TP.HCM vượt thách thức để chuyển đổi công nghiệp
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024 lần thứ 5, chiều ngày 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch UBND TP.HCM, lãnh đạo các tỉnh, thành với các khách mời, các tập đoàn trong nước và quốc tế.
Ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng đóng góp cao
Chia sẻ mở đầu phiên đối thoại, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, sự phát triển công nghệ mang tính đột phá trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị đến xã hội và môi trường; làm thay đổi căn bản, thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tri thức dựa trên đổi mới sáng tạo. Qua đó, tạo ra nhiều cơ hội cho các nước, nhất là các quốc gia khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, có thể rút ngắn khoảng cách phát triển để bứt phá đi lên.
Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng tạo ra nhiều thách thức, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nguồn lực phải lớn, nhân lực dồi dào, chính sách pháp luật phải hoàn thiện, hợp tác quốc tế phải sâu rộng hơn nữa. Sự chủ động của địa phương là rất cần thiết, nhưng những quyết sách của Trung ương là điều quan trọng, quyết định thành công của quá trình chuyển đổi.
5 năm qua, kinh tế TP.HCM phát triển ổn định, giữ vai trò là trung tâm nhiều mặt của khu vực và cả nước; là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước. Đặc biệt, hằng năm, TP.HCM đóng góp 20% GRDP, 25% nguồn thu ngân sách của cả nước. Trong sự phát triển kinh tế của thành phố, ngành công nghiệp có vị trí quan trọng và chiếm tỷ trọng đóng góp cao.
Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đạt được, công nghiệp TP.HCM đang đứng trước nhiều thách thức, phát triển thiếu bền vững như gia công, lắp ráp chiếm tỷ trọng cao, giá trị gia tăng thấp, thâm dụng lao động… Cùng với đó, ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm. Việc phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp không còn phù hợp, một số khu công nghiệp hiện nay nằm trong vùng lõi của thành phố.
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi công nghiệp là hết sức cấp bách và cần thiết. Ông Võ Văn Hoan cho rằng, công nghiệp TP.HCM phải phát triển theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chíp điện tử, vi mạch, bán dẫn; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp xanh gắn chuyển đổi số; phát triển hệ thống các dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp như logistics, dịch vụ số (gồm thông tin và truyền thông), dịch vụ tài chính… Đặc biệt là phải hình thành các ngành công nghiệp mới như công nghiệp năng lượng mới, công nghiệp dược, công nghiệp văn hóa, điện ảnh…
Thành công của doanh nghiệp là thành công của Thành phố
Theo ông Hoan, Thành phố sẽ khai thác tiềm năng và lợi thế về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cùng nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng suất và hiệu quả của các ngành công nghiệp. Nhưng TP.HCM cần sự đồng hành của Chính phủ, các bộ ngành trung ương và địa phương để tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng chính sách ưu đãi, cải thiện môi trường đầu tư, và thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm phát triển ngành công nghiệp TP.HCM theo hướng hiện đại hóa.
Với những cơ hội mới từ Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Phó chủ tịch thành phố tin tưởng thành phố sẽ tận dụng tốt các lợi thế này để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi ngành công nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của TP.HCM và cả nước.
Ông Võ Văn Hoan nhìn nhận, trong quá trình triển khai, chắc chắn thành phố sẽ gặp phải những vấn đề khó khăn. Vì vậy, phiên đối thoại chính sách tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024 là cơ hội cho doanh nghiệp phản ánh kiến nghị, chính sách để Chính phủ và chính quyền Thành phố lắng nghe, tìm kiếm giải pháp xây dựng chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp ở TP.HCM và các địa phương trong cả nước.
“TP.HCM luôn nhận thức rằng sự thành công của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong quá trình chuyển đổi công nghiệp nói chung và sản xuất kinh doanh nói riêng chính là sự thành công của thành phố. Điều này góp phần tiếp thêm động lực cho thành phố phát triển mạnh mẽ theo tinh thần "TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM, vì sự thịnh vượng chung của đất nước"", ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Chia sẻ tại phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết rất tự hào khi TP.HCM lần thứ 5 tổ chức Diễn đàn Kinh tế. Điều đáng nói là quy mô diễn đàn ngày càng lớn hơn, đối tượng nhiều hơn, vấn đề sâu sắc hơn, nhận được sự quan tâm của bạn bè, đối tác quốc tế.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, trong kỳ họp thứ 8 lần này, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua các luật và sửa đổi các luật nhiều nhất từ trước đến nay, với khoảng 16-17 luật được thông qua và hơn 10 luật được thảo luận. Ngoài ra, cũng xây dựng cơ chế chính sách để huy động nguồn lực thực hiện.
"Muốn làm gì thì làm, hạ tầng phải phát triển, đặc biệt là hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh và không thể không có hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa", Thủ tướng nhấn mạnh.