Nhiều vướng mắc trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Nguyễn Loan| 20/03/2020 06:00

60% doanh nghiệp (DN) được khảo sát trên địa bàn TP.HCM cho rằng doanh thu sẽ giảm 50% nếu dịch Covid-19 kéo dài trong 6 tháng, 76% DN cho rằng có nguy cơ phá sản bởi doanh thu không bù đắp được chi phí hoạt động, chi trả lương người lao động, chi phí mặt bằng, trả lãi ngân hàng... Ngay cả các chương trình “giải cứu” DN do ảnh hưởng Covid-19 cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nhiều vướng mắc trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Kiến nghị của TP.HCM

Việc đánh giá đúng mức tác động của dịch Covid-19 là rất cần thiết để giúp các nhà hoạch định chính sách kịp thời xây dựng kế hoạch, chương trình hành động nhằm ổn định nền kinh tế. Đặc biệt đối với TP.HCM, địa phương đông dân nhất cả nước và đóng góp tới 27% tổng thu ngân sách, 24% GDP của cả nước, tình trạng ngưng trệ sản xuất, kinh doanh không chỉ làm DN điêu đứng mà còn ảnh hưởng xấu đến kinh tế cả nước. 

TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao với mức giảm 50% thuế giá trị gia tăng, giảm 50% thuế thu nhập DN, giảm 50% thuế nhập khẩu, đồng thời áp dụng cơ chế chậm nộp các loại thuế kể trên. Cho phép TP.HCM tham gia gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng đã được Chính phủ phê duyệt, áp dụng ngay việc giãn thời gian trả nợ đến hạn để DN không rơi vào nhóm nợ xấu, hỗ trợ DN bằng hình thức cho vay lãi suất ưu đãi từ 30% trở lên so với lãi suất thông thường. Đề xuất giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động làm việc trong các DN ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh, giảm 50% bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho DN. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương bãi bỏ quy định giờ cao điểm bán điện theo khung giờ (9 giờ 30 - 11 giờ 30) và giảm 50% giá điện giờ cao điểm trong cả quý II. 

Cơ chế minh bạch

Theo PGS-TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người dân, đẩy khoảng cách phân hóa giàu nghèo xa hơn, cản trở mục tiêu giảm nghèo của Chính phủ. Mặt khác, dịch Covid-19 làm gia tăng áp lực và khối lượng công việc cho đội ngũ y tế, ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm xã hội do nhu cầu chi trả nhiều hơn cho an sinh xã hội. Tuy nhiên, đối với các lĩnh vực Fintech, y tế thông minh, giáo dục thông minh... lại phát huy được tác dụng để thích nghi với bối cảnh phòng chống dịch bệnh. Điều này góp phần làm gia tăng sự vận hành nền kinh tế của TP.HCM theo hướng hiện đại, bắt nhịp nhanh hơn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, không ai khác là chính các nhà kinh doanh phải tìm ra cách thức vận hành DN phù hợp để tồn tại bền vững.

Để hỗ trợ tài chính cho DN theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 13/3/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định cụ thể đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo đại diện Công ty Du lịch Thanh Niên, khó khăn nhất của ngành du lịch hiện tại là gánh nặng chi phí vận hành bộ máy (lương, mặt bằng, bảo hiểm cho người lao động) chưa kể việc bị hủy tour, mất tiền cọc và nhiều chi phí khác. Cho nên, hỗ trợ thiết thực nhất đối với ngành du lịch là miễn, giảm giá thuê mặt bằng thuộc Nhà nước quản lý, với mặt bằng của tư nhân thì DN có thể chủ động đàm phán, điều đình. Nếu tình hình dịch bệnh ổn định trong quý I thì khả năng phục hồi dần của ngành du lịch cũng phải đến hết năm 2020.

Theo ông Trần Thiên Long - Phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM, việc giảm lãi vay, giãn nợ, miễn giảm thuế, miễn giảm nợ bảo hiểm... cần phải có hướng dẫn, quy định cụ thể. Thực tế cho thấy, khi liên hệ các ngân hàng trong hệ thống triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ cho DN, đến thời điểm này đều nhận được câu trả lời chưa có hướng dẫn nên chưa biết thực hiện thế nào. 

Khó thống kê thiệt hại

Tính đến ngày 16/3/2020, dịch Covid-19 lan rộng đến 157 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại TP.HCM, ảnh hưởng của Covid-19 làm lượng khách đến các trung tâm thương mại, siêu thị giảm 40-50% so với trước, nhóm dịch vụ ăn uống giảm 20-30%, cuối tuần tới 50%; doanh thu các cửa hàng tiện lợi giảm tới 40%, 50% DN ngành dệt may phải ngưng sản xuất ngay giữa tháng 3, số còn lại chỉ cầm cự được trong thời gian ngắn. Nhiều DN ngành điện tử cũng chỉ duy trì sản xuất được hết tháng 3 do thiếu nguyên liệu.

Ông Nguyễn Duy Minh - Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam nêu tình huống cụ thể: Việc cách ly các khu dân cư để phòng chống Covid-19 lây lan là cần thiết, nhưng người dân sinh sống trong các khu dân cư ấy phần lớn là người lao động trong các công sở, DN. Việc cách ly họ ảnh hưởng đến cả chuỗi vận hành công việc, chưa kể việc vẫn phải trả lương, trả bảo hiểm. Cho nên cần thiết là phải có quy định rõ ràng, cụ thể về thời gian cách ly để người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan có trách nhiệm như y tế, bảo hiểm căn cứ vào đó thực hiện. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều vướng mắc trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO