Xuất khẩu tôm: Rộng thị trường, hẹp nguồn cung

19/08/2010 05:59

Mặc dù xuất khẩu tôm trong 7 tháng tăng hơn 20% so với cùng kỳ nhưng hiện nay tình trạng dịch bệnh đối với con tôm của các tỉnh ĐBSCL đang diễn ra nghiêm trọng, đẩy ngành nuôi tôm vào khó khăn.

Xuất khẩu tôm: Rộng thị trường, hẹp nguồn cung

Mặc dù xuất khẩu tôm trong 7 tháng tăng hơn 20% so với cùng kỳ nhưng hiện nay tình trạng dịch bệnh đối với con tôm của các tỉnh ĐBSCL đang diễn ra nghiêm trọng, đẩy ngành nuôi tôm vào khó khăn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu của các nhà máy chế biến thủy sản.

Xuất khẩu lạc quan

Bất chấp những khó khăn về rào cản thương mại, nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường sụt giảm, từ đầu năm đến nay Việt Nam vẫn xuất khẩu được trên 87 nghìn tấn tôm các loại sang 78 thị trường trên thế giới, thu về 718 triệu USD, tăng 20,6% về khối lượng và 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do xuất khẩu tôm Việt Nam trong nửa đầu năm nay gặp một số thuận lợi nhất định.

Giá xuất khẩu trung bình tôm Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều tăng từ 5 đến 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt sự cố tràn dầu tại vịnh Mexico trong tháng 4/2010 đã khiến nhiều ngư trường khai thác thủy hải sản tại khu vực này phải đóng cửa. Bên cạnh đó là việc nhiều nước xuất khẩu tôm lớn như Ấn Độ, Thái Lan mất mùa khiến giá tôm xuất khẩu đang ở mức cao, tạo cơ hội cho nhiều nước trong đó có Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Mỹ.

Ngoài ra, Nhật Bản vẫn là thị trường nhập khẩu tôm số một của Việt Nam luôn giức mức ổn định trong suốt những tháng qua. Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản tăng 21,7% về lượng và 21% về giá trị. Đây chính là yếu tố quan trọng góp phần duy trì sức tăng trưởng cho xuất khẩu tôm nửa đầu năm nay.

Một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm chủ lực phải kể tới Minh Phu Seafood Corp. Công ty này đã xuất khẩu được trên 7.600 tấn tôm, trị giá xấp xỉ 79 triệu USD, tăng 38,36% về lượng và 35,41% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, Mỹ là bạn hàng nhập khẩu lớn nhất, chiếm 48,4% về giá trị, tiếp đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Công ty cổ phần thủy sản Phú Cường Jostoco (Phu Cuong Jostoco) cũng cho biết, trong những tháng qua, công ty tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu với giá trị xuất khẩu đạt 9,8 triệu USD, tương đương 861 tấn tôm sú đông lạnh.

Theo dự báo từ phía Vasep, trong những tháng cuối năm, nhu cầu tôm của thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng cao bởi hậu quả của vụ tràn dầu vẫn chưa được khắc phục triệt để vì hiện mới chỉ có một vài ngư trường khai thác tôm ở vịnh Mexico mở cửa trở lại và sản lượng khai thác đạt thấp.

Nguồn cung bất ổn

Mặc dù xuất khẩu có nhiều chuyển biến tích cực nhưng tình hình sản xuất của người nuôi tôm lại không mấy khả quan. Thông tin từ các tỉnh tại ĐBSCL cho thấy, năm 2010 diện tích nuôi tôm sú chỉ còn 550.600 ha giảm 16.000 ha so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nắng hạn kéo dài và xâm nhập mặn đã làm thiệt hại rất nhiều diện tích nuôi tôm sú ở vùng ĐBSCL và các tỉnh miền Trung đã đẩy giá tôm thương phẩm loại 20 con/kg lên gần 200.000 đồng/kg; loại 30 con/kg lên 140.000 đồng/kg và tôm sô 114.000 đồng/kg.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, kể từ đầu tháng 7/2010 đến nay, tình trạng tôm chết đột ngột ở Sóc Trăng diễn ra nhanh, diện tích thiệt hại cũng tăng một cách nhanh chóng. Không chỉ là mô hình nuôi quảng canh cải tiến, mà ngay cả diện tích nuôi công nghiệp và bán công nghiệp với kỹ thuật nuôi tiên tiến cũng bị thiệt hại nặng.

Theo Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, diện tích thiệt hại chủ yếu ở ao tôm 80 ngày tuổi trở lại. Còn tôm trên 3 tháng tuổi vẫn đang phát triển bình thường. Tại một số tỉnh khác như Kiên Giang, Vĩnh Long, Cà Mau… tình hình dịch bệnh cũng đang diễn ra trên diện rộng, đẩy ngành nuôi tôm gặp nhiều khó khăn. Nhằm đưa ra những giải pháp tình thế giúp người nuôi tôm không bị thiệt hại nặng nề, nhiều địa phương đã mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng để tìm lối ra cho nghề nuôi tôm.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều nhà máy thủy sản ở ĐBSCL chỉ hoạt động khoảng 40- 50% công suất. Nhiều nhà máy còn tổ chức hệ thống thu mua đến tận cơ sở, tuy nhiên, lượng tôm đem về rất ít. Theo dự báo từ phía Vasep tình hình này sẽ còn kéo dài ở những tháng cuối năm vì hiện nay xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 70% dựa vào nguồn nguyên liệu nuôi trồng, đặc biệt đối với xuất khẩu tôm, đa số các nhà máy dựa vào nguồn cung ứng bên ngoài, không chủ động vùng nuôi như các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra. Do đó, dễ gặp khó khăn khi có sự biến đổi từ phía người nuôi.

Cho dù xuất khẩu thủy sản trong những tháng đầu năm có mức tăng trưởng khá cao (tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng chủ yếu là do tỷ giá đang có lợi cho xuất khẩu nên các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu từ nguồn hàng tồn. Nay nguồn hàng tồn đã cạn, các doanh nghiệp đang lo vì không có nguyên liệu để sản xuất trong khi từ nay đến cuối năm cần ít nhất 300.000 tấn thủy sản để sản xuất hàng xuất khẩu...

Trước tình hình đó, dự kiến trong năm nay các doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ phải nhập khẩu khoảng 200 triệu USD nguyên liệu thủy sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu tôm: Rộng thị trường, hẹp nguồn cung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO