Smartphone Huawei có nguy cơ là “cục gạch”?

Thu Trân| 22/05/2019 05:48

Quả thật là một đòn choáng váng khi sáng 20.5, dân Việt Nam nghe tin Huawei- tập đoàn điện thoại lớn thứ hai trên thế giới của Trung Quốc bị người khổng lồ Google rút giấy phép hệ điều hành Android theo sự chỉ đạo của chính phủ Mỹ vì lý do “rủi ro an ninh quốc gia”. Tiếp theo đó là các nhà thiết kế, cung cấp chip nổi tiếng trên thế giới như Intel, Qualcomn, Broadcom... cũng lần lượt “nghỉ chơi” Huawei, có vẻ vì “rủi ro” của họ hơn là vì rủi ro của nước Mỹ hay toàn thế giới.

Smartphone Huawei có nguy cơ là “cục gạch”?

Dân Việt lao nhao trước thông tin này là phải. Bởi không có hệ điều hành Adroid; những Youtube, Gmail, Google map... sẽ biến khỏi đời sống mạng bay bổng và nguồn cung cấp thông tin thông dụng khổng lồ hàng ngày cũng không còn. Não tê liệt, cánh tay nối với thế giới bên ngoài bị chặt đứt, smartphone Huawei đang cầm trong tay không là “cục gạch” thì là cái gì?

“Viễn cảnh cục gạch” của smartphone Huawei thấy rất rõ trên thị trường điện thoại di động Việt Nam từ ngày 20.5 đến nay (22.5). Trần Tuấn Nam, nhân viên một cửa hàng Thế giới di động trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1) cho biết, ngay từ sáng 20.5 đã có rất nhiều khách hàng tìm đến để bán hoặc xin đổi Huawei. Giá Huawei đã biến động từng giờ, Huawei P.30 phiên bản mới nhất trước đó có giá 23 triệu đồng, đến cuối ngày đã có những cuộc giao dịch diễn ra chỉ có giá... 500 ngàn đồng (!). Đến sáng 21.5, tình hình đã có vẻ trật tự lại hơn, những con Huawei P.30 lại yên chí nằm ngoan trong túi chủ, bởi nghe ngóng thông tin, mọi người cũng hiểu, hẳn chưa đến ngày tàn với những Huawei đã mua trước đó. Trước tiên, bằng một thông tin sáng 21.5, vừa có vẻ bùng nổ, vừa có vẻ “xoa đầu” từ phía ông lớn Google được quyền ban phát: sẽ nới lỏng việc quản lý một số phần mềm với Huawei trong vòng 3 tháng để duy trì hoạt động các nhà mạng. Sau đó thêm một khẳng định có gang có thép, cũng từ anh cả Google, các dịch vụ của Android như Google Play, Google Play Protect... vẫn còn hoạt động trên Huawei. Cùng lúc, cộng đồng những người sử dụng Huawei ở Việt Nam (20 ngàn thành viên và 300 tài khoản) cũng đã phát thông báo kêu gọi mọi người hãy thận trọng hơn khi mua bán Huawei lúc này. Những nhà bán lẻ lớn ở Việt Nam như Thế giới di động, Viettel, FPT... cũng chưa thấy động tịnh gì trước cuộc chiến Huawei- Google, họ đang chờ thông tin từ Huawei về việc xử lý các sản phẩm Huawei còn tồn đọng trong hệ thống.

HW-2-5689-1558514876.jpg

Sau khi yên vị với con Huawei chưa đến nỗi trở thành cục gạch nằm yên trong túi, các thành viên cộng đồng Huawei ở Việt Nam bắt đầu bước vào chốn lao xao mới, một “kênh giải trí” mới. Cuộc chiến giữa Huawei và Google không có dấu hiệu hẹn hồi kết. Chỉ có những nới lỏng tạm thời để hạ nhiệt. Ăn miếng trả miếng, đất nước 1,3 tỉ dân của ông Tập Cận Bình bắt đầu bước vào cuộc chiến xỉ vả Apple của ông Trump. Dân mạng Weibo, trang mạng xã hội lớn ở Trung Quốc như Twitter của Mỹ, cho rằng, thương hiệu Huawei đã cắt quả táo Apple làm tám mảnh với cách đặt vấn đề: “Các tính năng trên smartphone Huawei hoàn toàn có thể thay thế iPhone, thế thì tại sao mọi người vẫn cứ phải dùng Apple?”. Và nhiều người Trung Quốc đã đồng loạt tẩy chay Apple. Cùng với chiến dịch tẩy chay này, doanh số iPhone quý 1.2019 ở Trung Quốc giảm 30% so với cùng kỳ năm trước; công ty công nghệ Mỹ chỉ bán được 6,5 triệu chiếc smartphone tại Trung Quốc, đây là mức thương mại thấp nhất tại thị trường nước này của iPhone trong 2 năm gần đây. Trong khi đó, smartphone Huawei đạt  mức tăng trưởng 41% trong quý 1.2019, đây là mức tăng trưởng hiếm thấy của Huawei tại thị trường Trung Quốc trong 2 năm gần đây. Điều này cũng dễ hiểu trong cuộc chiến ủng hộ hàng nội, chống hàng ngoại của nhân dân Trung Quốc. Người Trung Quốc trong nước được trợ giá 15% khi mua sản phẩm của Huawei. Trong một diễn biến lạc quan khác cho Huawei, khi Giám đốc điều hành Huawei Richard Yu tuyên bố công ty đã phát triển hệ thống điều hành riêng mang tên Hongmeng từ năm 2012, tính năng của hệ điều hành này tương đương hệ điều hành Adroid của Google, vấn đề là họ chưa muốn sử dụng mà thôi. Tuyên bố này cũng có thể là giải pháp tình thế để Huawei gỡ rối tạm thời. Thực tế, hai hệ điều hành IOS (của Apple) và Android (của Google) đang chiếm đến hơn 99% thị phần hệ điều hành di động toàn cầu.

Chuyện những ông lớn công nghệ với nhau, dưới bàn tay tài khoá chính trị của ông Trump, hẳn là còn lâu mới kết thúc. Những nới lỏng và dịu giọng sau những tuyên bố sắt thép chỉ cho thấy như trò mèo vờn chuột. Mọi người nghĩ rằng, đây liệu có thể là cú giơ cao đánh khẽ của ông Trump để Trung Quốc “biết lễ độ” hơn trong những điều đình thương mại? Hệ quả của sự việc lần này là những vấn đề liên quan đến kinh tế, chính trị giữa hai cường quốc Mỹ- Trung. Đối xử phủ phàng với “người tình tiềm năng” Huawei quả là một quyết định không dễ dàng đối với Google, đặc biệt khi đây là hãng điện thoại lớn thứ 2 thế giới và đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển hệ điều hành Android. 

Được mất gì sau chuyện cấm vận này? Liệu Mỹ có cản trở được giấc mơ 5G của Huawei? Không khéo ông Trump lại tính già hoá non, sau scandal khủng này, có khi người ta lại tìm đến sản phẩm của Huawei nhiều hơn; vì vô hình trung ông đã khuấy động nó lên, đã quảng cáo miễn phí cho nó, đã đặt nó ngang tầm với iPhone rồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Smartphone Huawei có nguy cơ là “cục gạch”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO