Những điều kiện để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực

Thảo Nguyên| 17/10/2019 05:53

Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2019 với chủ đề “Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế” sẽ diễn ra vào ngày 18/10/2019, là diễn đàn trao đổi giữa lãnh đạo TP.HCM với các chuyên gia nghiên cứu, các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế nhằm thảo luận, đánh giá thực trạng, triển vọng... để hướng đến việc xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Những điều kiện để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực

Không thể phủ nhận, TP.HCM là đầu tàu kinh tế, trung tâm thương mại, trung tâm tài chính và cửa ngõ giao lưu quốc tế của cả nước. Khát vọng của TP.HCM không chỉ là giữ được vị trí dẫn đầu cả nước, mà còn tiến tới bắt kịp các thành phố là trung tâm tài chính khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Trước hết, cần phải xác định kinh tế TP.HCM hiện là nền kinh tế đang phát triển. Trong phạm vi cả nước, kinh tế TP.HCM có nhiều ưu thế so với các địa phương khác. GDP của TP.HCM đạt gần 23% GDP của cả nước, ngân sách TP.HCM chiếm tỷ trọng xấp xỉ 27% ngân sách quốc gia, tỷ lệ sản xuất các ngành công nghệ cao của TP.HCM chiếm trên 30% mức trung bình của cả nước... Nếu sự kết nối có hiệu quả với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vai trò, tiềm năng của TP.HCM càng được nâng cao về tỷ trọng GDP, cũng như đóng góp của vùng này vào ngân sách quốc gia (hơn 50%).

Link bài viết

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong tương lai, Thành phố cần được quan tâm đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng; đặc biệt với hệ thống đường giao thông, bến cảng, logistics, viễn thông... Không thể tiến lên trung tâm tài chính khu vực mà hạ tầng cơ sở lại chậm phát triển. Như vậy, TP.HCM cần phải có thêm nguồn thu vào ngân sách Thành phố để có thể giải bài toán hạ tầng quá tải trầm trọng, cụ thể là tình trạng ngập nước và kẹt xe.

Trung tâm tài chính quốc tế cần có các ngân hàng có quy mô vốn lớn, ngang tầm với các ngân hàng hàng đầu trong khu vực. TP.HCM có khả năng xây dựng mô hình ngân hàng này thông qua các biện pháp mua - bán, sáp nhập (M&A) các ngân hàng quy mô trung bình và nhỏ, liên kết với ngân hàng nước ngoài có phương thức thanh toán hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế. Lộ trình này cần được lãnh đạo Thành phố tính đến cũng như nhu cầu của các ngân hàng...

Bên cạnh đó, TP.HCM còn cần hướng đến việc hình thành các công ty môi giới tài chính quốc tế, công ty kiểm toán quốc tế, trọng tài quốc tế, công ty quản lý tài sản quốc tế... phục vụ cho vận hành của trung tâm tài chính quốc tế.

Phải là trung tâm thương mại trước khi trở thành trung tâm tài chính khu vực .

Theo PGS-TS. Ngô Hướng (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM), để trở thành trung tâm tài chính khu vực, cần phải có những điều kiện thuận lợi trong giao dịch thương mại. Hoạt động thương mại, dịch vụ là nền tảng phát triển các nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính - ngân hàng.

Để đáp ứng nhu cầu trên, hệ thống ngân hàng TP.HCM phải đạt trình độ nhất định về nghiệp vụ kinh doanh, có quy mô vốn đủ để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh trung tâm thương mại và hệ thống các ngân hàng, các định chế tài chính khác cũng phải phát triển với một tầm nhất định. Đó là các tổ chức kinh doanh ngoại hối, các quỹ đầu tư, các công ty tài chính, các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm... và những vệ tinh xoay quanh.

Để trở thành một trung tâm thương mại ngang tầm khu vực, TP.HCM cũng cần phải xây dựng sàn giao dịch hàng hóa với các thế mạnh của Việt Nam như gạo, cà phê, cao su, tiêu, điều... Sàn giao dịch hàng hóa cần có đội ngũ các nhà kinh doanh có khả năng chào hàng và mua hàng. Đây phải là một đội ngũ am hiểu thị trường với các loại sản phẩm đang tiêu thụ ở thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế.

Nếu hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển, sẽ kéo theo các nhu cầu về dịch vụ tài chính xuất hiện đi theo, các định chế tài chính sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh. Đây là cơ sở hình thành một trung tâm tài chính mà TP.HCM cũng phải xem ngành thương mại, dịch vụ là ngành kinh tế trụ cột.

TP.HCM hiện có 16 khu công nghiệp và khu chế xuất. Trong đó, có 4 khu công nghiệp có diện tích hơn 300ha, 8 khu công nghiệp có diện tích 200ha, 2 khu công nghiệp có diện tích dưới 100ha, có khu công nghiệp chỉ có diện tích dưới 22ha. Các khu công nghiệp này hoạt động đa ngành nghề, không có liên kết gì với nhau. Để hướng đến mục tiêu tận dụng hiệu quả, TP.HCM cần chuyển đổi các khu công nghiệp này thành các cluster (các khu công nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị như  KCN điện tử, KCN dệt may, KCN da giầy...). Định hướng phát triển ngành của TP.HCM nên chuyển dần theo hướng phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao và dịch vụ hiện đại. 

Nhìn cơ bản, về toàn cảnh, TP.HCM đã có đầy đủ những cấu phần cần thiết của một trung tâm tài chính, nhưng tính kết nối vẫn chưa thông suốt với các thị trường tài chính thế giới. Hệ thống tài chính của Việt Nam đang phát triển theo hướng mất cân đối, trong đó thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu chưa phát triển cân xứng với thị trường tín dụng. Điều này gây sức ép lên hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng .

Để tạo điểm thu hút khác biệt so với các trung tâm tài chính khu vực (Singapore, Hồng Kông, Tokyo), TP.HCM cần phải có một chiến lược tổng thể, mô hình phát triển và bước đi phù hợp. Trong đó, cần chú trọng nâng cao quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền TP.HCM. Thời gian qua, vai trò của chính quyền TP.HCM còn chưa được phát huy tối đa trong việc hỗ trợ và kích thích phát triển thị trường tài chính, còn bị động đối với các hoạt động tài chính trên địa bàn.

Một yếu tố khác cũng cần được đặc biệt chú trọng để xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực, đó là việc cần phải phân bổ nguồn lực cho TP.HCM một cách tương xứng với tiềm năng phát triển. TP.HCM là địa phương nộp ngân sách nhiều nhất nước, nhưng việc phân bổ lại từ ngân sách trung ương luôn giảm mạnh (từ 33% năm 2003 xuống còn 18% từ năm 2017 đến nay).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những điều kiện để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO