Phản biện cổ phần hóa trường học

PHAN CHÁNH DƯỠNG| 15/05/2009 00:59

Bộ Tài chính đã đưa ra một dự thảo quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp có thu thành công ty cổ phần làm cơ sở pháp lý cho việc chuyển trường học thành công ty cổ phần. Đọc một số ý kiến tranh luận trên báo chí về vấn đề có nên cổ phần hóa trường học công lập thành công ty cổ phần hay không, chúng ta thấy có hai khuynh hướng tiếp cận như sau:

Phản biện cổ phần hóa trường học

Bộ Tài chính đã đưa ra một dự thảo quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp có thu thành công ty cổ phần làm cơ sở pháp lý cho việc chuyển trường học thành công ty cổ phần. Đọc một số ý kiến tranh luận trên báo chí về vấn đề có nên cổ phần hóa trường học công lập thành công ty cổ phần hay không, chúng ta thấy có hai khuynh hướng tiếp cận như sau:

CTA: Trong một lớp học tại Trường đại học Ngoại thương Hà Nội - ẢNH Trần Tiến Dũng


1. Trở lại vấn đề cơ bản, đặt lại các câu hỏi mục tiêu của giáo dục là gì, kiến thức có phải là hàng hóa, quyền bình đẳng về hưởng thụ giáo dục của mọi công dân và vai trò, trách nhiệm của Nhà nước đối với việc thực hiện quyền bình đẳng đó. Sau đó là vai trò của đại học trong thời đại hôm nay.


2. Nhắm vào những lĩnh vực yếu kém của ngành giáo dục nước ta như cơ sở trường ốc, lương bổng của người làm công tác giảng dạy, chi phí cho những đề tài nghiên cứu, quyền tự chủ điều hành về mọi mặt của nhà trường, chất lượng đào tạo… Sau đó xác định vai trò của đại học trước vận mệnh đất nước.


Từ hai cách tiếp cận này, các tác giả đưa ra các ý kiến biện minh nên hay không nên tiến hành cổ phần hóa trường học công lập. Cuộc tranh luận còn tiếp diễn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự kiến chọn 15 đến 20 trường đại học, cao đẳng làm thí điểm trong năm năm tới. Như thế, xu thế cổ phần hóa nhà trường đang trên đà tiến tới và ý kiến phản đối đang trở thành ý kiến phản biện.


Đối với cách tiếp cận thứ nhất, đã có biết bao bài viết của các nhà khoa học, nhà giáo, nhà xã hội học, chính trị gia trên thế giới tranh luận nhưng chưa thể có kết luận đúng sai. Gần đây nhất, tham luận của giáo sư Cao Huy Thuần tại hội thảo hè ở Nha Trang cuối tháng 7/2008 về đề tài “Đại học là hàng hóa hay công ích” đã tổng hợp, so sánh, đánh giá các ý kiến khác nhau rất đáng tham khảo.


Trên thực tế, mọi ý kiến khác nhau đó đều cùng tồn tại ở các nước công nghiệp phát triển và các nước có ngành giáo dục tiên tiến ngay ở châu Á. Do đó các loại trường công, trường tư thục, trường của các hội đoàn, các tập đoàn công ty, của các tổ chức tôn giáo… đều tồn tại bên nhau và làm nhiệm vụ khác nhau theo mục tiêu tồn tại của chúng.


Vấn đề tiếp theo là kiến thức có phải là một loại hàng hóa hay không, là tài sản riêng của những người sở hữu hay là một loại hàng hóa công. Nếu quan niệm kiến thức là hàng hóa, là tài sản riêng của người sở hữu nó thì trong quá trình sử dụng, để được hưởng lợi thì giá trị của kiến thức đó cũng đã được chia sẻ một cách tự nhiên, khách quan cho cộng đồng xã hội. Giống như những sáng chế ra các sản phẩm công nghiệp, người nào có công tìm kiếm thì được hưởng lợi từ những thành quả đó suốt đời, nhưng các lợi ích đó cũng được chuyển giao cho các thế hệ sau thừa hưởng.

Đây chính là lý do quan trọng nhất để bất cứ quốc gia nào quan tâm đến việc bồi dưỡng nhân tài tạo điều kiện cho mọi người trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Nếu ai không có khả năng tài chính để học ở trường phải đóng học phí thì được trường công thu nhận theo quy chế mà Nhà nước đã quy định. Do đó, sự tồn tại của trường công là một yêu cầu mà bất kỳ nhà nước nào cũng phải có trách nhiệm xây dựng và tổ chức cho tốt.


Trong cách tiếp cận thứ hai, đa số ý kiến đều đồng tình với chủ trương cổ phần hóa trường học, cho đó là giải pháp hữu hiệu nhất để khắc phục các yếu kém của nền giáo dục của nước ta hiện nay, nhất là ở cấp cao đẳng và đại học.


Để rộng đường suy xét, xin đặt ra một vấn đề: Cổ phần hóa một đơn vị công lập là chuyển cơ sở đó từ hình thức sở hữu nhà nước sang hình thức khác, về cơ bản là chuyển cơ sở vật chất của đơn vị đó từ công hữu sang chế độ đa chủ sở hữu. Hiện nay chúng ta đã có trường tư thục, trường dân lập (cũng là dạng cổ phần), vậy các loại trường đó (không phải là trường công) đã hoạt động thật sự tốt hơn các trường công chưa? Dường như ở đó vẫn chưa có gì nổi bật hơn về mặt chất lượng, còn về cơ sở vật chất cũng như việc chọn lựa đội ngũ giáo viên, thu nhận học sinh… vẫn gặp nhiều khó khăn hơn so với trường công.

Khó khăn đó do những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì các trường này ngoài việc có thu học phí thì vẫn chưa được tự chủ. Điều này có thể giải thích vì sao một số trường đại học công lập chưa sẵn sàng cổ phần hóa. Như vậy, cổ phần hóa không phải là giải pháp có thể khắc phục những yếu kém của bậc đại học, cái cần phải giải quyết cơ bản chính là một tư duy mới cho nền giáo dục, từ đó có những chính sách mới phù hợp theo tinh thần xã hội hóa giáo dục một cách thực chất.


Chủ trương xã hội hóa hiện nay dường như được xây dựng trên tinh thần “bao cấp về nội dung có mở rộng về hình thức”. Chủ trương xã hội hóa giáo dục của nước ta bắt nguồn từ đối sách “chữa cháy” của Nhà nước đối với ngành giáo dục. Do Nhà nước không đủ kinh phí xây dựng trường lớp, trả lương thỏa đáng cho thầy cô giáo, đáp ứng đủ cho số người trong độ tuổi học hành được cấp sách đến trường nên phải cho phép các trường công được thu một phần học phí để trang trải chi phí, cải thiện trường lớp và cho phép giáo viên tổ chức dạy thêm ngoài giờ để có nguồn thu cải thiện đời sống.

Tiếp đó, Nhà nước cho phép mở trường bán công, rồi trường dân lập, trường tư… Tất cả có lẽ chỉ nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt về tài chính chứ chưa thật sự đi vào chủ trương xã hội hóa một cách thực chất. Nay, tiến đến cổ phần hóa trường công lập thì dù cho rằng đó là cái mới, song cái mới vẫn còn trong vòng tư duy trên mà thôi.


Trong thực tế, mọi người sinh ra đều gắn liền với thân thế gia đình, xã hội, do đó một khi còn tồn tại sự khác biệt lớn về thu nhập cũng như địa vị xã hội thì chưa thể có sự bình đẳng trong sự hưởng thụ giáo dục và đào tạo. Do đó, Nhà nước phải là người chịu trách nhiệm cải thiện sự thua thiệt của con em các gia đình nghèo khó trong việc học hành. Công cụ để cải thiện chính là các trường công lập vì là những đơn vị công ích thật sự mà Nhà nước phải hỗ trợ để chúng làm tốt nhiệm vụ với chất lượng tốt nhất có thể có.


Bên cạnh đó, Nhà nước nên mở rộng cho xã hội tham gia vào công tác giáo dục, đào tạo bằng nhiều hình thức như trường tư thục, trường dân lập của hội đoàn, của các doanh nghiệp hay cả các trường do nước ngoài đầu tư. Điều cơ bản ở đây là trên tinh thần đổi mới tư duy trong giáo dục đào tạo, các trường đều được tự chủ điều hành như các trường danh tiếng của các nước công nghiệp phát triển.


Khó khăn tiếp theo của các trường tư hay trường dân lập là cơ sở vật chất. Trong điều kiện hiện nay, muốn có một mặt bằng đủ rộng để xây dựng một trường học đủ tầm, tương xứng với từng cấp học là vô cùng khó khăn. Nhà nước nên giúp họ giải quyết bài toán đó bằng việc quy hoạch đất đai đảm bảo có đất để xây trường theo đúng quy mô và kế hoạch đào tạo dài hạn.


Như vậy, chính quyền các cấp phải có quy hoạch mặt bằng đất đai đầy đủ dành cho xây dựng, không chỉ các cơ sở giáo dục, đào tạo mà còn y tế, văn hóa, thể thao... Cơ sở nào do Nhà nước xây dựng và điều hành thì thuộc về công lập. Phần còn lại đều giao cho tư nhân, hội đoàn thực hiện dưới nhiều hình thức và do chính các tổ chức đó điều hành và khai thác, kinh doanh. Người dân có được những tiện ích đó và chính những tiện ích đó nói lên chất lượng cuộc sống của xã hội chúng ta.

Đây chính là hình thức xã hội hóa tốt nhất vì có sự cộng đồng trách nhiệm của Nhà nước và nhân dân. Việc làm này còn hiệu quả hơn nhiều lần ý đồ cổ phần hóa đang được bàn hôm nay. Điều này cũng giống như khi trẻ bị bệnh, sốt cao thì phải cho uống thuốc đúng bệnh thì mới hạ sốt, chứ đưa vào phòng điều hòa thì người chăm sóc bệnh có khỏe hơn, nhưng bệnh của trẻ không thể hết được.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phản biện cổ phần hóa trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO