Xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa

HT| 04/02/2021 06:00

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo thông tư hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP.

Xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa

Dự thảo thông tư quy định rõ về xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản. Theo đó, việc xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP và các nội dung hướng dẫn cụ thể sau:

Giá trị thực tế từng tài sản của doanh nghiệp được xác định bằng đồng Việt Nam theo danh mục từng tài sản theo dõi trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp.

Đối với tài sản là hiện vật: chỉ đánh giá lại những tài sản mà công ty cổ phần tiếp tục sử dụng.

Giá trị thực tế của tài sản = Nguyên giá tính theo giá thị trường tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp x Chất lượng còn lại của tài sản tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

Tài sản cố định đã khấu hao thu hồi đủ vốn; công cụ lao động, dụng cụ quản lý đã phân bổ hết giá trị vào chi phí kinh doanh nhưng công ty cổ phần tiếp tục sử dụng phải đánh giá lại để tính vào giá trị doanh nghiệp theo nguyên tắc không thấp hơn 20% giá trị tài sản, công cụ, dụng cụ mua mới.

Đối với doanh nghiệp cổ phần hóa có tài sản hiện vật là rừng trồng, vườn cây, khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa thì giá trị rừng trồng, vườn cây được xác định theo quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BNNPTNT-BTC ngày 22/4/2015 của liên bộ gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

Đối với các tài sản được hình thành từ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước phục vụ cho hoạt động công ích mà doanh nghiệp được giao quản lý, khai thác, sử dụng thì không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Tài sản bằng tiền gồm tiền mặt, tiền gửi và các giấy tờ có giá (tín phiếu, trái phiếu...) của doanh nghiệp được xác định như sau: tiền mặt được xác định theo biên bản kiểm quỹ; tiền gửi được xác định theo số dư đã đối chiếu xác nhận với ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản; các giấy tờ có giá được xác định theo giá giao dịch trên thị trường. Nếu không có giao dịch thì xác định theo mệnh giá của giấy tờ đó và cộng thêm lãi lũy kế (nếu có) đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

Dự thảo thông tư cũng quy định về giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo phương pháp tài sản. Theo đó, tổng giá trị thực tế của doanh nghiệp cổ phần hóa là giá trị toàn bộ tài sản của doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp sau khi đánh giá lại có tính đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp.

Giá trị thực tế vốn của chủ sở hữu tại doanh nghiệp cổ phần hóa trong quyết định công bố giá trị doanh nghiệp là tổng giá trị thực tế của doanh nghiệp cổ phần hóa sau khi đã trừ các khoản nợ phải trả, số dư nguồn kinh phí sự nghiệp (nếu có).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO