Thời sự

Thị trường xe điện Việt Nam, cuộc đua sẽ nóng?

Lữ Ý Nhi 09/05/2024 15:15

Dù thị trường xe điện tại Việt Nam còn non trẻ nhưng lại trở thành đích nhắm cho các hãng sản xuất xe điện trên thế giới, nhất là khi Nhà nước nắm vai trò điều phối trạm sạc dùng chung.

28-29-dns.jpg

Ẩn số cạnh tranh

Từ 2022 đến nay, các hãng xe điện thế giới từ các nhà sản xuất nổi tiếng như Mercedes, Hyundai, BMW... đã liên tục đưa các dòng xe điện “mới ra lò” vào Việt Nam, góp phần tạo sức nóng cho thị trường xe điện Việt dù mới chỉ bắt đầu.

Tuy nhiên, với chiến lược chỉ dừng lại ở mục tiêu “thăm dò”, góp mặt, các “ông lớn” Mercedes, Hyundai, BMW vẫn chưa phát triển mạnh mẽ dòng xe này, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng vì nhiều lý do khác nhau. Phần lớn vẫn chỉ tập trung nhập khẩu một số dòng xe ô tô điện cao cấp, với giá từ 3-5 tỷ đồng/chiếc/tùy dòng xe, đáp ứng cho một số rất ít khách hàng Việt. Đơn cử, Mercedes-Benz công bố bán xe điện dòng EQS tại Việt Nam với 2 model 450+ và 580 4MATIC, với giá bán lần lượt là 4.839 tỷ đồng và 5.959 tỷ đồng. BMW công bố 2 mẫu xe điện là i4 và iX3 cho thị trường Việt Nam, với giá bán từ 3.4 tỷ đồng, Audi cũng đã đưa về thị trường Việt Nam các mẫu e-tron, e-tron GT và RS e-tron GT với giá từ 2.97 tỷ đồng. Trong số này, mẫu Audi RS e-tron GT là model đáng chú ý nhất với thiết kế thể thao, với giá bán lên đến 5.9 tỷ đồng.

Ở phân khúc giá tầm trung, hãng xe nội địa VinFast cũng đưa ra nhiều dòng xe dao động trên dưới một tỷ đồng cho một chiếc ô tô điện và duy nhất VS 9 cao cấp có giá 1.9 tỷ đồng. Một số hãng xe cùng phân khúc giá tầm trung cũng nhập khẩu vào Việt Nam như Hyundai IONIQ 5 giá từ 1.3 tỷ đồng, TMT Motors với chiếc HongGuang Mini Evcó giá từ 239-285 triệu đồng… tất cả vẫn còn rất khiêm tốn cả số lượng xe bán ra và nhập khẩu.

khac-nghiet-nhu-thi-truong-xe-dien-trung-quoc-canh-tranh-gay-gat-nhieu-cong-ty-nho-lang-le-bay-mau-297123.jpg

Tuy nhiên, khi thông tin vào tháng 6/2024, hãng xe ô tô điện BYD công bố gia nhập thị trường Việt Nam với chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài (không chỉ đơn thuần nhập khẩu xe để bán như các “ông lớn” khác) với các dải sản phẩm đa dạng, với giá chỉ 600-700 triệu đồng. Kế hoạch của BYD sẽ bán khoảng 5.000 xe trong 6 tháng nửa sau 2024, tức khoảng gần 900 xe/tháng. Giới chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng, đây là con số rất thách thức cho mảng xe điện vốn chưa thực sự nở rộ và cũng là thách thức cho các đối thủ cùng sân chơi. Tuy nhiên, BYD vẫn tỏ ra tự tin vì đã từng đạt doanh thu cao các dòng xe này tại Thái Lan.

Với sự gia nhập của BYD, đồng thời trong những ngày qua, thị trường xe điện phân khúc đô thị có kích thước nhỏ đang sôi động trước thông tin VinFast mở đặt cọc dòng xe VF3, cạnh tranh trực tiếp với nhãn Wuling Hongguang Mini do TMT Motors Việt Nam đưa về, giới chuyên môn cho rằng, giờ đây, cuộc cạnh tranh thị trường xe điện tại Việt Nam mới được xem là cuộc cạnh tranh đúng nghĩa.

Tuy nhiên, ông Liu Xue Liang - Tổng giám đốc mảng ô tô của BYD châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Kế hoạch vào Việt Nam, BYD không cạnh tranh mà muốn chung tay với VinFast để phát triển xe điện và càng có nhiều thương hiệu, điều đó chứng tỏ thị trường Việt Nam càng hấp dẫn". Với chiến lược không cạnh tranh với VinFast, BYD muốn nhắm tới là các mẫu xe xăng, từ đó chiếm thị phần phân khúc này.

Nói vậy, nhưng chẳng mấy ai tin khi trong kinh doanh, miếng bánh thị phần là quyết định sống còn của doanh nghiệp. Vì thế, cuộc đua ô tô xe điện tại Việt Nam sẽ vẫn dự báo là cuộc so găng giữa các dòng xe mới và các hãng ô tô điện và ai vươn lên dẫn đầu vẫn còn là ẩn số.

Trạm sạc: Cơ hội cho các hãng xe

Một trong những lợi thế cạnh tranh giữa các hãng xe điện đó là trạm sạc. Vì thế, Vingroup đã thành lập Công ty Phát triển Trạm sạc toàn cầu V-Green với mục đích đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng trạm sạc nhằm hỗ trợ tối đa cho VinFast nhanh chóng vươn ra toàn cầu. Đồng thời, Chủ tịch Vingroup cũng đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm tới để nâng tổng mức đầu tư cho hạ tầng lên gấp 3 lần so với kế hoạch ban đầu để hướng đến mục tiêu phủ trạm sạc trên khắp đất nước.

Để giữ lợi thế, VinFast cũng chưa có chiến lược cho các hãng dùng chung trạm sạc trong ít nhất 5 năm.

sac(1).jpg

Với các hãng xe có tên tuổi như Mercedes, Hyundai, BMW, Audi… đều không có chiến lược đầu tư trạm sạc riêng tại Việt Nam mà chỉ ở một vài điểm tại các đại lý, công ty nên khách hàng mua xe phải tự trang bị bộ sạc tại nhà, chi phí khoảng 50 triệu/bộ (với Mercedes). Đây cũng là điều khiến nhiều người mua xe điện còn chần chừ vì hạ tầng các trạm sạc của các hãng này còn hạn chế.

Trong khi đó, BYD chọn hướng đi không phát triển hạ tầng sạc như VinFast. Khách hàng mua xe BYD giai đoạn đầu có thể sạc tại nhà, trạm sạc nhanh ở đại lý và của bên thứ ba. Bởi theo quan điểm của BYD, trạm sạc là mảng kinh doanh rất riêng, cơ hội cho các nhà cung cấp trạm sạc. Hãng cho rằng, nếu thị trường đón nhận tốt thì hạ tầng tự khắc sẽ phát triển theo, “có cầu ắt có cung”, có nghĩa khi thị trường xe điện đủ lớn, sẽ mở ra thị trường “trạm sạc”.

Thế nhưng mới đây, một tin vui cho các hãng xe điện và người dùng đó là Bộ Giao thông Vận Tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư 09/2024 gỡ vướng cho các nhà phát triển trạm sạc ở nhiều phương diện, với sự tham gia của một số nhà phát triển trạm sạc như: V-Green, Ever EV, Solar EV…

Tổng doanh số bán xe máy và ô tô điện hàng năm của Việt Nam có thể tăng từ dưới 1 triệu trong năm 2024 lên trên 2,5 triệu vào năm 2036. Còn uớc tính của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam dự đoán đến năm 2040, Việt Nam sẽ có 3,5 triệu ô tô điện lăn bánh trên đường.

(Theo báo cáo của HSBC)

Theo quy định mới nhất vừa được Bộ Giao thông vận tải ban hành, có hiệu lực từ 5/10/2024: các trạm dừng nghỉ xây dựng trên các tuyến cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ phải có trạm sạc, cũng như điểm đỗ dành riêng cho xe ô tô điện.

Các trạm dừng nghỉ loại 1 (có tổng diện tích 10.000m2 trở lên và khu vực đỗ xe từ 5.000m2 trở lên) và các trạm dừng nghỉ loại 2 (có tổng diện tích 5.000m2 trở lên, bãi đỗ từ 2.500m2 trở lên) bắt buộc phải có số lượng vị trí đỗ cho xe điện vào sạc chiếm tối thiểu 10% tổng vị trí đỗ xe. Còn đối với những trạm dừng nghỉ loại 3 và loại 4 (có diện tích khai thác tối thiểu lần lượt từ 3.000m2 và 1.000m2 trở lên), quy định khuyến khích xây dựng số lượng vị trí đỗ và sạc dành cho xe điện chiếm 10% dung lượng bãi xe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường xe điện Việt Nam, cuộc đua sẽ nóng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO