Nhiều nhà máy, cơ sở giết mổ đóng cửa: Nguồn thực phẩm cho TP.HCM khó chồng thêm khó

Băng Tâm - Hồng Nga| 25/07/2021 04:45

Chuỗi cung cấp thực phẩm cho TP.HCM ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn. Từ việc 3 chợ đầu mối đến gần hai trăm chợ truyền thống ngưng hoạt động, nay lại có thêm một số nhà máy, cơ sở giết mổ đóng cửa hoặc phải giảm công suất vì phát hiện các ca F0...

Đóng cửa nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM khiến việc cung ứng thực phẩm gặp khó khăn

Nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM phải đóng cửa khiến việc cung ứng thực phẩm cho người dân gặp khó khăn

Liên tục phát hiện các ca F0

Người mua không tìm được nơi bán, người bán không tìm được đầu ra, đó là thực trạng đang diễn ra đối với nhóm hàng thực phẩm thiết yếu ở TP.HCM. Đến 8g sáng chủ nhật (25/7), anh N.V.T, một nhân viên công ty trong khu vực cảng Cát Lái vẫn chạy đôn đáo tìm nguồn thực phẩm cung cấp cho người lao động đang thực hiện 3 tại chỗ (3T). Anh T cho biết cả ngày hôm trước đã gõ cửa nhiều nơi để mua khoảng 100kg thịt heo, gà nhưng nơi nào cũng báo không thể giao hàng. Nơi có hàng nói không có người giao, nơi khác giải thích không có hàng vì cơ sở giết mổ đóng cửa. Anh T phải chạy gom thực phẩm từ nhiều cửa hàng tiện lợi trên đường Nguyễn Thị Định và Lê Văn Thịnh, TP. Thủ Đức.

"Chúng tôi sẵn sàng cung cấp thực phẩm đến tận nhà máy, khu cách ly tập trung".

Đó là khẳng định của ông Lê Xuân Huy - Phó TGĐ Công ty chăn nuôi C.P. Việt Nam. Theo ông Huy, giá cả thực phẩm chế biến cũng như thực phẩm tươi từ công ty C.P. Việt Nam tới siêu thị, nhà phân phối hiện đang ổn định, thấp hơn thị trường. Công ty cam kết sẽ giao hàng tới tận nhà máy, khu cách ly tập trung ở mức giá sỉ. Chẳng hạn với thịt heo mảnh, C.P. Việt Nam sẽ giao tới cổng nhà máy với mức giá trung bình từ 66-72 ngàn đồng/kg tuỳ loại (chưa tính phí vận chuyển). Ngoài ra, ở mỗi tỉnh, thành đều có đầu mối của C.P. Việt Nam để DN có thể liên hệ khi cần.

“Chúng tôi đang thực hiện 3T, việc phải chạy ra ngoài hàng ngày mua thực phẩm là điều bất đắc dĩ nên rất cần các đầu mối giao cố định vào nhà máy mỗi ngày. Công ty cần hàng trăm ký thịt, cộng thêm thủy hải sản và rau củ quả mỗi ngày nhưng hiện hàng hóa khan hiếm, rất khó mua”, anh T than thở. 

Ngoài nguyên nhân một số chợ đầu mối và hàng trăm chợ truyền thống tạm ngưng, vài ngày gần đây một số nhà máy, cơ sở giết mổ trên địa bàn TP.HCM đã phải đóng cửa hoặc giảm công suất vì phát hiện các ca F0. Trong ngày 23/7, Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) thông báo do gặp sự cố trong nhà máy nên buộc phải ngưng cung cấp hàng đóng khay và một số mặt hàng cho hệ thống siêu thị. Đại diện Vissan cho biết công ty đang thực hiện 3T, trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm đã phát hiện các ca dương tính nên buộc phải tạm ngưng một số khâu trong nhà máy. 

“Chúng tôi đang sắp xếp lại để duy trì sản xuất nhưng sẽ giảm số lượng thịt heo tươi sống khoảng 15-20% so với trước đây. Công ty cũng đang rà soát tính toán lại năng lực sản xuất, báo cáo Sở Công thương TP.HCM để Thành phố kịp thời có phương án chuẩn bị nguồn hàng thay thế khi cần thiết”, lãnh đạo Vissan thông tin.

Cũng theo đại diện của Vissan, từ trước đến nay, thịt tươi sống được công ty đóng sản phẩm theo khay, phân chủng loại rồi mới đưa về các điểm bán nhưng nay chỉ có thể chuyển heo mảnh về điểm bán để họ tự đóng gói, phân loại. 

Theo thông tin từ cơ quan thú y TP.HCM, lượng thịt heo mà Vissan cung cấp cho thị trường chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số 10.000-11.000 con heo mà người dân Thành phố đang sử dụng mỗi ngày. 

Ngoài nhà máy Vissan gặp sự cố phải giảm công suất, thời gian qua nhà máy giết mổ gia cầm An Nhơn cũng đã đóng cửa vì phát hiện F0. An Nhơn là nhà máy giết mổ gia cầm duy nhất của TP.HCM, công suất trung bình từ 60.000 -100.000 con gà mỗi đêm. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở giết mổ khác ở Củ Chi, Hóc Môn cũng đóng cửa do không đáp ứng được yêu cầu 3T hoặc trong quá trình hoạt động theo 3T đã phát hiện các ca F0. Như vậy, đến thời điểm này, số nhà máy, cơ sở giết mổ của Thành phố còn hoạt động khá ít, đa phần là công suất nhỏ.

Chi cục Thú y Thành phố cũng cho biết trung bình mỗi ngày Thành phố cần hơn 10.000 con heo, hơn 100.000 con gia cầm, hàng trăm con trâu bò và hàng trăm tấn thịt đông lạnh. 

Một nhà máy giết mổ phải giảm công suất do xuất hiện ca nhiễm Covid-19

Khi nhà máy, cơ sở giết mổ phải đóng cửa hoặc giảm công suất do xuất hiện ca nhiễm Covid-19 thì thị trường sẽ không có đủ lượng thực phẩm theo nhu cầu

Cần phương án bảo vệ sức khỏe lao động trong nhà máy, cơ sơ giết mổ

Sáng 25/7, ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) TP.HCM - thừa nhận đến thời điểm này, một số lò mổ thủ công ở Thành phố đã ngưng hoạt động do không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn phòng dịch và một số cơ sở giết mổ quy mô lớn xuất hiện F0 cũng đã giảm công suất. “Chúng tôi được biết  Vissan đã làm việc với một số cơ sở giết mổ khác đề nghị tăng công suất, bù đắp cho phần cắt giảm từ phía Vissan để không giảm lượng hàng cung ứng cho các kênh phân phối. Đây là một hình thức trao đổi, cân đối giữa nội bộ mạng lưới cơ sở giết mổ”, ông Hiệp nói.

Nói thêm về thông tin các nhà máy, cơ sở giết mổ phải đến các BV để test nhanh, ông Đinh Minh Hiệp cho biết chỉ một vài trường hợp cá biệt. Ông Hiệp đã liên hệ với một số nhà máy giết mổ, ví dụ như Công ty CP Thực phẩm Hóc Môn thì được biết DN này đang hợp đồng với BV Xuyên Á để triển khai test nhanh định kỳ ngay tại nhà máy. 

Theo Sở NN&PTNT TP.HCM, hiện nay nguồn cung thực phẩm cho Thành phố đến từ hai nguồn, một là từ các các cơ sở giết mổ trên địa bàn Thành phố (heo chiếm 78,86%, gà chiếm 58,39%, bò chiếm 8,7%). Số thịt này được cung ứng vào các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện ích. Nguồn thứ hai là từ các cơ sở giết mổ của các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai…Từ khi Thành phố áp dụng Chỉ thị 16, hai nguồn cung này luôn bổ sung cho nhau. 

“Vừa qua có một số cơ sở không đảm bảo an toàn phòng dịch đã phải tạm ngưng hoạt động. Ngay sau đó ngành nông nghiệp phối hợp với ngành y tế hướng dẫn thực hiện quy trình cách ly, phong toả một thời gian, tiến hành tiêu độc khử trùng. Nếu cơ sở đáp ứng điều kiện an toàn phòng dịch thì được khôi phục lại từng phần. Với những lò mổ như vậy, khi có nhu cầu bổ sung nhân lực thì phải tiến hành xét nghiệm âm tính trước khi đưa vào làm việc”, ông Hiệp nói thêm và khẳng định tình hình giết mổ tại Thành phố sẽ sớm ổn định trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, theo thông tin từ một số nhà máy, cơ sở giết mổ đang thực hiện 3T trên địa bàn TP.HCM, thời gian qua họ phải đưa công nhân tới bệnh viện test mẫu theo quy định một tuần/lần của ngành y tế mà không được thuê dịch vụ bên ngoài. Theo họ, đây là kẽ hở phát sinh F0, vì việc đi lại giữa các nơi không an toàn. 

Trả lời vấn đề này, Giám đốc sở NN&PTNT TP.HCM cho biết vừa qua khi làm việc với Tổ công tác của Bộ NN&PTNT và Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng, Sở đã đề nghị chính quyền Thành phố sớm có hướng dẫn, phương án bảo vệ sức khoẻ cho người lao động ở các cơ sở giết mổ nhằm tạo điều kiện tối đa cho các cơ sở này duy trì hoạt động, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho Thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều nhà máy, cơ sở giết mổ đóng cửa: Nguồn thực phẩm cho TP.HCM khó chồng thêm khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO