Cụ thể, sửa đổi quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động. Nghiên cứu điều chỉnh tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội theo hướng hài hòa quyền lợi giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Tại Nghị quyết 125/NQ-CP năm 2018, để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW, khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội 2014 sẽ sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội.
Mới đây, tại Quyết định 500/QĐ-TTg , Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp cùng các bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương sửa đổi quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập có tính chất tiền lương của người lao động để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động theo Nghị quyết 28-NQ/TW và Nghị quyết 125/NQ-CP .
Đồng thời Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các cơ quan có liên quan đề xuất chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2021-2025 nhằm đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 28-NQ/TW. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội tự nguyện để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung các chính sách bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết 28-NQ/TW .