TP.HCM cần chính sách đặc thù để phát triển tăng tốc

BẢO NGUYÊN| 31/10/2017 05:57

Trong các nội dung dự kiến đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIV sẽ có phiên dành thảo luận Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TP.HCM (gọi tắt là Dự thảo Nghị quyết).

TP.HCM cần chính sách đặc thù để phát triển tăng tốc

Tại buổi làm việc giữa Bộ Tài chính với Thành ủy, UBND TP.HCM và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM ngày 26/10 để thảo luận nội dung của Dự thảo Nghị quyết, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền TP.HCM, đồng thời bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp ở Thành phố là một trong những nội dung quan trọng được đề cập.

Dự thảo Nghị quyết quy định TP.HCM được tự chủ áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách mà theo quy định hiện hành thì cơ chế, chính sách đó do cấp cao hơn quyết định. Cơ chế, chính sách này được hiểu là TP.HCM sẽ được thí điểm phân cấp nhiều hơn ở một số lĩnh vực, như các khoản giữ lại từ nguồn thu, cổ phần hóa, sử dụng đất gắn với tài sản trên đất, nới các quy định về việc giữ lại một phần các khoản thu, các vấn đề liên quan đến quản lý quy hoạch đô thị và đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách, cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP.HCM quản lý.

Việc kiến nghị cho TP.HCM thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cũng đã được nhắc đến trong những năm qua. Chẳng hạn, tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TP.HCM hồi tháng 6/2017, UBND TP.HCM cũng đã đề xuất 9 kiến nghị với Chính phủ. Trong đó, riêng về nguồn vốn ODA, thành phố kiến nghị Trung ương xem xét, đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục đầu tư, bố trí vốn, giải ngân vốn, bổ sung vốn cho các công trình hạ tầng trọng điểm.

>>2 vấn đề lớn cần giải quyết của "đầu tàu kinh tế" TP.HCM

Liên quan đến nguồn vốn từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, tại buổi làm việc với Thủ tướng, UBND TP.HCM đã bày tỏ mong muốn được chủ động sử dụng các khoản thu này. Hiện nay Thành phố đã cân đối nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp từ năm 2017 trở đi, đưa vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 67.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư công quan trọng, cấp bách.

Do vậy, Thành phố kiến nghị Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án Sử dụng nguồn vốn từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (do UBND Thành phố là đại diện chủ sở hữu) và thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp khác (do UBND Thành phố làm chủ sở hữu).

Đó là chưa kể những cuộc làm việc giữa các bộ, ngành với các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề của TP.HCM, không ít kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách "mở" đã được đặt ra. Chẳng hạn, trong buổi làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách Trung ương với Hiệp hội Bất động sản TP.HCM gần đây, đại diện phía doanh nghiệp kiến nghị, Bộ Xây dựng nên phân cấp cho các đô thị lớn như TP.HCM quyền quyết định một số công đoạn như thẩm tra thiết kế, kiểm tra, nghiệm thu một số công trình bất động sản lớn.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Xây dựng có nới quy định là với những công trình bất động sản 24 tầng trở xuống thì Sở Xây dựng được thẩm định, thay vì chỉ 20 tầng như trước. Nhưng theo các nhà phát triển bất động sản, những đô thị lớn như TP.HCM không thiếu những đơn vị tại chỗ đủ khả năng kiểm định những khu nhà cao nhất.

Trong nhiều năm qua, TP.HCM luôn giữ vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, tạo ra 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 1/3 giá trị sản lượng công nghiệp, hơn 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, dẫn đầu về đóng góp ngân sách với tỷ lệ 30% và nằm trong top ba địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Song, để đáp ứng yêu cầu mới về hội nhập kinh tế thế giới cũng như thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, TP.HCM rất cần trung ương tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM cần chính sách đặc thù để phát triển tăng tốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO