Phải phát triển nhanh năng lượng tái tạo

Song Anh| 15/11/2019 06:00

Đến năm 2050, ở Việt Nam, chi phí cho vấn đề sức khỏe do tác động từ việc sản xuất điện than có thể lên tới 2% GDP, tương đương 20 tỷ USD”, ông Morten Bӕk - Quốc vụ khanh phụ trách lĩnh vực khí hậu, năng lượng và hạ tầng Đan Mạch ước tính, khi trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn.

Phải phát triển nhanh năng lượng tái tạo

Ông Morten Bӕk - Quốc vụ khanh phụ trách lĩnh vực khí hậu, năng lượng và hạ tầng Đan Mạch

* Đan Mạch và Việt Nam là đối tác trong lĩnh vực năng lượng. Theo ông, cách phát triển năng lượng của Việt Nam nên như thế nào?

- Việt Nam đang có những cam kết để chuyển đổi việc sản xuất điện năng. Tất nhiên, việc chuyển đổi không thể một sớm một chiều. Việt Nam cần đầu tư rất nhiều, cả về tài chính và năng lực cho quá trình chuyển đổi này. Tôi nghĩ, một trong những điều quan trọng là cần xây dựng hệ thống truyền tải điện hoàn chỉnh, cũng như phải giải quyết được ô nhiễm từ các nhà máy điện than, trong khi hiện nay Việt Nam vẫn đang đầu tư vào lĩnh vực này.

Trong báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam, chúng tôi đã đưa ra những con số về phát triển năng lượng của Việt Nam. Chúng tôi cũng tính toán lượng ô nhiễm không khí do sản xuất điện từ than. Theo đó, nếu Việt Nam không chuyển đổi sớm cách sản xuất điện năng thì đến năm 2050, chi phí cho vấn đề sức khỏe do tác động từ điện than có thể lên tới 2% GDP, tương đương 20 tỷ USD. 

* Việt Nam đang xây dựng quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, ông có góp ý nào không?

- Theo tính toán của chúng tôi, nếu Việt Nam phát triển hệ thống điện theo kế hoạch hiện tại, lượng phát thải sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn 2020-2030 và giai đoạn 2030-2050 lại tăng gấp đôi 10 năm trước đó. Nhưng nếu Việt Nam giảm sử dụng than, thúc đẩy tiết kiệm năng lượng và phát triển mạnh năng lượng tái tạo thì có thể giảm tới 51% lượng phát thải khí CO2 vào năm 2050.

Các tính toán cũng chỉ ra, Việt Nam có thể giảm mức phát thải carbon hằng năm tới 39% vào năm 2050 so với hiện tại. Mức giảm này tương đương với 370 triệu tấn CO2. Đến năm 2050, nếu Việt Nam tập trung phát triển năng lượng tái tạo, sẽ tiết kiệm chi phí về đầu tư vào hệ thống điện, có thể lên tới 15 tỷ USD. Như vậy, nếu Việt Nam dừng xây dựng các nhà máy điện than sẽ góp phần giảm thải CO2 rất lớn để bảo vệ môi trường. 

* Theo ông, phát triển năng lượng tái tạo có giải được bài toán thiếu điện của Việt Nam?

- Trong báo cáo triển vọng năng lượng, chúng tôi đã tính toán lượng điện của Việt Nam đến năm 2030. Lý do chúng tôi không tính toán thời gian dài hơn là bởi vẫn có những điểm có thể thay đổi trong thời gian tới liên quan đến quy hoạch điện của Việt Nam. Các cơ quan hữu quan của Việt Nam có thể dựa vào báo cáo này để nghiên cứu quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh và hiệu quả về chi phí, đồng thời giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. 

Hiện nay, sản xuất điện từ than vẫn còn rẻ. Muốn giảm điện than, không có cách nào khác là phải phát triển năng lượng tái tạo với chi phí hợp lý. Việt Nam có tiềm năng để trở thành một trung tâm điện gió của khu vực. Một điểm cần lưu ý, Việt Nam nên có những cam kết cụ thể về mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo. Chính phủ Đan Mạch đã đặt ra những chỉ tiêu mới liên quan đến phát triển điện để đến năm 2030 có 100% điện sạch. Mục tiêu ấy làm cho các nhà đầu tư tin tưởng và tiếp tục đầu tư. 

Đến Việt Nam lần này, tôi đã làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương, Trưởng Ban kinh tế Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Chúng tôi đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến giảm phát thải khí carbon trong ngành năng lượng, trao đổi giai đoạn tiếp theo của Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch, những hoạt động ở cấp quốc gia về ngăn chặn biến đổi khí hậu cũng như quan hệ thương mại giữa hai nước. Hy vọng những khuyến nghị ấy góp phần giúp Việt Nam phát triển ngành điện theo hướng bền vững. 

* Cảm ơn ông! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phải phát triển nhanh năng lượng tái tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO