Thành lập Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia

Gia Lê| 04/11/2019 07:00

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đưa ra dự thảo thông tư quy định quy chế quản lý và sử dụng Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia để lấy ý kiến, và đã có những tranh luận trái chiều xung quanh vấn đề này.

Thành lập Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia

Dự thảo thông tư mới gồm 9 điều, với mục tiêu quản lý và sử dụng Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia nhằm hỗ trợ ổn định giá trị đồng tiền, kiềm chế lạm phát, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).

Trong đó, nội dung cơ bản gồm: hướng dẫn chi tiết các quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 và Quyết định 07/2013/QĐ-TTg; quy định rõ nguyên tắc quản lý và sử dụng Quỹ chính sách tiền tệ (CSTT); quy định cụ thể các nội dung về quản lý và sử dụng đối với các khoản sử dụng Quỹ CSTT và thẩm quyền quyết định sử dụng Quỹ CSTT; quy định trình tự, thủ tục sử dụng Quỹ CSTT; xác định trách nhiệm của các đơn vị có liên quan đến quản lý và sử dụng Quỹ CSTT.

Về cơ chế thành lập, Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 đã có quy định, cho phép NHNN được trích từ kết quả tài chính hằng năm để lập Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia; mức trích lập và việc sử dụng Quỹ này thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Link bài viết

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 07/2013/QĐ-TTg về chế độ tài chính của NHNN, trong đó quy định cơ quan này được trích 20% chênh lệch thu chi hàng năm để bổ sung Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, số dư thực có của Quỹ không vượt quá vốn pháp định của NHNN.

Theo Quyết định 07 nói trên của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN quyết định sử dụng Quỹ này để cho vay hỗ trợ các tổ chức tín dụng gặp sự cố, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng; cho vay đối với các thành viên tham gia hệ thống thanh toán để hỗ trợ hệ thống thanh toán trong trường hợp gặp sự cố đe dọa đến việc đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán và an toàn hệ thống ngân hàng.

Còn theo điều 5 của dự thảo thông tư quy định các khoản sử dụng Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, gồm:

(1) Cho vay để hỗ trợ các TCTD gặp sự cố ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng;

(2) Cho vay đối với các TCTD tham gia hệ thống thanh toán để hỗ trợ hệ thống thanh toán trong trường hợp gặp sự cố đe doạ đến việc đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán và an toàn hệ thống ngân hàng;

(3) Góp vốn, mua cổ phần của TCTD được kiểm soát đặc biệt;

(4) Cấp vốn cho các doanh nghiệp đặc thù liên quan đến thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia;

(5) Bù đắp khoản chênh lệch chi lớn hơn thu hàng năm của NHNN (nếu có) do ảnh hưởng từ hoạt động điều hành chính sách tiền tệ quốc gia còn lại sau khi đã sử dụng hết Quỹ Dự phòng tài chính;

(6) Xử lý các khoản NHNN đã sử dụng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ chính sách tiền tệ quốc gia nhằm ổn định giá trị đồng tiền, kiềm chế lạm phát, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội;

(7) Là các khoản phát sinh khác đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về chủ trương.

Link bài viết

Trong đó, nội dung số (3) về việc góp vốn, mua cổ phần của TCTD được kiểm soát đặc biệt gây chú ý hơn cả, khi gợi mở một hướng giải pháp mới để NHNN có thể trực tiếp tham gia thúc đẩy quá trình tái cơ cấu hệ thống.

Từ năm 2011 đến nay, khi triển khai tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, cũng như trong quá trình hoạt động, đã có một số trường hợp NHNN mua lại bắt buộc với giá 0 đồng, cũng như đưa vào diện được kiểm soát đặc biệt.

Từ đó đến nay, ngân sách nhà nước không tham gia và không bố trí nguồn cho quá trình này, cũng như nguyên tắc không được sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.

Vừa qua, NHNN có văn bản kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh các nghị quyết trước đây, để có thể bố trí nguồn cho việc tăng vốn các ngân hàng thương mại nhà nước. Trong kiến nghị đó cũng nêu rõ không bao gồm các ngân hàng thương mại đã mua lại bắt buộc.

Trong khi đó, giới phân tích cũng đặt ra nghi ngờ không rõ có quốc gia nào mà ngân hàng trung ương có một quỹ như vậy, dù một số nước như Singapore hay Trung Quốc có quỹ quản lý dự trữ ngoại hối nhưng không trực thuộc ngân hàng trung ương và không liên quan trực tiếp đến chính sách tiền tệ. Ngoài ra, sau khi có dự thảo trên, có ý kiến chuyên gia cho rằng, việc góp vốn, mua cổ phần như vậy thuộc chức năng của Bộ Tài chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thành lập Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO