Những con số ảo về rừng

Chính Trực| 11/11/2020 06:00

Có ba loại nói dối là nói dối, nói dối trắng trợn và nói dối bằng thống kê. Thông tin mà ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra trong kỳ họp Quốc hội vừa qua là một loại nói dối bằng thống kê như vậy.

Trong phần giải trình trước Quốc hội, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, diện tích và độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng lên trong 30 năm qua. Nếu như năm 1990, diện tích rừng của Việt Nam là 9 triệu hecta với độ che phủ là 27% thì tới nay diện tích rừng là 14,6 triệu hecta, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu hecta, rừng trồng là 4,3 triệu hecta. Theo đó, độ che phủ của rừng hiện nay là gần 42% trong khi mức bình quân thế giới chỉ là 29%.

Những con số nói trên quả là ấn tượng khi so sánh tương quan với hai nước láng giềng là Lào và Campuchia. Theo đó, trong giai đoạn 1996-2020, trong khi diện tích rừng của Lào và Campuchia giảm lần lượt là 1 và 4 triệu hecta thì rừng Việt Nam tăng tới 5,1 triệu hecta. Một thành tích ấn tượng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên tại kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIV ngày 6/11/2020, đại biểu Ksor H'Bơ Khăp (còn gọi là Ksor Phước Hà - tỉnh Gia Lai) cho rằng việc tăng diện tích rừng từ 9 triệu hecta lên 14,6 triệu hecta là con số phấn khởi. 

Tuy nhiên, bà cảm thấy con số Bộ trưởng đưa ra "có gì đó sai sai". Bà dẫn chứng, trong nhiệm kỳ này, mỗi kỳ họp đại biểu Quốc hội đều được nghe các dự án, công trình xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ (rừng tự nhiên) sang mục đích khác. Vậy thì làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại có thể tăng lên được, làm gì có con số 14 triệu hecta rừng ấy? Không lẽ cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng?

Hàng chục năm qua, rừng bị tàn phá cả chính thức lẫn bất hợp pháp, tại sao diện tích vẫn tăng?

Hàng chục năm qua, rừng bị tàn phá cả chính thức lẫn bất hợp pháp, tại sao diện tích vẫn tăng?

Số liệu rừng mà ông Nguyễn Xuân Cường đưa ra trước Quốc hội, quả thật rất mơ hồ. Nhiều người băn khoăn vì sao rừng nhiều đến vậy mà lũ lụt và sạt lở đất lại xảy ra nhiều, mùa khô thì hạn hán càng trở nên khốc liệt qua từng năm. Đó có thể là các con số không nói dối, nhưng con người có thể nói dối thông qua các con số. Đầu tiên, tỷ lệ che phủ rừng là một con số rất khó kiểm tra. Bởi như nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ ra, ngành nông nghiệp tính cả diện tích cà phê, tiêu vào diện tích rừng là rất vô lý. Vì đó là các diện tích cây canh tác nông nghiệp, không phải là rừng theo định nghĩa đưa ra tại Luật Lâm nghiệp 2017.

Thứ hai, diện tích rừng tăng không đồng nghĩa với chất lượng rừng tăng. Với điều kiện Việt Nam, chúng ta có thể thấy rằng chất lượng đang giảm nghiêm trọng khi các cánh rừng nguyên sinh, rừng già, rừng tự nhiên bị tàn phá hay khai thác chỉ còn lại những cánh rừng thứ sinh, rừng tái sinh nghèo nàn. Do vậy, ngay cả định nghĩa rừng tự nhiên trong Luật Lâm nghiệp là một trò chơi câu chữ hơn là một sự phân loại mang tính khoa học. Tại Khoản 6 điều 2 của luật này định nghĩa "rừng tự nhiên là rừng có sẵn trong tự nhiên hoặc phục hồi bằng tái sinh tự nhiên hoặc tái sinh có trồng bổ sung". Ở đây, ai cũng hiểu rừng có sẵn trong tự nhiên, rừng nguyên sinh và rừng tái sinh khác nhau một trời một vực đã bị đánh đồng trong tên gọi "rừng tự nhiên".

Link bài viết

Một khu rừng tái sinh không chỉ thiếu những tầng cây gỗ lớn hàng trăm năm tuổi mà còn nghèo nàn về chủng loại động thực vật, khả năng chắn mưa, điều tiết nước và giữ đất kém hơn nhiều so với rừng già. Những cánh rừng trồng còn tệ hơn nữa vì chúng được trồng với mục đích thu hoạch chỉ sau 5-10 năm. Đây là những khu rừng độc canh và hệ sinh thái rất nghèo nàn, thậm chí chưa kịp hình thành và thiếu bền vững đã bị cắt trụi để làm nguyên liệu chế biến rồi trồng lại lớp mới. Cũng là rừng đấy, nhưng các chức năng cơ bản của rừng đã không còn.

Rồi hàng trăm thủy điện mọc lên ở khắp các con sông ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã làm mất đi hàng triệu hecta rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ. Chỉ trong giai đoạn 2008-2012, có hàng trăm hecta rừng khộp tại Tây Nguyên bị xóa xổ để chuyển sang trồng cao su. Còn chưa kể hàng nghìn dự án thủy điện lớn nhỏ được lập ra và xây dựng trên diện tích từng là rừng ở những khu vực này. Khi thủy điện tích nước với khối lượng cực lớn không chỉ làm mất, biến dạng dòng chảy về hạ lưu mà còn làm biến đổi cấu trúc địa chất của khu vực dưới lòng hồ và xung quanh hồ thủy điện. Những cấu trúc địa chất đã ổn định qua hàng triệu năm bị phá vỡ trở nên bất ổn và rủi ro hơn khi những tán rừng biến mất, thời tiết trở nên cực đoan hơn, mưa xối xuống nhanh chóng bị thấm vào đất, bị chảy tràn. Hậu quả là lũ lụt, trượt lở đất diễn ra thường xuyên và khốc liệt hơn như những đợt lũ bão vừa qua ở miền Trung, Tây Nguyên.

Mấy ngày qua trên diễn đàn Quốc hội, người nắm ngành nông nghiệp, môi trường, thủy điện khi trả lời chất vấn vẫn đổ lỗi cho trời là sự chối bỏ, không dám nhìn vào thực tế và cũng là cách dễ nhất để né tránh trách nhiệm. Khi chúng ta vẫn có cái nhìn vô hồn như vậy, vấn đề an toàn và sinh mạng của người dân vẫn như ngọn đèn trước bão tố. Và miền Trung, Tây Nguyên hay nhiều nơi khác sẽ đón những cơn bão tiếp theo, không ai biết trước được điều gì đang chờ đợi những bản làng chênh vênh, những số phận con người trên các triền đồi ở khắp nơi đó.

Chúng ta phải nhìn nhận thực tế hàng trăm năm qua những ngôi làng của người dân nằm dưới chân núi được che chắn bởi những cánh rừng già phía trên thượng nguồn. Nhưng chỉ mấy chục năm gần đây thôi, rừng liên tục bị tàn phá và theo đó thiên tai liên tiếp kéo về, đe dọa cuộc sống của người dân. Người dân sống dựa vào rừng bởi họ hiểu rằng "rừng còn thì người còn", tiếc rằng, những người quản lý từ địa phương đến trung ương, họ ở quá xa nên đã quên mất chân lý ấy.

Trong báo cáo tình hình phòng, chống thiên tai, bão lũ ở các tỉnh miền Trung gửi tới Quốc hội, Chính phủ cho biết, từ đầu tháng 10/2020 đến nay, bão lũ xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung với phạm vi rộng, cường độ rất mạnh và gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Các đợt bão chồng bão và mưa, lũ lớn liên tục gây ra nhiều vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng, nhất là tại Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên - Huế); Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Hướng Hóa (Quảng Trị); Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam), cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân và hàng chục cán bộ, chiến sĩ. Thiệt hại do bão lũ rất nặng nề, 235 người chết và mất tích. Trên 201.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái. Các đợt bão lũ đã khiến trên 1,8 triệu m3 đất, đá sạt lở (riêng bão số 9 làm sạt lở 744.000m3), gây chia cắt nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, cả quốc lộ, tỉnh lộ và các đường liên thôn, liên xã, gây khó khăn lớn cho công tác cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn.

Ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 17.000 tỷ đồng, trong đó riêng thiệt hại do bão số 9 là hơn 10.000 tỷ đồng (chưa kể nhiều cơ sở hạ tầng và hàng trăm kilomet đê điều, kênh mương, bờ sông, bờ biển và bị hư hỏng, sạt lở).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những con số ảo về rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO