Sắp có nghị định quản lý hàng hóa xuất khẩu qua thương mại điện tử

HT| 02/03/2021 06:00

Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng nghị định quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử.

Sắp có nghị định quản lý hàng hóa xuất khẩu qua thương mại điện tử

Cụ thể, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 24/NQ-CP ngày 26/2/2021 thông qua đề nghị xây dựng nghị định quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử. Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng nghị định theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản có liên quan, trình Chính phủ trong quý IV/2021.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử. Theo đánh giá của cơ quan hải quan, hoạt động thương mại điện tử qua biên giới được phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong thời gian gần đây, với đặc điểm của hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử thường là hàng hóa nhỏ lẻ, trị giá thấp, hàng hóa của cá nhân, sử dụng cho mục đích tiêu dùng của cá nhân.

Do các giao dịch thương mại điện tử đối với hàng hóa đơn giản, thuận tiện nên số lượng hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử phát sinh nhiều và tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có quy định về quản lý đối với loại hình xuất khẩu này này dẫn đến quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn vướng mắc cũng như chưa thực sự tạo thuận lợi cho loại hình này.

Chẳng hạn, hiện nay phát sinh vướng mắc về hồ sơ hải quan, xác định trị giá hải quan làm cơ sở tính thuế. Do người mua hàng không có chứng từ liên quan đến trị giá của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là các chứng từ nhằm chứng minh trị giá giao dịch của hàng hóa, cơ sở để cơ quan hải quan thực hiện tính thuế. Bên cạnh đó, cơ quan hải quan và các doanh nghiệp bưu chính chịu áp lực về tốc độ thông quan hàng hóa. Phương thức quản lý rủi ro đối với loại hình này chưa được áp dụng do chưa có thông tin đến trước của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nên không đủ cơ sở dữ liệu để đưa ra quyết định miễn kiểm tra đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Ngoài ra, hoạt động thương mại điện tử qua biên giới còn phát sinh vướng mắc đối với hàng hóa thuộc diện cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng nhập khẩu. Do người mua hàng chủ yếu là các cá nhân nên không nắm được quy định về các chính sách quản lý xuất nhập khẩu, quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử. Nhiều trường hợp hàng hóa về Việt Nam nhưng không có đủ giấy phép, không đáp ứng được điều kiện kiểm tra chuyên ngành đề nhập khẩu. Trong khi đó, pháp luật quản lý chuyên ngành cũng chưa có quy định miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa phục vụ mục đích cá nhân không dùng cho mục đích kinh doanh được giao dịch qua thương mại điện tử.

Trong khi hồ sơ cấp phép/ kiểm tra chuyên ngành của các đơn vị quản lý chuyên ngành chỉ phù hợp với đơn vị thực hiện nhập khẩu nhằm mục đích kinh doanh còn cá nhân, tổ chức nhập khẩu chỉ nhằm mục đích sử dụng cho cá nhân thì không có giấy tờ đáp ứng đủ điều kiện để được cấp phép.

Để tháo gỡ các vướng mắc trên, cần thiết phải có quy định nhằm tháo gỡ, các giải pháp sẽ được quy định chi tiết, cụ thể trong nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 431/QĐ-TTg ngày 27/3/2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sắp có nghị định quản lý hàng hóa xuất khẩu qua thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO