sở tại California. Carmine được xem là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực truyền thông doanh nghiệp và kỹ năng lãnh đạo. Những bí mật hé mở trong cuốn sách này được hậu thuẫn bởi các luận cứ khoa học từ những bộ óc giỏi nhất trên hành tinh và các công trình xuất sắc của họ.

Tóm tắt 9 bí mật diễn thuyết:

Bí mật số 1: Khai phá con người tài giỏi bên trong

Hãy đào sâu và xác định mối liên kết đặc biệt và ý nghĩa giữa bạn với chủ đề thuyết trình của bạn. Niềm đam mê dẫn đến sự tinh thông và bài thuyết trình của bạn sẽ không là gì nếu thiếu nó, nhưng hãy luôn nhớ rằng điều thắp sáng cho bạn có thể không dễ thấy.

Khoa học chỉ ra rằng, niềm đam mê mang tính lây lan theo nghĩa đen. Bạn không thể truyền cảm hứng cho người khác, trừ phi bạn có thể tự truyền cảm hứng cho mình. Bạn sẽ có thể thuyết phục và truyền cảm hứng được cho những người khác nhiều hơn nếu bạn biểu lộ ra một sự kết nối nhiệt tình, say mê và đầy ý nghĩa với chủ đề của bạn.

Đam mê của bạn không phải là một sở thích thoáng qua hay thậm chí là một thú vui. Một đam mê là điều gì đó cực kỳ có ý nghĩa và cốt lõi đến tận bản chất con người bạn. Khi bạn đã nhận diện được đam mê của bạn là gì, bạn có thể nói về việc nó ảnh hưởng thế nào đến các hoạt động thường ngày của bạn, bạn có thể kết hợp điều đó vào công việc của bạn không... 

Nếu không hạnh phúc và không có niềm đam mê dành cho công việc đang làm, bạn có thể sẽ không có được một sự nghiệp tuyệt vời, và nếu không vui thích với sự nghiệp thì bạn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để tạo được một sự hăng hái trong các bài thuyết trình của bạn. Đó là lý do vì sao sự nghiệp, niềm hạnh phúc và khả năng truyền cảm hứng cho người khác lại có liên hệ với nhau.

Nữ tỷ phú gốc phi đầu tiên Oprah Winfrey – người dẫn chương trình Talk Show Host nổi tiếng và là một trong những nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất thế giới nói rằng: “Bạn cần phải đi theo niềm đam mê của bạn. Bạn cần phải tìm ra điều bạn thật sự yêu thích - bạn thật sự là ai? Và phải có sự dũng cảm để làm điều đó. Tôi tin rằng sự dũng cảm duy nhất mà bất kỳ ai cũng cần đến là sự dũng cảm để đi theo ước mơ của chính mình”.

Điều gì khiến trái tim bạn hát? Hãy tìm nó và chia sẻ với những người khác.

Bí mật số 2: Thành thục nghệ thuật kể chuyện

Bryan Stevenson - diễn giả được khán giả đứng lên hoan hô lâu nhất trong lịch sử TED đã dành 65% thời gian thuyết trình để kể chuyện. Các kết quả quét não cho thấy các câu chuyện sẽ kích thích và kết nối não người, giúp diễn giả kết nối với khán giả và khiến cho khán giả dễ đồng tình với quan điểm của diễn giả hơn.

Stevenson nói chuyện trong 5 phút trước khi đưa ra những thống kê đầu tiên về số người bị bỏ tù trong các nhà tù của Mỹ và tỷ lệ người nghèo hoặc người Mỹ gốc Phi là bao nhiêu. Các số liệu củng cố thêm cho chủ đề của ông, nhưng một câu chuyện đã chiếm mất một phần ba thời gian của bài thuyết trình. Đó không phải là một câu chuyện không đâu. Stevenson đã chủ đích chọn kể một câu chuyện có thể giúp khán giả kết nối được với ông ở mức độ cá nhân và tình cảm.

Link bài viết

“Anh phải khiến họ tin tưởng vào mình. Nếu anh bắt đầu bằng điều gì đó quá bí hiểm và xa rời cuộc sống thường nhật thì khán giả sẽ khó liên hệ. Tôi thường nói về các thành viên trong gia đình vì phần lớn chúng ta đều có các mối quan hệ với các thành viên trong gia đình. Tôi nói về những đứa trẻ, những người dễ bị tổn thương hay đang gặp khó khăn. Những câu chuyện kể đó đều được xây dựng để giúp hiểu rõ hơn về chủ đề”, Stevenson nói.
Stevenson, một diễn giả đã thắng nhiều vụ kiện ở tòa án tối cao có thể tìm thấy nguồn sức mạnh trong các câu chuyện thì chúng ta cũng nên học hỏi điều gì đó từ trải nghiệm của ông.

Andrew Stanton - tác giả Toy Story nói: “Chúng ta đều thích những câu chuyện. Chúng ta được sinh ra trong những câu chuyện. Những câu chuyện tạo nên con người chúng ta. Chúng ta đều muốn thấy rằng cuộc sống của chúng ta là có ý nghĩa. Và không gì làm được điều ấy tốt hơn là khi chúng ta kết nối với nhau qua những câu chuyện có thể vượt qua những rào cản về thời gian, quá khứ, hiện tại, tương lai, và cho phép chúng ta thấy được sự tương đồng giữa bản thân và những người khác, điều thực tại và qua tưởng tượng”.

Ba dạng kể chuyện đơn giản, hiệu quả:

Những nhà thuyết trình hay nhất của TED đều sử dụng một trong ba loại chuyện kể này.

Các câu chuyện về bản thân: Các câu chuyện là trung tâm của con người chúng ta. Nếu bạn định kể một câu chuyện “cá nhân”, hãy biến nó thành cá nhân. Hãy dẫn dắt khán giả vào một cuộc hành trình. Hãy kể thật rõ ràng và đầy hình ảnh sao cho họ có thể tự hình dung rằng mình đang thật sự ở đó lúc câu chuyện xảy ra. Người ta thích các câu chuyện. Các doanh nhân hiếm khi kể những câu chuyện về bản thân. Nhưng, chắc chắn 100% là không cần phải có kỹ năng gì, những chuyện kể cá nhân sẽ luôn được việc.

Những câu chuyện về người khác: Ông Ken Robinson, một tiến sĩ triết học và nhà tư tưởng trong lĩnh vực sáng tạo cho rằng chính trường học đã giết chết sự sáng tạo. Hàng triệu người đồng tình với ông hoặc thấy rằng lập luận của ông thật hấp dẫn, đến nỗi họ buộc phải xem và chia sẻ bài nói chuyện năm 2006 của ông. Đó là bài nói chuyện TED nổi tiếng nhất. Robinson không dùng đến PowerPoint, không hình ảnh hỗ trợ, không đạo cụ, tuy vậy ông vẫn kết nối được với khán giả. Ông làm được điều đó bằng việc sử dụng thành thạo những phân tích, dữ kiện, sự hài hước và các câu chuyện kể.

Một số nhà khoa học về thần kinh tin rằng chúng ta được lập trình cho việc cảm thông, đó là chất keo kết dính của xã hội. Trong một bài thuyết trình, bạn có thể tạo ra sự cảm thông bằng việc nói về bản thân mình hoặc về người khác.

Câu chuyện chân thực của bất kỳ ai – nếu được kể một cách vừa phải, không đề cao bản thân một cách thái quá hoặc gây khó chịu – là câu chuyện thú vị nhất. Nó chắc chắn là một nguyên liệu làm bùng cháy lên ngọn lửa trong bài nói chuyện.

Các câu chuyện về sự thành công của thương hiệu: Các công ty lớn hơn đang dần phát hiện ra rằng các câu chuyện sẽ biến những thương hiệu vô danh thành những thứ có khuôn mặt con người.

Tostitos, Taco Bell, Domino’s Pizza, Kashi, McDonald’s và Starbucks đang quay sang những quảng cáo nhấn mạnh vào những người nông dân trồng ra những nguyên liệu cho các sản phẩm của họ. Người ta sẽ gắn kết hơn với sản phẩm khi họ biết những sản phẩm đó có nguồn gốc từ đâu và khi họ biết được về những con người đứng đằng sau những sản phẩm đó. Chuỗi cửa hàng xà phòng Lush cho in một bức ảnh nhỏ chụp những người công nhân thật trên các sản phẩm – đó là những khuôn mặt của những người thật sự làm ra sản phẩm đó. Lush tin rằng mỗi sản phẩm đều có một câu chuyện. Có một lý do vì sao nhiều thương hiệu nổi tiếng đã chi tiền triệu cho quảng cáo có kèm những khuôn mặt thật, con người thật và những câu chuyện thật. Vì nó có tác dụng.

Một câu chuyện là gì? Jonah Sachs đưa ra định nghĩa này trong cuốn Winning the Story Wars (tạm dịch Thắng trong những cuộc chiến chuyện kể):

“Chuyện kể là một loại phương thức giao tiếp cụ thể của con người nhằm thuyết phục người nghe về thế giới quan của người kể chuyện. Người kể chuyện làm việc này bằng cách đặt các nhân vật có thật hoặc tưởng tượng lên một sân khấu và cho thấy những điều xảy ra với những nhân vật này qua một giai đoạn thời gian. Mỗi nhân vật theo đuổi một loại  mục đích tương ứng với các giá trị của anh ấy/cô ấy. Trong quá trình đó, nhân vật phải đối diện với khó khăn, và sự thành bại của nhân vật là tùy vào thế giới quan của người kể chuyện”.

Sachs tin là trong chiến trường của những ý tưởng thì các nhà tiếp thị có một vũ khí bí mật - đó là một câu chuyện hay. Sachs nói rằng khán giả hiện nay đang bị tấn công tới tấp bởi các thông điệp, đến mức mà họ trở nên đề phòng và hoài nghi hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử. Tuy nhiên, “nếu được truyền cảm hứng, những khán giả này lại rất sẵn lòng và có thể truyền rộng ra những thông điệp mà họ yêu thích nhất, tạo ra một hiệu ứng lan truyền rộng lớn cho những ai chiếm được cảm tình của họ”.

Sức mạnh của ngôn từ:

Hãy tránh sử dụng quá nhiều những thuật ngữ thông dụng và những từ sáo rỗng. Các nhà tiếp thị rất thích sử dụng những từ như “hàng đầu”, “giải pháp” và “hệ sinh thái”. Những từ này hoàn toàn sáo rộng, vô nghĩa và thường được sử dụng nhiều đến nỗi chúng mất đi những ý nghĩa ban đầu.

Việc lạm dụng phép ẩn dụ cũng có thể gây nhàm chán. Theo một nghiên cứu được đăng trên tờ The New York Times, “Cách não xử lý các ẩn dụ cũng đã được nghiên cứu rất nhiều, một số nhà khoa học tranh luận rằng nhiều kiểu diễn đạt như “một ngày mệt mỏi” đã trở nên quen thuộc đến nỗi nó chỉ còn được xem là những từ ngữ đơn thuần”.

Các kết quả quét não cho thấy, khi người ta nghe một miêu tả chi tiết, một ẩn dụ gợi lên nhiều liên tưởng hoặc một trao đổi về cảm xúc giữa các nhân vật, các khu vực khác nhau trong não sẽ được kích thích. Nghe đến “mùi oải hương” sẽ kích thích vùng não liên quan đến mùi. Khi các đối tượng nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của họ đọc một ẩn dụ liên quan đến kết cấu bề mặt, vùng vỏ cảm giác, quản lý việc nhận thức kết cấu qua xúc giác được kích hoạt. Các ẩn dụ như “Ca sĩ đó có giọng ca mượt như nhung” và “Anh ta có bàn tay cứng như sắt” sẽ kích hoạt vùng vỏ não xúc giác.

Khi bạn kể một câu chuyện, bằng mọi cách hãy sử dụng các ẩn dụ, loại suy và những từ ngữ sinh động, nhưng hãy bỏ qua những từ sáo rỗng, thông dụng và biệt ngữ.

Bí mật số 3: Trò chuyện

Bạn chỉ có thể thật sự thuyết phục được người nghe sau khi đã tạo được một sự hòa hợp tình cảm và có được sự tin tưởng của họ. Nếu giọng nói, điệu bộ và ngôn ngữ cơ thể của bạn không tương ứng với ngôn từ, thì người nghe sẽ không tin vào thông điệp của bạn. Cũng tương tự như việc bạn có một chiếc Ferrari (một câu chuyện hoành tráng) mà không biết cách lái (truyền đạt).

Link bài viết

Tính đáng tin không tự nhiên mà có. Một bài thuyết trình đáng tin cậy cần phải trải qua hàng giờ luyện tập – đào sâu vào tâm hồn bạn hơn bất cứ khi nào, lựa chọn những từ ngữ miêu tả được đúng nhất điều mà bạn cảm thấy về chủ đề của mình, truyền đạt những từ ngữ đó sao cho chúng có một sức tác động lớn nhất và đảm bảo chắc chắn rằng những giao tiếp không lời của bạn – cử chỉ, biểu cảm và ngôn ngữ cơ thể hoàn toàn nhất quán với thông điệp của bạn.

Nếu không luyện tập thì khi nói bạn sẽ nghĩ về hàng triệu điều khác thay vì tập trung vào câu chuyện của mình và vào việc kết nối cảm xúc với người nghe.

Có một lý thuyết mà ai cũng biết là cần phải bỏ ra 10.000 giờ thực hành để thành thục một kỹ năng nào đó. Nó cũng áp dụng cả cho kỹ năng diễn thuyết trước công chúng.

Hãy luyện tập trước nhiều người khác, ghi hình, và xem lại. Hãy nhờ bạn bè và đồng nghiệp đến nghe bạn thuyết trình và đưa ra những phản hồi cởi mở, chân thành. Hãy sử dụng cả các thiết bị ghi âm. Hãy gắn điện thoại của bạn lên tripod hoặc mua một máy quay chuyên dụng. Dù bạn chọn làm theo cách nào, thì hãy ghi hình lại chính mình. Bạn sẽ ngạc nhiên với những gì bạn thấy – những âm phụ như “à”, “ờm”, những cử chỉ tay gây mất tập trung như gãi mũi hay hất tóc, ánh mắt không nhìn thẳng v.v... Hãy đặc biệt chú ý đến nhịp độ của bài nói chuyện và xin ý kiến của người khác.

Sự giao tiếp ngôn từ và phi ngôn từ đều quan trọng như nhau, nhưng chúng quan trọng đến mức nào?

Morgan Wright – một cựu chiến binh có thâm niên 18 năm trong công việc thi hành án, người đã đào tạo các đặc vụ CIA, FBI và NSA về các phương pháp phân tích hành vi, phỏng vấn và chất vấn – nói rằng: “Ngôn ngữ cơ thể có thể tạo ra rất nhiều sự khác biệt. Nó giúp xác định được điểm khác nhau giữa lừa đảo và trung thực”.

Lời khuyên của Wight là: hãy tin vào những gì bạn nói. Ông nói: Nếu bạn không tin vào những gì bạn nói thì những cử động của bạn sẽ lúng túng và không tự nhiên. Không có sự rèn luyện nào – trừ phi bạn là một đặc vụ có đào tạo hoặc bị bệnh tâm thần – cho phép bạn phá vỡ sự bất hợp lý giữa từ ngữ và hành động. Nếu không tin vào thông điệp, bạn sẽ không thể buộc thân thể bạn hành động như thể bạn tin vào thông điệp đó”.

Ngôn ngữ cơ thể đóng vai trò gì trong việc hình thành nên một nhà lãnh đạo? Matt Eversmann – người dạy về sự lãnh đạo tại Đại học Johns Hopkins nói rằng: “Các nhà lãnh đạo lớn luôn tràn đầy tự tin. Những người cấp dưới cần hướng về một người vẫn đang đứng vững như một cây cổ thụ, bất kể xung quanh có đang diễn ra điều gì. Bạn cần truyền được một cảm giác rằng bạn sẽ luôn kiểm soát được tình hình bất kể hoàn cảnh thế nào, thậm chí kể cả khi bạn không có giải pháp nào ngay lúc đó... Một người không bị mất tập trung, không nhụt chí và quyết đoán. Phải tỏ ra có một tinh thần tự tin”.

Colin Powell là một lãnh đạo rất sâu sắc. Ông có một tư duy khá nghiêm ngặt và chặt chẽ, giống như nền tảng xuất thân là một vị tướng trong quân đội và Ngoại trưởng Mỹ từ năm 2001 – 2005 của ông. Khi Powell lên truyền hình và ngồi đối diện với người dẫn chương trình, ông thường bắt đầu với tư thế hai bàn tay đan vào nhau đặt trên bàn. Ông không giữ tư thế đó lâu. Chỉ sau vài giây, ông sẽ sử dụng các cử chỉ hỗ trợ cho thông điệp của mình. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người có tư duy cẩn mật khó có thể ngừng sử dụng các cử chỉ, thậm chí khi họ cố gắng giữ chặt hai bàn tay. Việc sử dụng cử chỉ thật ra là một sự khai phóng năng lực tư duy của họ, và các nhà tư tưởng phức tạp thường sử dụng các cử chỉ phức tạp.

Amy Cuddy là một nhà tâm lý học xã hội tại Trường Kinh doanh Harvard. Cuddy tin rằng ngôn ngữ cơ thể hình thành nên con người. Bà nói rằng cách chúng ta sử dụng thân thể của mình – ám hiệu không lời của chúng ta – có thể thay đổi cái nhìn của người khác về chúng ta. Tuy nhiên, Cuddy còn đi xa hơn nữa khi lập luận rằng chỉ cần thay đổi tư thế thân thể là có thể thay đổi cách bạn nghĩ về bản thân và theo mặc định là cách người khác nhìn nhận về bạn. Thậm chí nếu bạn không cảm thấy tự tin, hãy hành xử như thể bạn đang tự tin, và cơ hội thành công sẽ lớn hơn.

Amy Cuddy nói: “Đừng giả vờ cho đến khi bạn làm được. Hãy giả vờ cho đến khi bạn trở thành điều đó”.

Bí mật số 4: Hãy dạy tôi điều gì đó mới mẻ

Tiết lộ những thông tin hoàn toàn mới đối với khán giả của bạn, truyền đạt theo một cách khác lạ, hoặc đưa ra một cách mới để giải quyết một vấn đề xưa cũ.

Vì sao? Não người yêu thích sự mới lạ. Một yếu tố không quen thuộc, bất thường, không ngờ tới trong một bài thuyết trình sẽ quyến rũ khán giả, đẩy họ ra khỏi các định kiến từ trước và nhanh chóng trao cho họ một cách nhìn mới về thế giới.

Theo John Medina, một nhà phát triển sinh học phân tử tại Trường Y khoa thuộc Đại học Washington, chúng ta vốn là các nhà thám hiểm có nhu cầu học hỏi không thể bị dập tắt. Medina nói: “Trẻ em sinh ra đã có một niềm khao khát được hiểu về thế giới xung quanh và một sự hiếu kỳ mãnh liệt buộc chúng phải xông ra khám phá nó. Nhu cầu được khám phá này gắn chặt với trải nghiệm đến nỗi một số nhà khoa học đã miêu tả nó như một sự thôi thúc, giống như thôi thúc của cái đói, khát và tình dục”. Và, chúng ta không mất đi khao khát kiến thức khi lớn lên.

Đôi khi các dữ kiện mà bạn trình bày có thể không bất ngờ hoặc không xa lạ với khán giả, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể truyền đạt nó theo một cách mới mẻ.

Việc đưa các ý tưởng mới lạ vào bài thuyết trình cần một chút sáng tạo và một cách nhìn mới về thế giới. Một phương pháp để khởi động sự sáng tạo là hãy đón nhận những trải nghiệm mới. Bộ não không đi đường tắt. Sứ mệnh trên hết của nó là tiết kiệm năng lượng. Các nhà khoa học thần kinh đã phát hiện rằng chỉ có qua việc tấn công dồn dập vào bộ não bằng các trải nghiệm mới thì chúng ta mới có thể buộc trí óc nhìn thế giới qua một lăng kính mới. Điều đó có nghĩa là bạn cần thỉnh thoảng ra khỏi văn phòng. Trải nghiệm ở những nơi mới, với những con người mới, ở những sự kiện mới. Quan trọng hơn cả là hãy tích hợp những trải nghiệm mới đó vào các thuyết trình của bạn.

Hãy luôn nhớ rằng khán giả của bạn là những người vốn sinh ra đã thích khám phá.

Bí mật số 5: Tạo ra những khoảnh khắc gây kinh ngạc

Bill Gates, tỷ phú, nhà sáng lập Tập đoàn Microsoft muốn đưa ra một thông điệp khi xuất hiện tại hội nghị của một số nhà lãnh đạo lớn nhất trong ngành công nghệ. Trên sân khấu, ông mở nắp một bình thủy tinh và nói “Bệnh sốt rét là do muỗi truyền. Tôi có mang theo đến đây một ít muỗi và sẽ thả chúng ra tại đây. Chẳng có lý do gì mà chỉ có người nghèo mới bị nhiễm bệnh”. Khán giả lúc đó chỉ ngồi im kinh ngạc, như bất kỳ ai ở trong hoàn cảnh đó. Một lúc sau, Gates giải thoát cho họ khi nói rằng những con muỗi ông mang tới không mang vi rút sốt rét. Nhưng ông làm điều đó để chứng tỏ một điều, và điều đó đã được khán giả hiểu rõ. Gates và vợ mình, Melinda, đã dành cả cuộc đời và tài sản của mình cho rất nhiều mục đích nhân đạo, bao gồm việc xóa sổ bệnh sốt rét ở các nước nghèo tại châu Phi và châu Á, nơi có tới 500 triệu ca bệnh mỗi năm.

Khoảnh khắc gây kinh ngạc trong một buổi thuyết trình là khoảnh khắc ấn tượng và đáng nhớ đến mức làm cho khán giả sửng sốt, ngạc nhiên hoặc xúc động. Khoảnh khắc này tóm được sự chú ý của người nghe và được nhớ đến rất lâu sau đó.

Vì sao? Những khoảnh khắc gây kinh ngạc tạo ra điều mà các nhà thần kinh học gọi là “những sự kiện chứa đầy xúc cảm”, một trạng thái khi cảm xúc được dâng cao, khiến cho người nghe có khuynh hướng nhớ được thông điệp của bạn và hành động theo đó.

Gates đã nói trong 18 phút. Màn thả muỗi lấy đi ít hơn 5% tổng số thời gian của cả buổi thuyết trình, nhưng khoảnh khắc đó là phần được khán giả nhớ đến nhiều nhất. 5 năm sau, người ta vẫn còn bàn luận và chia sẻ khoảnh khắc của Gates.

Khi Gates thả muỗi ra, ông đã “câu” được khán giả chính bởi hành động đó gây kinh ngạc, bất ngờ và lạ thường. Đó là cái mà các nhà nghiên cứu não bộ gọi là “sự kiện chứa đầy xúc cảm”. Nó hiệu quả vì bộ não được lập trình để làm việc đó.

Medina nói rằng điều này liên quan đến hạch hạnh nhân nằm ở vùng vỏ não trước trán. “Khi bộ não phát hiện ra một sự kiện chứa đầy cảm xúc, hạch hạnh nhân tiết ra chất dopamine và đẩy vào hệ thống. Vì dopamine hỗ trợ đắc lực cho việc ghi nhớ và xử lý thông tin nên có thể vì nó như mảnh giấy nhắc việc ghi dòng chữ “Hãy nhớ điều này”. Khi bộ não phát ra lệnh ghi nhớ đối với một mẩu thông tin thì có nghĩa là thông tin đó sẽ được xử lý mạnh mẽ hơn.

Bạn có xu hướng nhớ đến những sự kiện gây hưng phấn hơn là những sự kiện gây phản ứng trung tính. Một nhà khoa học gọi những sự kiện đó là “những kỷ niệm lóe sáng”. Hóa ra là có một lý do khiến bạn nhớ mình đã ở đâu vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 nhưng lại quên chỗ để chìa khóa vào sáng nay. Hiểu được sự khác biệt sẽ giúp bạn tạo ra được những bài thuyết trình kinh ngạc và đáng nhớ.

Tại sao khán giả nhớ việc Bill Gates thả muỗi? Giáo sư tâm lý học Rebecca Todd của Đại học Toronto nói rằng, đó là vì nó khơi gợi cảm xúc, dù đó là cảm xúc dễ chịu hay khó chịu.

Todd cho biết: Khi bạn xúc động, trong não sẽ sản sinh ra một lượng lớn norepinephrine cũng như hormone căng thẳng. Đến đây, chúng ta đã biết được rằng sự dâng trào của cảm xúc sẽ làm tăng trí nhớ. Nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu đầu tiên cho thấy rằng một hệ quả khác của việc cảm xúc được kích thích là bạn có những cảm nhận sâu sắc hơn đối với các sự việc khi chúng đang diễn ra, và điều đó cũng làm tăng khả năng bạn sẽ nhớ chúng. Những con muỗi của Bill Gates chắc hẳn đã khiến cho khán giả kinh ngạc và sợ hãi, vì họ không biết rằng những con muỗi này không mang vi rút sốt rét. Kinh ngạc và sợ hãi đều là những cảm xúc cao trào”.

Nếu bạn có thể kết nối với phản ứng mang tính cảm xúc của khán giả thì họ sẽ nhận thức thông tin đó rõ ràng hơn, ít bị phân tán hơn và có khả năng ghi nhớ nó tốt hơn. Hãy dùng những ví dụ hết sức cụ thể và có ý nghĩa để minh họa cho những ý trừu tượng. Hãy sử dụng nhưng hình ảnh một cách khéo léo, cho dù đó là những hình ảnh đẹp đẽ, bất ngờ hay gớm ghiếc”, Todd giải thích.

Mỗi nhà trình diễn đều có ít nhất một khoảnh khắc gây kinh ngạc – một sự kiện chứa đầy cảm xúc sẽ được khán giả bàn tán cho đến ngày hôm sau. Mỗi bài thuyết trình cần có một khoảnh khắc như thế. Hãy tạo ra và sử dụng nó. Nội dung bài thuyết trình của bạn sẽ đạt hiệu quả lớn hơn nếu nó có thể đọng được trong tâm trí của người nghe.

Bí mật số 6: Tạo ra sự vui vẻ

Đừng tự khiến cho bạn (hay chủ đề của bạn) trở nên quá nghiêm túc. Bộ não yêu thích sự hài hước. Hãy cho khán giả một thứ gì đó để cười.

Vì sao? Sự hài hước làm giảm sự đề phòng, làm cho người nghe dễ tiếp thu thông điệp của bạn hơn. Nó cũng khiến bạn được yêu mến hơn và mọi người thường có xu hướng hợp tác hoặc ủng hộ những người họ yêu mến.

Theo Giáo sư tâm lý học Rod Martin của Đại học Tổng hợp Tây Ontario, tiếng cười đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố sự gắn kết của nhóm. Sự hài hước và tiếng cười là ví dụ của cái mà Martin gọi là sự khơi gọi cảm tình: “Một phương pháp giao tiếp được tạo ra để thu hút sự chú ý của người khác, để truyền đạt thông tin mang tính cảm xúc quan trọng và khơi gợi những cảm xúc tương tự ở họ... Tiếng cười không chỉ truyền đạt những thông tin nhận thức tới người khác mà còn có tác dụng khơi gợi và gia tăng những cảm xúc tích cực nhằm ảnh hưởng đến hành vi của họ”.

Những người hài hước thường được xem là thân thiện, hướng ngoại, chu đáo, dễ chịu, thú vị, có óc tưởng tượng, thông minh, mẫn cảm và ổn định về cảm xúc.

Link bài viết

Sự hài hước đóng vai trò chính yếu trong bí kíp của những diễn giả truyền cảm hứng hàng đầu thế giới. Nó cũng có hiệu quả với bạn, nhưng bạn phải học cách áp dụng sự hài hước một cách sáng tạo và tự nhiên. Lặp lại những câu chuyện cười đã cũ, hoặc tệ hơn là những câu chuyện tục tĩu sẽ không đưa bạn đi xa. Thậm chí nó còn có thể làm khán giả mất hứng thú.

Hãy ghi nhớ những cách có hiệu quả. Hãy nghĩ về những giai thoại, câu chuyện, quan sát, suy nghĩ đã làm bạn và đồng nghiệp mỉm cười trong quá khứ. Nếu chúng đã có hiệu quả lúc đó và phù hợp với bài thuyết trình của bạn, hãy đưa chúng vào câu chuyện và tập kể về nó.

Sự hài hước có một vài rủi ro và phần lớn mọi người không đủ can đảm để sử dụng nó. Vì thế mà phần lớn các bài thuyết trình kinh doanh thường khô khan và chán ngắt. Cần phải can đảm để có thể bị tổn thương, để gây cười một cách dễ chịu về bản thân bạn và chủ đề của bạn. Chìa khóa ở đây là sự chân thật. Đừng giả vờ là một ai đó. Nhưng nếu điều gì đó có thể khiến bạn cười thì có khả năng cao là nó cũng sẽ khiến người khác cười.

Nếu vẫn chưa tin rằng sự hài hước có thể khiến bạn chiếm được cảm tình của khán giả, vậy thì hãy nghĩ theo cách này – các nghiên cứu cho thấy sự hài hước tốt cho sức khỏe. Cười làm giảm huyết áp, tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện hô hấp, tăng năng lượng và làm bạn cảm thấy dễ chịu. Nếu thấy dễ chịu, bạn sẽ thuyết trình tốt hơn và đó là điều đáng để mỉm cười.

Bí mật số 7: Giữ vững quy tắc 18 phút

18 phút là độ dài lý tưởng cho một bài thuyết trình. Nếu bạn bắt buộc phải làm dài hơn thì cứ 10 phút hãy ngắt quãng bằng các khoảng nghỉ (các câu chuyện, đoạn băng, màn trình diễn).

Vì sao? Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng “sự ùn ứ của nhận thức” (quá nhiều thông tin) sẽ ngăn cản việc truyền đạt các ý tưởng. Chris Anderson, nhà tổ chức TED giải thích điều này rõ ràng nhất:

“Nó (18 phút) là đủ dài để nghiêm túc và đủ ngắn để giữ được sự chú ý của mọi người. Hóa ra độ dài này cũng có hiệu quả đáng ngạc nhiên trên mạng. Đó là độ dài của một lần nghỉ giải lao. Vì thế, nếu bạn xem được một bài nói chuyện hay và gửi đường dẫn cho hai hay ba người thì nó sẽ rất dễ được lan truyền, 18 phút cũng giống như cách Twitter buộc người sử dụng phải giữ kỷ luật về những gì họ viết. Bằng cách bắt diễn giả, những người đã quen nói trong 45 phút giảm xuống còn 18 phút, bạn khiến họ phải thực sự nghĩ xem điều họ muốn nói là gì, điểm mấu chốt mà họ muốn truyền đạt là gì. Quy tắc này có tác dụng làm sáng tỏ và đem lại kỷ luật”.

Tiến sĩ Paul King ở Đại học Thiên chúa Texas – một học giả có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu truyền thông phát hiện ra rằng không chỉ người nói, mà chính người nghe cũng có cảm giác bất an. Ông nói: “Chúng tôi nghiên cứu các sinh viên đại học, những người phải nghe các thông tin trong khi biết là mình sẽ bị hỏi về nó. Cùng với quá trình nghe, mức độ lo âu trạng thái tăng dần cho đến lúc họ làm bài kiểm tra. Sau đó thì mức độ lo âu tụt xuống”. Theo ông, sự tích tụ các thông tin tạo ra “sự ùn ứ trong nhận thức”, và điều này giống như việc chất đầy một cái cân. Khi những thứ bạn cần phải nhớ ngày càng chồng chất, nó tạo ra áp lực ngày một lớn và bạn sẽ nhanh chóng để chúng trôi tuột hết.

King cho rằng lắng nghe là hoạt động mệt mỏi vì người nghe liên tục phải tiếp nhận thông tin để ghi nhớ. Đó là điều ông muốn ám chỉ khi dùng khái niệm “sự ùn ứ của nhận thức”. Nói một cách đơn giản, công việc càng dài và thông tin truyền tải càng nhiều thì gánh nặng lên nhận thức càng lớn.

Lắng nghe một bài nói chuyện dài 5 phút tạo ra sự ùn ứ nhỏ, một bài dài 18 phút thì ùn ứ nhiều hơn một chút. Một bài 60 phút sẽ tạo ra sự ùn ứ đến nỗi bạn có nguy cơ làm nản lòng khán giả trừ phi bạn tạo ra được một bài thuyết trình rất hấp dẫn với các khoảng ngắt giữa chừng như câu chuyện, đoạn video, màn trình diễn hoặc sự tham gia của những diễn giả khác.

Những bài thuyết trình dài dòng, vòng vo và lộn xộn sẽ thật chán ngắt và là cách tốt nhất để đánh mất khán giả. Quy tắc 18 phút không chỉ là một bài tập để học tính kỷ luật. Điều quan trọng là tránh làm cho khán giả bị quá tải. Hãy nhớ rằng những bài phát biểu bị giới hạn sẽ đòi hỏi nhiều sự sáng tạo. Nói cách khác, những điều không hiện diện sẽ giúp cho những điều hiện diện có sức mạnh hơn.

Bí mật số 8: Vẽ một bức tranh tinh thần với những trải nghiệm đa giác quan

Hãy đem đến một bài thuyết trình có các yếu tố tác động đến nhiều giác quan: thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác và khứu giác.

Vì sao? Hãy nhớ rằng bộ não không chú ý đến những thứ buồn tẻ. Bạn hầu như không thể buồn chán nếu được tiếp xúc với những hình ảnh mê hoặc, những đoạn phim lôi cuốn, những màn trình diễn kỳ thú, những từ ngữ đẹp đẽ và nhiều hơn một giọng kể chuyện. Không ai yêu cầu bạn phải tạo ra những yếu tố đa giác quan trong phần trình bày của mình, nhưng nếu khán giả được trải nghiệm nó, họ sẽ thích từng phút một. Bộ não thèm khát những trải nghiệm đa giác quan. Khán giả của bạn có thể không giải thích được tại sao họ thích bài thuyết trình của bạn, đó sẽ là bí mật nhỏ của bạn.

Giáo sư Tâm lý học Richard Mayer tại Đại học Santa Barbara là người ủng hộ cho việc học tập đa phương tiện. Trong một nghiên cứu có tiêu đề “Lý thuyết nhận thức về học tập đa phương tiện”, Mayer cho rằng việc giải thích các khái niệm bằng cách sử dụng nhiều giác quan như âm thanh, hình ảnh và vận động sẽ đem lại hiệu quả lớn hơn.

Nghiên cứu của Mayer chỉ ra rằng, khi bộ não được phép tái hiện bằng tinh thần hai mô hình của một giải thích – một mô hình bằng lời và một mô hình bằng hình ảnh – thì sự kết nối trong tinh thần không chỉ mạnh hơn một chút mà còn mạnh hơn rất nhiều. Cộng thêm xúc giác nữa thì bạn đã tìm ra người chiến thắng!

Chúng ta đều phản ứng với những kích thích hình ảnh, âm thanh và xúc giác. Những diễn giả lớn đều biết điều này và xây dựng bài nói chuyện chủ yếu xoay quanh một trong những giác quan trên.

Hãy trực quan hóa nội dung bằng cách thêm những hình ảnh, bức tranh hay biểu đồ hình tròn, bảng và đồ thị. Nên cố gắng không dùng quá 40 từ trong 10 slide đầu tiên của powerpoint thuyết trình. Điều đó sẽ buộc bạn phải suy nghĩ một cách sáng tạo, để làm sao có thể kể một câu chuyện đáng nhớ và hấp dẫn thay vì viết kín các slide với những dòng chữ gây mất tập trung. Hãy bỏ đi các gạch đầu dòng trong phần lớn các slide. Những diễn giả nổi tiếng nhất không dùng gạch đầu dòng. Chữ và các gạch đầu dòng là cách khó nhớ nhất để truyền đạt thông tin đến khán giả. Bạn có thể không làm được điều này với từng slide, nhưng đây là một bài tập hữu ích. Một khi đã buộc bản thân loại bỏ những slide nhiều chữ, bạn sẽ nhận ra bài thuyết trình của mình thú vị hơn đến mức nào. Và chắc chắn khán giả sẽ thích nó.

Hãy giúp khán giả “cảm thấy” bài thuyết trình của bạn.

Bí mật số 9: Tập trung vào sở trường của bạn

Hãy chân thật, cởi mở và rõ ràng.

Vì sao? Phần đông mọi người có thể phát hiện được kẻ giả tạo. Nếu bạn cố làm ra vẻ là một ai đó không phải là chính bạn, thì bạn sẽ không chiếm được lòng tin của khán giả.

Diễn thuyết trước công chúng được xem là một loại hình nghệ thuật. Bạn có thể học từ người khác và cách họ thành công trong thuyết trình, nhưng bạn sẽ không bao giờ tạo được ấn tượng khó phai với người khác trừ khi bạn có dấu ấn riêng của mình.

Hãy ghi nhớ điều này: khi trình bày một bài thuyết trình, bạn không nên mang mục đích là “trình bày một bài thuyết trình”, mà nó nên là để truyền cảm hứng, khích lệ người khác dám mơ ước lớn lao hơn. Bạn không thể làm cho người ta cảm động nếu họ nghĩ bạn không thật. Bạn sẽ không bao giờ thuyết phục được khán giả về bất cứ điều gì nếu họ không tin tưởng, ngưỡng mộ và yêu thích bạn một cách chân thành.

Nhà đầu tư huyền thoại, tỷ phú Warren Buffett đã từng kinh hãi việc nói trước đám đông. Sự thật là ông lo lắng đến mức khi còn học đại học, ông đã cố chọn những lớp không phải thường xuyên đứng trước mặt mọi người. Ông thậm chí còn ghi danh học một lớp thuyết trình nhưng đã bỏ cuộc trước khi nó bắt đầu.

Ở tuổi 21, Buffett bắt đầu sự nghiệp trong ngành kinh doanh chứng khoán ở Omaha và quyết định rằng để phát huy hết tài năng của mình, ông phải vượt qua nỗi sợ nói trước đám đông.

Buffett đăng ký một khóa học của Dale Carnegie cùng 30 người khác, cũng sợ phát khiếp việc phải đứng dậy và giới thiệu tên mình giống như ông. Buffett tiết lộ sự tự ti trước kia của mình trong một buổi phỏng vấn nhằm giúp các phụ nữ trẻ thành công trong sự nghiệp. Người dẫn chương trình hỏi ông: “Ông đã rèn luyện được thói quen nào trong những năm 20 và 30 tuổi mà ông tự xem đó là nền móng của thành công?”. Buffett trả lời: “Bạn cần có khả năng giao tiếp trong cuộc sống và đó là điều tối quan trọng. Ở một mức độ nhất định, nhà trường đã coi nhẹ điều đó”.

Nếu bạn không thể giao tiếp và truyền đạt với người khác những ý tưởng của mình, tức là bạn đã tự từ bỏ tiềm năng của mình.

Hãy dành thời gian. Bạn cần phải tập truyền đạt nội dung của mình hằng ngày bất cứ khi nào có cơ hội để việc trình bày cơ hội không độc chiếm sự tập trung của bạn. Bạn hẳn sẽ không muốn trở thành người vũ công lúc nào cũng phải đếm thành tiếng các bước nhảy. Rèn luyện nhiều lần giúp bạn giải phóng tâm trí để có thể kể câu chuyện của mình một cách thú vị, sống động và quan trọng nhất là chân thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sách hay nên đọc: 9 bí quyết thuyết trình của những bộ óc hàng đầu thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO