Nhật Bản tìm nguồn cung đất hiếm từ Việt Nam

03/07/2012 09:43

Việt Nam được đánh giá có trữ lượng đất hiếm lớn. Kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy, đất hiếm có nhiều tại vùng Tây Bắc. Chính phủ Nhật Bản cùng các doanh nghiệp nước này cam kết sẽ hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong nghiên cứu và khai thác đất hiếm.

Nhật Bản tìm nguồn cung đất hiếm từ Việt Nam

Việt Nam được đánh giá có trữ lượng đất hiếm lớn. Kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy, đất hiếm có nhiều tại Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (tỉnh Lai Châu), Mường Hum (tỉnh Lào Cai), Yên Phú (tỉnh Yên Bái)... Chính phủ Nhật Bản cùng các doanh nghiệp nước này cam kết sẽ hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong nghiên cứu và khai thác đất hiếm.

Bằng chứng mới nhất thể hiện cam kết này là Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ đất hiếm Việt Nam-Nhật Bản, do Nhật Bản tài trợ toàn bộ phần trang thiết bị đã được khánh thành tại cơ sở 2, Viện Công nghệ xạ hiếm ở xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng (Hà Nội). Trung tâm có chức năng nghiên cứu và phân tích quặng đất hiếm ở Việt Nam.

Ông Ichiro Takahana, Cục trưởng Cục Năng lượng và Tài nguyên Nhật Bản cho biết, việc hợp tác này sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng tham gia vào chuỗi giá trị công nghệ cao toàn cầu, đồng thời Nhật Bản có cơ hội mua được các loại đất hiếm của Việt Nam với số lượng lớn phục vụ cho phát triển công nghệ cao.

Trước thời điểm đưa Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ đất hiếm Việt Nam-Nhật Bản vào hoạt động, Công ty Phát triển đất hiếm Đông Pao Nhật Bản đã hợp tác với Công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu - VIMICO lập “Dự án Khai thác chế biến đất hiếm thân quặng F3, ở mỏ Đông Pao, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu”, với mục tiêu đạt sản lượng 10.000 tấn đất hiếm thân quặng F3/năm…

Dự án này trở thành một trong số những dự án quan trọng trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản nhằm cung ứng đất hiếm của Việt Nam cho Nhật Bản và các nước khác. Điều này đã được thể hiện tại văn bản thỏa thuận về hợp tác đất hiếm giữa Nhật Bản và Việt Nam được Thủ tướng hai nước ký kết vào tháng 10/2011.

Việt Nam được đánh giá có trữ lượng đất hiếm khá lớn. Kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy, tại Việt Nam, đất hiếm có nhiều tại Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (tỉnh Lai Châu), Mường Hum (tỉnh Lào Cai), Yên Phú (tỉnh Yên Bái)...

Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, cho dù Việt Nam có tiềm năng tài nguyên đất hiếm lớn, nhưng chưa có mỏ đất hiếm nào được đưa vào khai thác và sản xuất.

“Chính vì vậy, Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ đất hiếm Việt Nam-Nhật Bản sẽ trở thành cơ sở vật chất không thể thiếu trong quy trình áp dụng công nghệ của Nhật Bản để phân ly và chiết tách phần đất hiếm từ thân quặng thu được tại mỏ đất hiếm được khai thác lần đầu tiên tại Việt Nam và sau đó xuất khẩu sang Nhật Bản”, ông Thanh nói.

“Việt Nam có tiềm năng đất hiếm lớn, trong khi nhu cầu về đất hiếm của Nhật lại cao. Việc hợp tác chặt chẽ giữa hai nước vừa mang lại lợi ích cho cả hai bên, lại tránh độc quyền đất hiếm của một quốc gia nào đó”, ông Ichiro Takahana chia sẻ.

Nhiều năm qua, Nhật Bản đã nhập khẩu tới 97% lượng đất hiếm từ Trung Quốc. Tuy nhiên, do việc Trung Quốc thông báo sẽ hạn chế xuất khẩu đất hiếm, khiến cho các nước nhập khẩu mặt hàng này, trong đó có Nhật Bản nỗ lực tìm các nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam.

Nỗ lực đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản để khai thác đất hiếm càng được đẩy mạnh hơn khi Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1652/QĐ-BCT điều chỉnh nội dung một số quy định về quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng đá quý, đất hiếm và urani theo hướng cho phép tăng sản lượng khai thác và cho phép hợp tác liên doanh với Nhật Bản.

Cụ thể, quyết định này cho phép nâng công suất khai thác mỏ đất hiếm Đông Pao (Lai Châu) giai đoạn 2008-2015 từ 200.000 tấn quặng/năm lên 720.000 tấn quặng/năm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhật Bản tìm nguồn cung đất hiếm từ Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO