Nhiều doanh nghiệp Nhà nước tăng hơn 30% doanh thu

T.H.G| 15/10/2022 04:26

Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 673 doanh nghiệp (DN) Nhà nước và 153 DN cổ phần, có vốn góp của Nhà nước. So với năm 2020, tổng tài sản của các DN này là hơn 3,7 triệu tỷ đồng, tăng 2%; tổng doanh thu đạt gần 2,13 triệu tỷ đồng, tăng 8% và lãi phát sinh trước thuế đạt hơn 205.000 tỷ đồng, tăng 25%.

Nhiều doanh nghiệp Nhà nước tăng hơn 30% doanh thu

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) trong phạm vi toàn quốc năm 2021.

So với năm 2020, 673 DN Nhà nước có tổng tài sản đạt 3,65 triệu tỷ đồng, tăng 1% và tổng doanh thu đạt 2,04 triệu tỷ đồng, tăng 8%. Năm 2021, các DN này đóng góp vào ngân sách 316.778 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước. Tuy nhiên có 58 DN Nhà nước lỗ phát sinh 15.785 tỷ đồng và 138 doanh nghiệp Nhà nước còn lỗ lũy kế 50.125 tỷ đồng.

Tổng doanh thu của 75 DN hoạt động theo mô hình tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2020. Trong đó, những tập đoàn đạt tổng doanh thu cao tập trung chủ yếu là các DN có quy mô lớn, như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (440.000 tỷ đồng), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (hơn 380.000 tỷ đồng), Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (gần 150.000 tỷ đồng); Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (hơn 114.000 tỷ đồng)…Đặc biệt, so với năm 2020, nhiều tập đoàn ghi nhận mức tăng doanh thu hơn 30%. Trong đó, nổi bật là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tăng 156% doanh thu.

Ngoài ra, lãi phát sinh trước thuế của các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con đạt gần 157.000 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2020. Tuy nhiên, vài DN giảm sâu lãi phát sinh trước thuế đến 90% như công ty mẹ của Tổng công ty Giấy Việt Nam, công ty mẹ của Tổng công ty Vận tải Hà Nội. Theo đó, doanh thu giảm đã dẫn đến lãi phát sinh trước thuế giảm.

Báo cáo cũng đã chỉ ra hạn chế trong hoạt động kinh doanh của các DN Nhà nước. Đó là một số DN Nhà nước chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, tạo liên kết chuỗi giá trị gia tăng; hiệu quả hoạt động chưa xứng với nguồn lực nắm giữ. Một số dự án có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao như dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản. Một số dự án có lỗ lũy kế lớn liên tiếp trong nhiều năm, phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả.  Bên cạnh đó, việc xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả chưa được giải quyết triệt để làm ảnh hưởng đến việc cơ cấu lại DN Nhà nước.

Theo báo cáo, trong thời gian tới, Nhà nước cần tạo cơ chế để DN chủ động, tự chủ trong xử lý dự án theo nguyên tắc thị trường. Ngoài ra, cần có giải pháp sử dụng hợp lý, hợp pháp nguồn lực để hỗ trợ việc giải thể, phá sản DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước, bảo đảm các yêu cầu về an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, môi trường, các cam kết quốc tế và ổn định xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều doanh nghiệp Nhà nước tăng hơn 30% doanh thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO