Chúng ta dù ở cương vị, tầng lớp nào, sống bởi ngành nghề gì, đều đã trải qua một năm đầy khó khăn vì đại dịch Covid-19 - một trận dịch lây lan nhanh chóng khắp thế giới mà lần đầu tiên trong đời người được trải nghiệm. Từ đó nhìn ra được rằng dịch bệnh gây hại không loại trừ một ai.
Dịch bệnh không chỉ tấn công vào sức khỏe của mọi người mà còn tấn công vào mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, sự thiệt hại về sinh mạng con người vô cùng lớn và sự thiệt hại về kinh tế của toàn thế giới càng không hề nhỏ. Ngay cả lực lượng khoa học - kỹ thuật hùng mạnh nhất của các nước tiên tiến và lực lượng tâm linh siêu việt xưa nay cũng chưa có lời giải xác định. Trạng thái này buộc chúng ta phải thốt lên rằng: Chấp nhận "sống chung với một loại virus không có trí tuệ”.
Tại sao loài người lọt vào tình cảnh này? Loài người từ khi biết dùng công cụ (nhất là sử dụng lửa) để bảo vệ được mình và tạo được môi trường sống tốt hơn muôn loài khác đến nay chỉ khoảng 200.000 năm. Trong suốt thời gian đó, loài người đã mò mẫm để tìm ra một phương thức sống ngày càng văn minh hơn. Trong lĩnh vực đói ăn, rét mặc, hình như đại đa số con người mới được thoát ra trong khoảng 300 năm qua, nhưng đã phải trả một cái giá vô cùng to lớn, đó là đã tiêu diệt gần hết muôn loài trong tự nhiên, thay đổi hầu như tất cả môi trường sống của muôn loài khác và đã làm tuyệt chủng nhiều loài sinh vật yếu thế, hoặc buộc chúng phải sống chung với môi trường con người để ta sử dụng chúng theo ý chí của chúng ta (chúng ta đã thuần hóa nó), khiến chúng phải cam chịu "sống chung với một loại sinh vật có trí tuệ siêu việt".
Thật vậy, trong hai năm qua, virus SARS-CoV-2 đã tấn công chúng ta 4 đợt với những loại vũ khí biến dạng, tính nguy hại càng gia tăng. Con người chỉ có bị động chống đỡ bằng vaccine phòng thủ, hóa giải độc tố của virus mà chưa kịp tạo ra loại thuốc (vũ khí) tiêu diệt chúng. Sự chậm trễ này do nội bộ xã hội con người không đoàn kết, không tạo ra được một trận tuyến thống nhất để "kháng địch". Từ đó lộ dạng sự yếu kém chí tử của tổ chức xã hội loài người trước đại dịch mang tính toàn cầu như hiện nay. Sự ích kỷ hẹp hòi và sự thiếu trách nhiệm với cộng đồng đã trở thành một loại nguy hại nhất đối với nền văn minh chúng ta hiện nay. Do đó việc chống lại sự tàn phá của virus còn phải song song với việc thay đổi cơ chế quản lý xã hội, đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích của cá nhân. Cụ thể là có những nhóm người đã nhân danh tự do cá nhân, không tham gia vào việc tiêm ngừa dịch bệnh, nhất là còn có bọn người thừa cơ dịch bệnh đang hoành hành để đầu cơ lũng đoạn, kinh doanh trục lợi trên nỗi đau khổ của đồng loại.
Qua trận chiến giữa virus và con người đã và đang diễn ra, cho ta nhận ra rằng:
Sức mạnh của virus là cấu trúc đơn giản (chỉ một đơn bào) không có sức ì nội tại. Thích nghi nhanh với môi trường và tự biến đổi nhanh để tồn tại (1 thành 2, 2 thành 4... theo cấp số nhân) nên đã có khả năng chống chọi với loài người trong hai năm qua và còn có thể kéo dài. Đây cũng là bài học lớn cho loài người trước những biến động không thể lường trước được.
Loài người là sinh vật có trí tuệ cao nhất, nhưng sự tồn tại cũng trên cơ sở gắn bó hữu cơ với cộng đồng muôn loài trên hành tinh này. Ngay trong cơ thể chúng ta cũng là một môi trường có nhiều loại vi sinh cộng sinh một cách hòa hợp. Do đó sống hòa hợp với môi trường thiên nhiên trong cũng như ngoài cơ thể chúng ta là điều kiện tiên quyết để bảo tồn sự sống loài người.
Chúng ta không được vì bất cứ lý do gì làm phá hoại môi trường sống của mình cũng như môi trường sống của các loài sinh vật khác. Ranh giới thiên nhiên của môi trường sống của muôn loài chính là tính tự cân bằng sinh thái của các loài với nhau. Nếu chúng ta vi phạm, ví dụ như dùng quá nhiều thuốc trừ sâu, phân hóa học, hóa chất bảo quản thực phẩm, hay săn bắt các thú rừng để ăn, làm cho các loài vi sinh vật hay virus trên thân các con đó không còn môi trường sống, chúng sẽ tìm môi trường mới, đó là cơ thể con người, lúc đó chúng trở thành virus độc hại cho chúng ta.
Những nhận thức trên đây, chưa phải là một nghiên cứu sâu với những chứng minh khoa học đầy đủ, nhưng là một cảm nhận trực giác của tôi trước một viễn cảnh khá bất định của trạng thái dịch bệnh, mong quý độc giả cùng suy ngẫm. Hãy tự đánh giá những bất cập của nền văn minh mà chúng ta luôn tự hào. Lòng tham vị kỷ và chiến tranh luôn là nguồn gốc tạo nên khổ đau và hủy diệt. Phải giải quyết được sự hài hòa cho cuộc sống mọi người và cho mọi loài trên hành tinh xanh này mới là mục tiêu lớn nhất của nền văn minh chúng ta.