Thêm khó khăn cho doanh nghiệp, nhà nông

24/02/2010 01:09

Ngay từ những ngày đầu năm 2010, giá nhiều loại nông sản, thực phẩm thế giới bất ngờ sụt giảm khá mạnh, trong đó có gạo.

Thêm khó khăn cho doanh nghiệp, nhà nông

Ngay từ những ngày đầu năm 2010, giá nhiều loại nông sản, thực phẩm thế giới bất ngờ sụt giảm khá mạnh. Có loại giao dịch kỳ hạn đến nửa năm mất giá tới 50% so với cuối năm ngoái.

Thu hoạch lúa tại tỉnh Long An. Ảnh: Lê Quang Nhật

Gạo là một trong những mặt hàng thể hiện rõ nhất sự giảm giá trên thị trường thế giới trong những tháng đầu năm nay.

Giá cả khó lường

Cuối năm 2009, cả thế giới còn lên cơn sốt gạo vì hàng loạt quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Pakistan... công bố mất mùa, thì nay có thông tin ngược lại. Cộng thêm ảnh hưởng khủng hoảnǵ, nước cần mua gạo thì không có tiền khiến giao dịch gạo ảm đạm, kéo giá tụt giảm tới 33%, từ trung bình 600 USD/tấn xuống còn 400 USD/tấn (gạo 5% tấm).

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, giá nông sản thế giới sụt giảm bởi xu hướng đồng đôla tăng giá trở lại trong năm nay. Ông Đỗ Hà Nam, tổng giám đốc công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông sản Intimex HoChiMinh cho biết: “So với những tháng cuối 2009, giá hồ tiêu, càphê xuất khẩu hiện nay đã giảm khá mạnh và giao dịch hầu như trầm lắng”. Ông Nam phân tích, khi đồng đôla tăng giá, các nhà đầu cơ sẽ phải tính toán giữa việc mua trữ nông sản với đầu tư vào lĩnh vực khác để kiếm lời. Xu hướng hiện nay, theo ông Nam, dự trữ nông sản sẽ đẩy về các nước sản xuất chứ không phải quốc gia cần nhập khẩu như trước đây.

“Khủng hoảng kinh tế cũng tác động nhiều đến dòng tiền lưu thông, nên chỉ khi nào cần tiêu thụ các nước mới tiến hành nhập khẩu”, ông Đoàn Ngọc Thơ, giám đốc công ty TNHH THO, chuyên xuất khập khẩu nông, thuỷ sản đưa ra thêm một nguyên nhân khiến giá nông sản sụt giảm. Đối với lĩnh vực thuỷ sản, ông Thơ nói khác hẳn với năm 2008, 2009, dù hai năm này nằm trong “tâm” khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu, nhưng nhu cầu nhập khẩu vẫn có. Song bước qua đầu năm 2010, thị trường bỗng trở nên “đỏng đảnh”, không những nhu cầu thấp mà giá cũng giảm khá mạnh. Cứ 1kg philê cá tra xuất đi châu Âu hiện giảm xuống còn 2,2 – 2,6 USD/kg.

Cân đong các giải pháp

Ông Trần Đức Tụng, chánh văn phòng hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, từng là chuyên gia phân tích thị trường nông sản xuất nhập khẩu (bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho rằng, nhu cầu tiêu thụ nông sản thế giới lúc nào cũng có, quý này giao dịch chậm thì quý sau sẽ sôi động.

Tuy nhiên, ông Tụng nói: “Giá nông sản ngoài phụ thuộc vào cán cân giao dịch, cung cầu, còn ảnh hưởng rất lớn vào sự thâu tóm của các nhà đầu cơ thế giới. Do đó, doanh nghiệp và nông dân cần phải tính toán sản xuất sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường, lúc nào thì nên bán ra để đạt lợi nhuận cao nhất”.

Cuối năm 2009, hiệp hội Càphê cacao Việt Nam từng đề nghị Chính phủ cho doanh nghiệp vay tiền hỗ trợ lãi suất dự trữ khoảng 200.000 tấn càphê khi nào giá xuống quá thấp. Chính sách này đang được triển khai, với đối tượng hỗ trợ là nông dân, người trữ càphê thay doanh nghiệp.

Ông Lương Văn Tự, chủ tịch hiệp hội Càphê cacao Việt Nam thông tin, giá càphê thị trường kỳ hạn London giao tháng 3 năm nay vừa giảm thêm 42 USD, còn khoảng 1.200 USD/tấn, so với thời điểm cuối 2009, đã giảm 300 – 400 USD. Việc trữ càphê, chờ thị trường giá tốt đem ra bán là giải pháp cần thiết lúc này, bởi đà giảm giá dự báo sẽ kéo dài trong các tháng tới.

Có điều, cũng như cách tính toán mua gạo tạm trữ mà doanh nghiệp xuất khẩu gạo vừa đưa ra, so với mức lãi suất như hiện nay, nếu tính toán không kỹ thì đến lúc bán hàng, cho dù được giá cao thì chưa chắc đã bù đắp được phần lãi suất phát sinh.

Bởi thế, ông Lương Văn Tự cho rằng: “Một mặt vừa khuyến cáo doanh nghiệp hội viên, nông dân chưa vội bán càphê ra. Mặt khác cũng phải lựa chọn hợp đồng giá tốt để bán và nên bán theo phương thức giao ngay chứ không nên trừ lùi vì dễ bị ép giá”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thêm khó khăn cho doanh nghiệp, nhà nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO